Bệnh viện cho cây trồng

Việc thành lập bệnh viện cây trồng để chuyển từ hoạt động BVTV thuần tuý sang hướng chuyên sâu về sức khoẻ cây trồng là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của hiện tại và xu hướng của thế giới.Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đang phối hợp Trung tâm Sinh học nông nghiệp quốc tế (CABI) tổ chức triển khai mở rộng xây dựng Dự án “Bệnh viện cây trồng”. Với các “bệnh viện” này, người nông dân đã có nơi để đưa cây trồng đến khám, chữa bệnh.
Khám bệnh cho cây theo lịch

Nếu như trong lĩnh vực chăn nuôi, vật nuôi được chăm sóc bằng thú y, tức có sự phòng bệnh, thì việc chăm sóc cây trồng vẫn chủ yếu tập trung ở khâu chữa bệnh bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Do đó, theo VAAS, với việc phối hợp cùng CABI triển khai Dự án “Bệnh viện cây trồng” tại 4 tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Bến Tre, hàng trăm nông dân đã được hỗ trợ tư vấn bắt mạch, khám bệnh cho nhiều loại cây trồng, qua đó nâng cao nhận thức về công tác BVTV và chăm sóc sức khoẻ cho cây trồng. Dự án bước đầu mới thiết lập được 20 bệnh viện cây trồng ở 4 tỉnh triển khai dự án.

nhanong_114131_529295830_1.jpg


Cán bộ bắt bệnh cây trồng, tư vấn cho nông dân ngay trên đồng ruộng.

TS Dương Minh Tú – Giám đốc Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) cho biết: “Tại khu vực phía Bắc, dự án được triển khai ở 2 tỉnh là Vĩnh Phúc và Hưng Yên. Đối với Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có nhiều loại cây trồng như rau, củ quả, đặc biệt là sản lượng su su chỉ đứng sau Lào Cai. Còn Hưng Yên lại là tỉnh có nhiều sản phẩm như rau, quả, lúa, nhãn lồng... Tại 2 tỉnh này, chúng tôi lập 5 bệnh viện cây trồng, mỗi bệnh viện có 2 bác sĩ với lịch khám định kỳ ngày 5 và 25 hàng tháng”.

Ông Tú cũng cho biết, từ tháng 7 đến hết tháng 12.2013, tại Vĩnh Phúc đã tổ chức được 60 buổi khám bệnh cho cây với 93 nông dân tham dự, 57 đơn kê bệnh cho 12 loại cây trồng như lúa, đậu tương, cây cảnh, chanh, quất, cà chua, khoai tây... Tại Hưng Yên, các bác sĩ cũng khám bệnh 60 buổi, kê 158 đơn bệnh, trong đó có 25 loại cây trồng với 54 mẫu lúa, 21 mẫu nhãn, 12 mẫu cam...

TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao TBKT (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho biết, tại 2 tỉnh phía Nam là Tiền Giang và Bến Tre, cũng tổ chức khám bệnh và nông dân đã mang tới 280 mẫu cây trồng.

“Nếu như trước đây, người nông dân thấy bệnh ở cây trồng thường tìm đến cửa hàng thuốc BVTV để mua và chủ cửa hàng bán cho thuốc gì thì dùng thuốc đó. Nghe nói đến bệnh viện, nhiều người cứ nghĩ có vẻ là rất to lớn nhưng thực tế chỉ cần một địa điểm để người dân mang mẫu vật tới, nhờ bác sĩ tư vấn, bắt bệnh, kê đơn thuốc để chữa trị các loại dịch bệnh cho cây trồng hiệu quả nhất” - bà Trúc nói.

Sẽ có bác sĩ cây trồng chuyên nghiệp

Ông Đỗ Danh Kiếm - Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, hiện bệnh viện cây trồng thực tế mới ở dự án thử nghiệm trong diện hẹp và các hoạt động vẫn gắn liền với cơ quan quản lý nhà nước do cán bộ kiêm nhiệm.

“Theo tôi, cần tách hẳn bệnh viện cây trồng khỏi hoạt động của quản lý nhà nước vì như ở Hà Nội, mỗi xã đều có cán bộ BVTV, mọi vấn đề gì xảy ra trên đồng ruộng cán bộ đều phải xử lý, không xử lý được sẽ báo cáo lên cấp trên. Thực tế ở Hà Nội cho thấy, nhiều nông dân sẵn sàng chia luôn cả sản lượng, họ bảo “ông cứ chữa khỏi cho tôi bệnh trên cây bưởi, tôi sẽ chia cho ông sản lượng”. Do đó, rất cần có những bác sĩ đúng nghĩa” - ông Kiếm nhấn mạnh.

"Dự án sau khi kết thúc VAAS dự kiến sẽ đề xuất bệnh viện cây trồng thành chương trình quốc gia để hàng năm các địa phương có kinh phí thực hiện”.

GS - TS Nguyễn Văn Tuất - Phó Giám đốc VAAS

Cùng chung nhận định trên, PGS - TS Nguyễn Kim Vân - Hội KHKT BVTV Việt Nam cho biết, bác sĩ cây trồng không chỉ đơn thuần là chia sẻ với bà con nông dân, mà đòi hỏi phải có kiến thức sâu, rộng.

Hiện dự án tổ chức ở mỗi bệnh viện có 2 bác sĩ, trong đó nhiều người chưa được đào tạo. “Dự án đưa cả cửa hàng thuốc BVTV vào chương trình, tôi lưu ý, các cửa hàng thuốc BVTV lấy lợi nhuận làm số 1, họ thường tư vấn thuốc nào có lãi nhiều nhất chứ không lấy độc hại ra hay không độc hại để khuyến cáo người dân lựa chọn thuốc. Hiện chúng ta có trên 4.000 loại thuốc BVTV, trong đó còn chưa kể rất nhiều loại thuốc giả, thuốc nhái, nếu bác sĩ cây trồng không có kiến thức thì rất khó bắt mạch, kê đơn” - ông Vân nói.

TS Trần Nguyễn Hà - Trưởng khoa Sư phạm và ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, việc thành lập bệnh viện cây trồng để chuyển từ hoạt động BVTV thuần tuý sang hướng chuyên sâu về sức khoẻ cây trồng là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của hiện tại và xu hướng của thế giới. Hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã có chương trình đào tạo bác sĩ cây trồng. “Quan trọng là làm thế nào để phát triển bệnh viện cây trồng bền vững” - TS Hà nói.

Theo: Danviet.vn
 


tôi đọc thấy cũng có lý nhưng để triển khai ra thực tế được phải mất nhều năm lắm. bệnh viện cây trồng có bác sĩ chữa bệnh không thể ví như cửa hàng bán thuốc bvtv được.
 
Trời, mới thấy tiêu đề tôi cứ thắc mắt bệnh viện thì có liên quan gì đến nông nghiệp đâu mà cho cây trồng, đọc nội dung mới hiểu, đúng là từ ngữ Việt Nam quá phong phú!
Nếu đúng như nội dung bài báo nói thì quả là tin mừng cho bà con nông dân đang canh tác trong ngành trồng trọt (trước tiên là 4 tỉnh được thí điểm sau sẽ nhân rộng cả nước).
 
Rồi sẽ chìm xuồng,đơn giản là:
Nếu nông dân áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật canh tác thì cây sẽ không có bệnh.
Mà nếu áp dụng đúng quy trình canh tác thì nông dân sẽ không có cháo mà húp.
 


Back
Top