Cách chữa bệnh đốm đen trên hoa hồng leo

Đốm đen là một bệnh phổ biến trên các loại hoa hồng nói chung và hoa hồng leo nói riêng. Nhất là vào những thời điểm giao mùa thời tiết mưa nắng thất thường độ ẩm trong không khí cao như mùa xuân và mùa thu ở Việt Nam.

Dấu hiệu để nhận biết triệu trứng bệnh trên hoa hồng leo gồm:

Vết bệnh đốm đen xuất hiện trên cây hoa hồng ban đầu là những đốm tròn nhỏ, màu nâu hoặc đen, sau đó phát triển thành những đốm đen to và viền có hình răng cưa. Đường kính vết đốm từ 0,5-1 cm. Lá hoa hồng leo bị nhiễm bệnh sẽ bị vàng và rụng rất nhanh.

Ban đầu, bệnh xuất hiện trên các lá già và dần dần lan lên các lá bánh tẻ và lá non. Nếu bệnh nặng toàn bộ lá phía dưới và giữa rụng hết chỉ còn lại vài lá trên ngọn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự quang hợp và phát triển của cây, làm cây chậm lớn, không có lá, thân và cành trơ ra, rất mất tính thẩm mỹ.

Và quan trọng hơn là bệnh sẽ nặng lên nếu vị trí trồng hoa hồng leo bị cớm nắng, trồng nhiều cây, mât độ các cây dày, không thông thoáng. Nhất là các bạn trồng cây có thói quen để lá rụng và hoa tàn dưới gốc cây với ý nghĩ để chúng phân hủy làm phân bón cho cây luôn. Lá cây chưa kịp phân hủy thì tàn dư bệnh trên lá đã lây lên cây làm cây bị bệnh nặng hơn rồi.

Bên cạnh đó, điều kiện ẩm độ cao vào mùa mưa, thời tiết nhiều sương mù và có nhiều giọt nước đọng lại trên lá hoa hồng do tưới nước vào buổi chiều tối (sau 5h chiều) cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan và phát triển mạnh trên cây hoa hồng leo.

Nguyên nhân gây bệnh đốm đen trên hoa hồng leo:

Bệnh do nấm Marssonina rosae gây ra (Agrios, 2005) thuộc lớp nấm bất toàn gây nên. Khi điều kiện thuận lợi ẩm ướt và nhiệt độ từ 15-25°c, bào tử mọc mầm trong vòng 9 giờ, hình thành đĩa áp và vòi xâm nhiễm trực tiếp qua biểu bì (Smith và ctv., 1988).

Nhiệt độ thích hợp cho nấm gây bệnh đốm đen phát triển 22-26°C (Agrios, 2005). Nấm lưu tồn trong bộ phận bị bệnh và lây lan qua sự tiếp xúc giữa các lá hồng và đặc biệt là nước mưa, nước tưới hoặc có thể do côn trùng (Smith và ctv., 1988). Nấm gây bệnh có giai đoạn sinh sản hữu tính là Diplocarpon rosae (Horst, 2008), thuộc lớp nấm nang, nang và bào tử nang được hình thành trong quả nang có dạng đĩa (apothecia).

Cách phòng và trị bệnh đốm đen trên hoa hồng leo

Trước tiên các bạn cần chọn giống hoa hồng leo ở các cơ sở cung cấp cây giống uy tín, để có được các giống tốt khỏe, kháng bệnh. Nên chọn các giống cây ghép Thái Lan, vì các nhà vườn Thái Lan họ thường ghép mắt cao lên, cách ly hẳn với mặt đất, bệnh sẽ hạn chế bị lây lan rất nhiều

Thường xuyên thu gom và loại bỏ tàn dư bệnh dưới gốc cây

Tránh tưới nước lên lá vào buổi chiều tối,

Bón phân cân đối, hạn chế bón phân có chứa hàm lượng đạm cao, sẽ làm bệnh phát triển nhanh hơn

Khi cây bị bệnh có thể sử dụng các loại thuốc trị nấm phổ rộng để phun như: Score, Till super, Anvil, Antracol, Dacnil, …. Liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.
 
Back
Top