Bến Tre cạn kiệt dừa

Hàng năm, sản lượng dừa ở Bến Tre đạt khoảng 600 triệu quả. Thế nhưng, trái dừa Bến Tre đang bộc lộ nhiều bất cập ngay trong chuỗi giá trị ngành dừa.

Sản xuất cơm dừa nạo sấy tại Công ty xuất nhập khẩu Bến Tre

Với gần 70.000ha trồng dừa, chiếm gần 40% diện tích dừa cả nước, Bến Tre được mệnh danh là xứ dừa. Hàng năm, sản lượng dừa ở Bến Tre đạt khoảng 600 triệu quả, chi phối đến 70% thu nhập của nông dân. Thế nhưng, từ sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016, sản lượng dừa giảm 20% - 30%. Cạnh tranh đầu vào gay gắt, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu dừa về chế biến. Trái dừa Bến Tre đang bộc lộ nhiều bất cập ngay trong chuỗi giá trị ngành dừa.

Xứ dừa phải nhập dừa

Đến thời điểm hiện tại, giá dừa khô ở Bến Tre đạt khoảng 120.000 đồng/chục (12 trái), tăng gấp đôi năm ngoái, nhưng hầu như nông dân không còn dừa để bán vì cây dừa bị “treo”, cho trái chậm và năng suất thấp. Ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Sơn Phú (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết, gia đình ông có hơn 1ha đất trồng dừa. Trước đây, mỗi tháng gia đình ông thu hoạch khoảng 1.000 trái nhưng tháng vừa rồi thu hoạch chỉ được hơn 200 trái. Nguyên nhân năng suất thấp, theo ông Tấn, là do ảnh hưởng khốc liệt của đợt hạn, mặn hồi năm ngoái.

Không chỉ có cây dừa, nhiều loại cây trồng khác cũng héo úa, hoặc trơ cành. Hầu hết người trồng dừa ở Bến Tre đều lâm vào tình cảnh này. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, dừa năm nay ngoài việc giảm mạnh về sản lượng thì chất lượng cũng bị ảnh hưởng. Trái dừa nhỏ, cơm không dầy… do hạn, mặn. Vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Bên cạnh đó, dù thiếu hụt nguyên liệu nhưng nhà chế biến trong tỉnh lại phải cạnh tranh gay gắt với thương lái nước ngoài đang lùng sục tìm mua dừa ở Bến Tre, đẩy giá dừa lên cao.

Thông tin từ Hiệp hội dừa Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có gần 2.000 cơ sở chế biến dừa, cùng 10 doanh nghiệp làm cơm dừa nạo sấy. Trung bình mỗi năm xuất khẩu hơn 150 triệu USD các sản phẩm từ dừa. Hiện tại, nếu các nhà máy, các cơ sở hoạt động hết công suất thì cần tới 900 triệu quả dừa/năm. Ông Nguyễn Trung Chương, Phó Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre cho biết: “Do hạn mặn, sản lượng dừa giảm nên một số doanh nghiệp trong tỉnh nhập dừa từ Indonesia về chế biến. Trong đó, có một doanh nghiệp đã nhập khoảng 50.000 quả dừa từ Indonesia”. Một số doanh nghiệp không nhập khẩu dừa thì chấp nhận tạm thời ngưng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Bé, chủ doanh nghiệp tư nhân Tân Phước Hưng (chuyên chế biến cơm dừa nạo sấy xuất khẩu ở TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Gần 1 tháng nay doanh nghiệp tạm thời ngưng hoạt động vì không có đơn hàng và nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao. Hiện tại, doanh nghiệp có thể mua đủ dừa để chế biến nhưng giá cao, làm không có lời nên đành phải tạm thời ngưng hoạt động”. Theo bà Bé, một số doanh nghiệp lớn có lượng công nhân đông, chí phí lớn nên bắt buộc phải hoạt động; khi thiếu nguyên liệu thì mua ở nước ngoài là chuyện bình thường. Tuy nguyên liệu dừa ở Indonesia, Philippines giá rẻ nhưng chất lượng kém hơn nguyên liệu dừa ở địa phương. Vì vậy việc nhập dừa về sản xuất chưa chắc đã đạt hiệu quả. Hiện tại, một số doanh nghiệp cũng đang tiêu thụ dừa của nông dân ở các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Tiền Giang để có nguyên liệu hoạt động.



Nhộn nhịp mua bán dừa và các sản phẩm từ dừa ở Mỏ Cày Nam, Bến Tre
Cấp bách giải bài toán liên kết

Bến Tre hiện có hơn 163.000 hộ dân trồng dừa, diện tích bình quân là 0,4ha/hộ nhưng cây dừa của Bến Tre vẫn chưa phát huy được lợi thế, diện tích trồng manh mún, chất lượng, năng suất chưa cao; sản phẩm chế biến từ trái dừa chưa đủ sức cạnh tranh, đầu ra chưa ổn định. Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, yêu cầu tất yếu đặt ra với ngành dừa Bến Tre là kịp thời củng cố, hoàn thiện mối liên kết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Để tăng thu nhập cho người trồng dừa, thời gian qua, các ngành hữu quan đã có những chính sách, biện pháp hỗ trợ như: Lập các dự án giúp nông dân cải tạo hơn 300ha dừa kém hiệu quả; bình chọn hơn 8.200 cây dừa mẹ; xây dựng hơn 8.200ha vườn dừa có trồng xen cây ca cao; phát mô hình nuôi tôm càng xanh trong vườn dừa được 500ha. Tuy nhiên, các mô hình chỉ dừng lại ở mức “thí điểm” chưa được nhân rộng; thậm chí mô hình trồng ca cao xen vườn dừa bị thu hẹp lại còn khoảng 1.000ha. Qua tìm hiểu của chúng tôi, mô hình trồng dừa dù đạt năng suất, chất lượng, nhưng nhà vườn thu nhập mỗi năm cũng ở mức 60 - 70 triệu đồng/ha. Còn nếu có kết hợp trồng xen, nuôi xen thì thu nhập tăng lên gấp 2 - 3 lần.

Thực tế cho thấy, phần lớn diện tích dừa của Bến Tre được trồng từ trước năm 1975, đến nay trên 40 tuổi. Trong khi cây dừa khoảng 60 tuổi thì bị lão hóa nên năng suất, sản lượng không cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng ngập úng cùng một số loại sâu bệnh tấn công đã làm năng suất giảm dừa rõ rệt. Một số nhà vườn chưa đầu tư, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong trồng và chăm sóc vườn dừa. Theo ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty CP XNK Bến Tre (Betrimex), trong bối cảnh hội nhập, ngành dừa Bến Tre cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sự ổn định và nâng cao thu nhập cho người trồng dừa; đặc biệt là nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị cây dừa từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ… Làm được điều này cần phải nhanh chóng giải quyết bài toán liên kết. Theo đó, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu dừa trái trực tiếp với nông dân. Liên kết sẽ giúp nông dân hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá, giảm thiểu rủi ro khi gặp lúc giá thấp, đồng thời đảm bảo lợi ích cộng đồng; phía doanh nghiệp được lợi vì có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng để chủ động trong hợp đồng xuất khẩu. Về mặt xã hội, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị cho cây dừa sẽ thay đổi thói quen “ăn xổi ở thì” để hợp tác hướng tới mục tiêu lâu dài, bền vững; qua đó nâng cao vị thế cho nông dân trồng dừa

Trước thực trạng trái dừa Bến Tre đang lâm vào cảnh bấp bênh, trung tuần tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững ngành dừa tỉnh Bến Tre” nhằm tìm ra hướng đi mới cho cây dừa.

Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta phải thống nhất thông điệp: cần thay đổi cách thức sản xuất. Sản xuất rời rạc hiện nay đã không còn phù hợp, do đó cần phải liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Để làm được điều đó, người trồng dừa cố gắng vượt qua rào cản về tập quán sản xuất. Từng ngành tăng cường liên kết cùng hợp tác về kỹ thuật, giống, phân thuốc, chu kỳ chăm sóc, tiêu thụ. Liên kết từ thấp đến cao, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển theo hướng vườn dừa hữu cơ. Giữa nông dân và doanh nghiệp chia sẻ hài hòa lợi ích để đôi bên cùng có lợi. Doanh nghiệp cố gắng tạo ra cơ chế riêng, cùng với chính sách của Nhà nước để gắn bó chặt chẽ hơn với người dân. Sự bền vững của ngành dừa phải bắt đầu từ liên kết trong ngành dừa. Liên kết là hạt nhân, trong đó tác nhân chính là doanh nghiệp và nông dân. Xoay quanh trục liên kết là các sở, ban, ngành, đoàn thể”.

HÀM LUÔNG - VINH QUANG. Ảnh: THỊNH HƯNG
 




Back
Top