Cân bằng Ammonia trong ao nuôi tôm sú

  • Thread starter tiduta
  • Ngày gửi
Hiện nay nghề nuôi tôm sú đã và đang là thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho cộng đồng ven biển ĐBSCL như Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...v.v. Chính vì vậy, nghề nuôi tôm đã tiến đến việc thâm canh hoá ngày càng cao. Do đó, việc quản lý chất lượng nước trong môi trường ao nuôi ngày càng khó khăn, đặc biệt là sự phát sinh tính độc Ammonia trong môi trường ao nuôi.
NH3 là dạng khí độc cho tôm cá, nó được hình thành từ quá trình phân huỷ các hợp chất hữu cơ như thức ăn dư thừa, phân bón, xác phiêu sinh động thực vật, chất bài tiết của tôm… tăng lên trong ao nuôi ngày càng cao vào cuối vụ, tạo điều kiện cho khí độc hành thành và phát sinh, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên sức khỏe của vật nuôi như:
- Ức chế sự sinh trưởng bình thường của tôm nuôi.
- Giảm khả năng chống bệnh.
- Gia tăng tính mẫn cảm của tôm đối với điều kiện không thuận lợi của môi trường như thiếu oxy, sự dao động của nhiệt độ, pH…
Từ đó làm ảnh hưởng đến tỉ lệ sống, năng suất nuôi cũng như hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư cao.
Sau đây một vài giải pháp cân bằng sự ảnh hưởng này với mục tiêu là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của khí độc, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm sú.
Có hai phương pháp hiệu quả để làm giảm tác hại của amoniac là: giảm pH và thay nước cho ao nuôi , quản lý ao nuôi.
1.Điều chỉnh sự biến động Amonia thông qua pH
Trong ao thức ăn dư, ao giàu chất dinh dưỡng, phiêu sinh thực vật phát triển mạnh làm cho pH dao động mạnh trong ngày và tăng cao. Có thể dùng formline ở nồng độ 10-30 ppm để giảm pH và cả mật độ phiêu sinh vật, sử dụng formol pH giảm là do acid formic trong dung dịch và làm hạn chế hoạt động phiêu sinh vật, giảm quá trình quang hợp, dẫn đến pH giảm. Nếu pH vượt quá 8,5 phải ngừng bón vôi CaCO3. Sau khi pH giảm ở mức cho phép cần xử lý thêm vi sinh hoặc vôi xử lý nền đáy để giảm khí độc NH3 và Dolomit ổn định pH.
pH của nước tăng khi thực vật hấp thu khí CO2 trong nước cho quá trình quang hợp. Mức độ tăng pH của nước phụ thuộc vào “tính đệm” của nước, tức là phụ thuộc vào độ kiềm. Độ kiềm càng lớn thì sự thay đổi pH càng ít.Do đó pH biến động và tăng cao do kiền thấp. Để làm giảm pH ở trường hợp này người ta có thể sử dụng phèn nhôm. Phèn nhôm đơn Al2(SO4)3.14H2O khi hòa tan vào nước sẽ bị thủy phân: Al2(SO3)4 + 6H2O = 2Al(OH)3 + H+. Giảm pH đến một giá trị nào đó cho phép, khi sử dụng phèn nhôm cần phải thử chứ rất khó tính toán chính xác. Lượng axit do phèn nhôm sinh ra là khoảng 9 mol/kg phèn, tương đương với 0,75 lít axit HCl đặc. Sử dụng phèn nhôm có thể giảm ngay pH của nước nhưng không làm ảnh hưởng tới điều kiện môi trường, chỉ làm cho nước nuôi trong hơn chút. Không chỉ có tảo gây ra pH cao mà cả các thực vật thân lớn, có rễ cũng làm tăng pH của nước, vì vậy đôi khi để hạn chế pH tăng cũng cần phải diệt cỏ dại và hạn chế tảo phát triển. Ngoài ra, có thể sử dụng thạch cao thô (CaSO4) để hạn chế sự tăng pH đột ngột của nước. Khi bón thạch cao cho ao làm tăng hàm lượng canxi và tăng độ cứng nên pH cũng tăng chậm khi quá trình quang hợp xảy ra mạnh. Sự có mặt của canxi cũng làm giảm lượng photpho trong nước dẫn đến sự kìm hãm tảo phát triển, tức là hãm pH của môi trường nước.
pH tăng là do quá trình quang hợp của tảo, giảm mật độ tảo sẽ hạ thấp pH của nước. Sử dụng chất diệt tảo Clarosan với liều lượng 0,02 mg/l theo chu kỳ 2 tuần/lần sẽ hạ thấp pH xuống từ 0,5 đến 1,0 đơn vị sau đó vài giờ. Tất nhiên khi đó nồng độ oxy trong nước cũng giảm theo, tuy vậy Clarosan nồng độ thấp không độc đối với tôm. Có thể sử dụng các chất diệt tảo khác, tuy vậy cần hết sức thận trọng để tránh làm cạn kiệt oxy trong nước và gây độc hại trực tiếp cho thủy động vật. Ngoài phương pháp gián tiếp giảm NH3 bằng cách giảm pH, người ta còn có thể sử dụng phương pháp giảm NH3 trực tiếp như:
Phương pháp xử lý amoniac bằng zeolit. Zeolit là loại Alumosilicat tinh thể, tồn tại trong tự nhiên và sản phẩm nhân tạo. Trao đổi ion xãy ra như sau: Na – zeolit + NH4 = Eolit – NH4 + Na+
Na+ ở trong các hốc của zeolit trao đổi với ion NH4+ trong nước và kết quả là NH4+ nhập vào zeolit và Na+ thâm nhập vào nước từ trong zeolit.
Tuy nhiên, theo Yến và Phú (2006) zeo lite tác dụng hấp thu TAN(NH3, NH4) tốt nhất trong môi trường nước ngọt, 1g Zeolite có khả năng làm giảm 0,12 mgTAN. Và tác dụng của Zeolite càng giảm khi độ mặn càng tăng và hàm lượng vật chất hữu cơ lắng tụ ở nền đáy càng nhiều.
Đồng thời, Cát và ctv (2006) cũng cho rằng Khả năng trao đổi ion của zeolit trong nước lợ thấp hơn rất nhiều so với trong nước ngọt do sự có mặt của muối: dung lượng trao đổi 0,12g/kg với độ muối là 4‰; 0,10 g/kg với độ muối là 8‰; 0,08g/kg với độ muối là 16‰ và chỉ 0,04g/kg với độ muối 32‰.
Sử dụng formalin giảm NH3: Ở vùng Đông nam Á đôi khi người ta sử dụng formalin để loại bỏ amoniac trong các hồ nuôi tôm. Có những nghiên cứu cho rằng sử dụng formalin với liều lượng 5-10 mg/l có khả năng loại bỏ được 50% amoniac trong ao nuôi do tạo thành hexamethylenetetramin và foramid. Tuy nhiên, formalin độc đối với thủy động vật, giết chết tảo làm can kiệt oxy trong nước và để lại dư lượng trong sản phẩm. Để có thể ứng dụng trong thực tiễn thì cần phải tiếp tục có những nghiên cứu tỉ mỉ hơn.
Triết xuất từ cây kim Giao (Yuacca schidigera) có chứa hợp chất glyco, chất này có thể kết hợp với amoniac. Trong điều kiện phòng thí nghiệm người ta xác định được là cứ 1g dịch triết kim giao thương phẩm sẽ làm giảm 0,1 – 0,2 g Amoniac. Khả năng kết hợp với dịch triết của amoniac phụ thuộc vào pH của môi trường, vấn đề chưa được khảo sát. Khảo sát trong thực tế cho thấy: sử dụng liều lượng 0,3mg/l, chu kỳ 15 ngày thấy hàm lượng amoniac trong ao tôm thấp hơn so với đối chứng và khả năng sống của tôm cao hơn.
Biện pháp giảm pH chỉ nên thực hiện trong hòan cảnh mang tính chất tình huống. Diệt bớt tảo để giảm pH dể kéo theo giảm oxy trong nước, giảm pH bằng cách xử dụng axit hoặc phèn nhôm chỉ có tác dụng ngắn hạn. Tảo có khả năng hấp thu amoniac rất mạnh vì vậy nó là nguyên nhân chính làm giảm amoniac trong các ao nuôi, nếu mật độ tảo thấp có thể bón thêm phân lân để thúc đẩy chúng phát triển.
2. Điều chỉnh Amonia bằng biện pháp quản lý ao nuôi
Ngoài các giải pháp kỹ thuật xử lý amoniac đã trình bày, các giải pháp quản lý ao nuôi có tác dụng rất tốt và đỡ tốn kém hơn, đồng thời giảm được chất lắng tụ và khí độc phát sinh trong ao.
Những giải pháp quản lý sau đây có thể áp dụng để giảm thiểu nồng độ amoniac trong ao nuôi: Duy trì mật độ tảo ổn định trong ao, điều chỉnh màu nước sao cho mật độ tảo không thưa và không dày quá.
Sử dụng thức ăn có chất lượng cao liều lượng vừa đủ
Loại trừ váng tảo lam nổi trên mặt nước
Cải tạo kỹ ao nuôi, phơi đáy, cày bừa, rải vôi để amoniac bay hơi vào khí quyển, hạn chế sự tồn lưu trong đất.
Tháo nước ở gần đáy theo định kỳ hoặc liên tục, cấp nước có chất lượng tốt.
Quan trắc, đánh giá lượng amoniac trong ao để sớm có giải pháp khắc phục.
Thêm vào đó kết hợp với việc thiết kế ao nuôi và vị trí đặt máy sục khí sao cho các chất thải gom tụ lại ở giữa ao. Tập trung được các chất thải sẽ làm giảm diện tích bề mặt chất thải tiếp xúc với nước ao. Khí đó, tập trung được các thành phần hữu cơ, hạn chế tối đa sự phân hủy của vi khuẩn yếm khí và kết quả là giảm lượng NH3 sinh ra trên bề mặt chất thải. Đồng thời làm giảm được diện tích bề mặt của chất thải, hạn chế sự khuyếch tán NH3 (các khí độc) từ các lớp đất yếm khí.
Ý nghĩa của việc lắp đặt cánh quạt trong ao nuôi:
- Trộn điều nước trong ao nuôi tránh hiện tượng phân tầng nước, giúp quản lý tảo trong ao.
- Cung cấp ôxy cho ao nuôi, giải phóng khí độc dưới đáy ao.
- Tạo dòng chảy trong ao, gom chất thải vào giữa ao tạo vùng sạch cho tôm.
- Tăng cường hoạt động của tôm giúp tôm tiêu hoá và hấp thụ thức ăn được tốt hơn góp phần làm tăng hệ số chuyển đổi thức ăn.
Tất cả các phương pháp trên nếu có điều kiện thay nước trước khi xử lý.
Thay nước cũng là giải pháp có hiệu quả trong quan lý ao nuôi thủy sản.
Ammonia sinh ra do sự bài tiết của các động vật thủy sản và sự phân hủy chất đạm có trong vật chất hữu cơ (thức ăn, xác phiêu sinh vật, phân bón..). Độc tính của Ammonia an toàn cho nuôi tôm sú là 0,03 mg/l, và NH3 phát sinh có liên quan đến các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH,… đặc biệt là các vật chất hữu cơ do thức ăn. Chính vì vậy quản lý thức ăn trong ao nuôi, điều chỉnh hệ số thức ăn ở mức vừa đủ, hệ số thức ăn đối với ao nuôi thâm canh từ 1,2-1,5, hạn chế TAN trong ao nuôi, giảm được hàm lượng NH3 trong ao nuôi và các yếu tố môi trường nước ở mức cho phép (pH=7,2-7,8 và nhiệt độ từ 27-30 oC) sẽ hạn chế được tính độc của Ammonia. Đồng thời chất lượng nguồn nước cấp cũng là yếu tố quyết định đối với năng suất ao nuôi.

<!--Tac gia-->
Thanh Thúy - TTKNKN Sóc Trăng
 


Chỉ cân bằng chứ không cần khử hết Amôn đi à?
Có cần khử ô nhiễm nữa không?
Khử có nghĩa là làm càng hết đi thì càng tốt.
*
 


Back
Top