Cần Thơ mở rộng “vành đai xanh”

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, hiện nay các khu vực quận huyện vùng ven, vùng ngoại thành đang triển khai quy hoạch chi tiết vành đai thực phẩm TP Cần Thơ có hiệu lực đến năm 2020 đã được UBND TP Cần Thơ phê duyệt.


Dựa trên điều kiện tự nhiên và lợi thế địa lý ở những vùng ven sông, cù lao, kênh rạch bao quanh thành phố, việc hình thành “vành đai xanh” vòng quanh thành phố vừa tạo nguồn cung thực phẩm rau quả dồi dào, cây cảnh đa dạng phong phú tô đẹp thêm thành phố của vùng sông nước.


27072011131053.JPG



Ở phía Bắc thành phố sẽ hình thành vùng trồng rau, hoa, cây cảnh ổn định lâu dài có quy mô 400-500 ha ở quận Thốt Nốt, Ô Môn. Khu vực này sẽ ứng dụng KHKT, đầu tư thâm canh trên các vùng đất nông nghiệp ổn định. Ở hai huyện Phong Điền, Thới Lai sẽ xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn có quy mô 200-300ha. Nơi đây sẽ trồng các loại cây ngắn ngày như: rau, hoa kiểng khai thác quỹ đất trong các dự án phù hợp với tiến độ thu hồi đất ở các quận: Bình Thủy - Ninh Kiều - Cái Răng.


 Theo đó, về tổng thể chung thành phố sẽ hình thành 4 tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị bao gồm: Tiểu vùng nông nghiệp sinh thái cù lao như: cù lao Tân Lộc (Thốt Nốt), cồn Sơn, cồn Ấu (Ninh Kiều) để phát triển mạnh các mô hình sản xuất nông nghiệp nhà - vườn (cây ăn trái, rau, hoa, sinh vật cảnh), nhà - vườn - ao gắn với hoạt động du lịch vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng.


Hai quận Thốt Nốt, Ô Môn là tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị mới kết hợp giữa đầu tư thâm canh các mô hình sản xuất trên các vùng đất nông nghiệp ổn định lâu dài, hình thành vùng trồng rau, hoa, cây cảnh có quy mô 400-500 ha; vùng lúa - màu và lúa – cá - tôm càng xanh, phát triển các mảng cây xanh.


Tại khu đô thị trung tâm các quận Bình Thuỷ, Ninh Kiều, Cái Răng xây dựng tiểu vùng nông nghiệp sinh thái khai thác có hiệu quả quỹ đất trong các dự án trồng các loại cây ngắn ngày phù hợp với tiến độ thu hồi đất, phát triển mô hình nhà -vườn trong các khu quy hoạch nhà ở đô thị mật độ thấp; các mảng xanh đô thị, cây xanh ven đường, ven sông, rạch.


Riêng 2 huyện Phong Điền, Thới Lai sẽ hình thành tiểu vùng nông nghiệp sinh thái đô thị miệt vườn; tạo thành vùng trồng cây ăn trái tập trung gắn với du lịch miệt vườn, du lịch sông nước với quy mô 6.000 ha và vùng chuyên canh rau an toàn quy mô 200 – 300 ha; xây dựng vùng sản xuất lúa giống, vùng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng trạm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, thành phố còn qui hoạch phát triển các ngành sản xuất như: sản xuất lúa, rau và đậu, hoa và cây kiểng, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc và gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản.


Trước đây, khi các dự án khu dân cư mở rộng về phía Nam sông Cần Thơ, khu công nghiệp ở phía Bắc thành phố, vùng lân cận rất gần khu trung tâm thành phố là những vùng rau xanh mượt mà. Chỉ bên kia xóm chài, cách con sông Cần Thơ các bà các chị ngày ngày chèo ghe chở rau bán chợ sớm. Hoa trái miệt vườn từ Phong Điền, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt đưa về.


Hiện nay trong bối cảnh thành phố mở rộng, việc qui hoạch và hình thành vùng chuyên canh hoa màu, cây ăn quả, vùng chuyên sản xuất giống vật nuôi cây trồng cung ứng không chỉ cho thành phố mà khắp các tỉnh trong vùng là một sự chuẩn bị cần thiết. Hơn nữa thực tế trong 10 năm qua vùng trồng rau xanh, vùng trồng hoa màu đã có sự dịch chuyển về Cái Răng, Bình Thủy và Phong Điền.


Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư TP Cần Thơ nói: “Để các địa phương bắt nhịp thực hiện qui hoạch xây dựng “vành đi xanh” nâng lên một bước ứng dụng khoa học công nghệ cao, trong thời gian qua Sở NN-PTNT Cần Thơ triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng KHKT trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn. Đây là điều kiện xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh rau phục vụ nhu cầu sử dụng của thành phố và cung cấp cho các tỉnh trong vùng. Qua đó đã xây dựng và hình thành được một số vùng chuyên canh rau an toàn theo hướng VietGAP".


Hiện nay TP Cần Thơ bước đầu đã xây dựng các mô hình HTX trồng rau an toàn như: HTX rau an toàn khu vực Bình Thường A - phường Long Tuyền, HTX rau an toàn khu vực Bình Yên A - phường Long Hòa (quận Bình Thủy), HTX rau an toàn ấp Tân Thành, Tổ liên kết sản xuất rau an toàn - ấp Tân Thuận - xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền). Một vùng chuyên canh rau an toàn vùng ngoại ô có HTX rau an toàn Phúc Thạnh, khu vực Phúc Lộc 3, phường Thạnh Hòa (quận Thốt Nốt), HTX rau an toàn khu vực Thới Hòa B, phường Thới An (quận Ô Môn).


Đặc biệt, vừa qua Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cần Thơ đang thực hiện các mô hình sản xuất rau an toàn như: ứng dụng các chất có nguồn gốc vi sinh quản lý dịch hại trên rau, áp dụng quy trình SX RAT theo VietGAP trên các vùng quy hoạch SX RAT và các vùng chuyên canh rau của thành phố.


Tuy vậy, một nhược điểm thời gian qua sau khi triển khai các mô hình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Đó là đầu ra tiêu thụ sản phẩm rau an toàn giá cả không cao hơn rau sản xuất thông thường. Từ đó chưa hấp dẫn đối với người sản xuất. Nông dân còn thói quen sản xuất riêng lẻ, năng suất, sản lượng chưa cao, không ghi chép sổ sách nhật ký sản xuất.


Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top