Cây xanh phố Huế

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Một trong những điều mà thành phố Huế khiến cho người ta yêu mến là bởi tính chất "vườn" của nó. Tuy nhiên, những người trồng cây xanh trong thành phố cũng cảnh báo: cây xanh ở Huế không phải là vĩnh cửu...
Cây xanh Huế - một giá trị

Trong quá trình phát triển của mình cùng với thành phố bên bờ sông Hương, cây xanh cũng đã hình thành cho mình một giá trị: góp phần tạo nên "bài thơ đô thị Huế". Đó là bài thơ tổng hòa các yếu tố sông, núi, cây xanh, kiến trúc và người. Cây xanh cũng được xem là di sản Huế.
Trên tổng quan chung, cây xanh Huế làm Huế như một nhà vườn khổng lồ mà nhà cửa luất khuất trong cây là một đặc trưng. Cây xanh cũng làm cho Huế trở thành một công viên xanh mát rượi với đôi bờ sông Hương đầy cây, một núi Ngự Bình hay một Thiên An, một đồi Bằng Lãng đầy thông, những cánh rừng phía tây nam đầy cây như là lá phổi thứ hai của thành phố...
Về lại thành phố, Huế đã từng có những đường phố đi vào thi ca, nhạc họa bởi những hàng cây nổi tiếng. Ví như "đường phượng bay mù không lối vào", ví như "chợ Đông Ba khi mình qua, lá me bay bay la đà"...Nhiều lắm những con đường với những hàng cây đã đi vào ký ức người Huế. Vậy thì cây xanh ở Huế nó không đơn thuần là trồng để lấy bóng mát mà bên cạnh cái sự hữu dụng ấy, còn có yếu tố khác nữa là cái hồn trên những tán cây. Ở Huế, có nhiều con đường không có lề đường để trồng, người ta đã trồng cây trong vườn để bóng mát của cây đổ ra đường cho khách bộ hành đỡ nhọc nhằn lúc nắng nôi.
Huế có những cây rất lạ, có ở mọi nơi nhưng cứ nhắc đến nó ở Huế,  lại là một thứ "quốc hồn, quóc túy". Ví như nhắc đến thông, người ta nhắc đến núi Ngự hay đồi Thiên An; nhắc đến cây thông hai trăm năm tuổi ở Thế Miếu hay cũng tuổi ấy ở lăng Thiệu Trị. Huế có hai cây bao báp thuộc loại đặc biệt quý hiếm mà các nhà sinh vật học đã bỏ công nghiên cứu rất nhiều. Huế còn có một loài cây đặc trưng khác, đó là ngô đồng. Từ thời Minh Mạng, cây ngô đồng đã được đưa từ Trung Quốc về trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Sau đó, nhà vua sai lính đem lá lên rừng tìm cây tương tự mang về trồng thêm ở các góc điện, lăng tẩm. Những cây ngô đồng xưa đã mất song hậu duệ của nó vẫn còn, và được đưa ra trồng ở bên ngoài khá nhiều và cũng rất nổi tiếng như cây ngô đồng Tứ Tượng...
Bao giờ hết đương đầu với vấn nạn
Cây xanh Huế đã từng có một cuộc "đại tang" vào năm 1985. Lúc bấy giờ, cơn bão số 8 đổ bộ vào Huế làm cho hơn 3000 cây cổ thụ bị đổ. Cố nhà văn Nguyễn Tuân lúc ấy ở Hà Nội đã bị sốc suốt một thời gian dài.
Cũng từ sau đó, hệ thống cây xanh biến đổi theo chiều hướng thực dụng, chắp vá và mang tính đối phó. Nhiều con đường với những hàng cây quen thuộc giờ được trồng "xôi đổ". Ví như "đường phượng bay" thì phượng trồng không nhiều hơn cây muối, đường Đống Đa nổi tiếng vì hàng cây đoát thì lổ chỗ bàng và phượng...
Rất may là gần đây, Công ty Công viên cây xanh đã có những tác động kịp thời để cứu vãn cho cây xanh Huế. Ví như năm 2003, Công ty đốn hạ cây bộng, di dời cây "xôi đỗ" trên 1000 cây và trồng mới trên 3600 cây xanh mới. Người ta trồng lại hàng đoát ở đường Đống Đa, phục hồi cây gội tía ở đường Phạm Hồng Thái, trồng bằng lăng trên nhiều tuyến đường như Lê Lợi, La Sơn Phu Tử...Và đã có ý tưởng lãng mạn từ Công ty Công viên Cây xanh là sẽ trồng một đường đầy cây ngô đồng.
Những nỗ lực ấy là đáng khích lệ nhưng rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa cây xanh ở Huế. Ngay cả con đường Lê Lợi, bên cạnh những cây phong và cây long não nổi tiếng, vẫn còn quá nhiều cây "xôi đỗ", đi năm ba bước lại gặp một cây nhãn, một gốc phượng rất khó chịu...
Và không phải bất kỳ người dân nào cũng có ý thức giữ gìn cho cây xanh thành phố. Một cán bộ của Công ty Công viên Cây xanh nói giọng tủi hờn:-"Nếu ở ngay trước cổng nhà, chủ nhà không thích, cây sẽ phải chết". Có những loài cây trồng trước cổng chủ nhà, nhưng do kiêng cử, chủ nhà tìm cách "giết" cây. Có người lịch sự xin đốn hạ, di dời, đổi cây nhưng phần đông lại thích "ám sát" cây hơn. Cây xanh bị cạo vỏ đổ a xít, đổ dầu, gốc cây bị đào lên đổ muối xuống...Cứ thế, cây không chịu nỗi và...lời bi ai bắt đầu.
Lại có những cây xanh bị khai tử rất đau. Đã có chuyện khó tin là chỉ trong vòng 4 năm, Công ty Công viên Cây xanh đã phải thay đến 3 lần chỉ mỗi một cây phượng trước cổng một cơ quan ở đường Hùynh Thúc Kháng. Nguyên nhân là do khi treo băng rôn quảng cáo, tấm biển lớn lại gặp gió to, cây không chịu nổi sức nặng đã bứt luôn cả rễ. Lại có những người treo quảng cáo đóng luôn cả đinh lên cây, lâu ngày tạo nên lỗ bộng rất nguy hiểm. Đã có lúc những cây đinh này gây tai nạn, là khi anh em công nhân đi tỉa cây cành, lưỡi cưa máy gặp phải đinh, đứt lưỡi cưa gây mất thăng bằng trên cao trong lúc llưỡi cưa máy vẫn chạy vù vù...
Vĩ mô hơn, cây xanh có khi bị triệt hạ tập thể do thiếu đồng bộ trong quy hoạch. Hay như gặp đường dây điện đi qua, thế là cây xanh hoặc bị đốn hạ, hoặc bị cụt đầu như đã gặp ở đường Lý Thường Kiệt, 26/3...
Bao giờ cây xanh Huế mới hết những vấn nạn trên?
Vọng Hải Đài
(Theo Nét Cố Đô)
 


Last edited:


Back
Top