Tuổi Trẻ Cuối tuần
<SCRIPT type=text/javascript>writeTime('2011/03/14 09:56:09')</SCRIPT>Thứ Hai, 14/03/2011, 09:56 (GMT+7)
<!-- MAIN CONTENT -->Đổi đời nhờ chanh
TTCT - Buổi chiều ở xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ, Long An), hàng tấn chanh được xếp hai bên vệ đường chờ xe tải, ghe, xuồng của thương lái đến chở đi. Hương chanh thơm quyện trong không khí.
<TABLE class=tLegend style="BORDER-COLLAPSE: separate" cellSpacing=2 cellPadding=0 width=40 align=center border=0><TBODY><TR><TD>
</TD></TR><TR><TD>Các công nhân của gia đình anh Huỳnh Văn Tài - một tỉ phú trồng chanh ở xã Bình Hòa Nam - phân loại chanh trước khi đưa ra chợ - Ảnh: Thuận Thắng</TD></TR></TBODY></TABLE>
Bình Hòa Nam vốn là đồng phèn, ruộng mặn, mùa lũ nước bao vây tứ phía không khác gì một ốc đảo khổng lồ. Nhưng gần ba thập niên sau dự án ngọt hóa vùng Gò Công, vùng đất bưng biền này dù đã thoát lũ, bớt phèn vẫn là một góc hoang nghèo nàn của Đồng Tháp Mười. Sông Vàm Cỏ Đông ngọt lành vẫn chưa làm nên cuộc thay da đổi thịt nào. Loay hoay với cây mía, cây lúa rồi đu đủ, người dân Bình Hòa Nam vẫn phải ăn đong từng bữa.
Đẩy lui cái nghèo
Dọc tỉnh lộ Bình Đức - Bình Hòa Nam đi vào xã Bình Hòa Nam đến những con đường nhỏ xíu len lỏi trong các ấp, hương chanh thoang thoảng khắp nơi. Những vuông chanh xanh mướt nặng quả, chanh tơ mới nở hoa lứa đầu. Nhiều nhà vườn đang vào kỳ hái chanh. Gia đình ông Lý Thường Quân (ấp 1, Bình Hòa Nam) đang thuê tới 20 công nhân hái chanh. Vườn chanh bốn năm tuổi bao quanh căn nhà gạch khang trang xanh mướt mát.
Ông Quân phấn khởi khoe thành tích vườn chanh nhà mình: “Trái ra quanh năm, cứ 20 ngày lại thu hoạch một lần. Có đợt cổ trái (lứa) thu được tới 30 triệu, chỉ mình nó thôi một năm cũng ngót nghét trăm triệu tiền lãi”.
Gia đình ông trước đây trồng tới 4ha lúa, nhưng một năm cũng chỉ 14-15 tấn, giá lúa bấp bênh chẳng bù nổi chi phí nên cái nghèo mãi chẳng buông tha. Thấy người ta trồng chanh có lãi ông cũng mạnh dạn làm theo, đi mua cành chiết về trồng. Đất nhà tới 3 mẫu là đất ven sông nên ông cũng chỉ chuyển đổi được 1 mẫu sang trồng chanh. Nhưng bấy nhiêu thôi cũng đủ làm nên một cuộc đổi thay cho gia đình ông. Nhờ vườn chanh ông đã xây được căn nhà gạch khang trang, sắm được tiện nghi sinh hoạt.
Người dân xã Bình Hòa Nam vốn chỉ quen với cây lúa nên những ngày đầu trồng chanh cũng lắm gian nan và có phần còn cực hơn cả trồng lúa, trồng mía. Năm 1997 nhiều hộ trong xã đã nhen nhúm trồng chanh, nhưng sau trận lũ đỉnh năm 2000 cả xã thiệt hại nặng, đê bao, mương đều nhỏ không chống nổi lũ, nhiều hộ trắng tay. Sau năm ấy, người dân trong ấp rủ nhau làm đê bao dọc sông, khơi rộng mương để ngăn lũ, từ đó cây chanh mới bắt đầu lan rộng ra khắp xã.
Ông Nguyễn Minh Hát, chủ tịch Hội Nông dân xã, kể thời kỳ đầu giá chanh có lúc rớt thê thảm, chỉ 1.000 đồng/kg do chanh của bà con ra trái trùng vụ với vùng chanh Bến Tre. Sau này họ mới biết điều chỉnh cho chanh ra trái mùa. Giá chanh bây giờ khoảng 8.000-9.000 đồng/kg, có lúc lên đến 18.000 đồng.
Bà Võ Thị Thái, vợ ông Quân, nhớ lại thời kỳ đầu trồng chanh khó khăn và nhiều lúng túng. Trồng bằng cành chiết nên có khi vừa trồng đã trổ bông, nhiều hộ cùng ấp nôn nóng muốn thu hoạch sớm, năm đầu tiên đã để chanh nuôi quả nên cây chanh mau xuống sức, những năm sau thu hoạch chẳng được bao nhiêu.
Gia đình bà rút kinh nghiệm từ những hộ đi trước, cố “nín” đợi sau gần hai năm chanh khỏe mới nuôi trái. Thấy trái chanh vẹo vọ, “ngó kỳ kỳ” ông bà cũng không biết chanh bị gì, ra tiệm thuốc bảo vệ thực vật kể bệnh mới biết chanh bị rầy. Vậy mới biết, nghề nào mà chẳng cần công phu. “Giờ thì khỏe re. Thấy đỡ cực hơn trồng lúa. Chỉ cần nhìn là biết chanh khỏe hay đang bệnh gì. Hàng xóm cũng hay qua hỏi han để về chăm chanh cho tốt” - bà Thái nói.
Anh Nguyễn Đức Uyên, phó chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nam, cho biết cách đây vài năm người dân xã anh nghèo lắm, nhà lá, chòi tranh, dân xã hầu như đều cuốc bộ. Cây lúa mọc ở Đồng Tháp trĩu hạt bao nhiêu thì ở đây năng suất chỉ tầm tầm 3-4 tấn/ha. Người dân Bình Hòa Nam vẫn như đứng ngoài rìa hiệu quả do quá trình ngọt hóa Gò Công mang lại.
Cây chanh như thổi một luồng sức sống mới vào xã nghèo nhất hạng của huyện Đức Huệ. Trước không có cây chanh thì xe máy trong xã chỉ đếm trên đầu ngón tay, tìm được một căn nhà ngói đã khó nay hầu như nhà nào cũng có xe máy, nhà xây mọc lên khắp nơi. Nhiều hộ thoát nghèo nhờ trồng chanh.
Những triệu phú chanh
Ông Nguyễn Văn Thượng ở ấp 3 là một trong những hộ đi tiên phong trong nghề trồng chanh của xã. Trồng mía từ năm 1976, nhưng đến năm 2001 cuộc sống nghèo khó vẫn bám lấy gia đình ông. Cả nhà tám miệng ăn trông chờ vào mấy mẫu mía nhưng cũng chẳng đủ ăn, sổ đỏ năm nào cũng nằm trong ngân hàng. Năm 2001 ông chuyển một mẫu đất sang trồng cây chanh.
“Mát lòng mát dạ khi thấy thu nhập từ cây chanh ăn đứt cây mía”, ông dần chuyển số diện tích còn lại qua trồng chanh. Đời sống gia đình ngày càng khấm khá. Nhờ vườn chanh, có năm gia đình ông thu 400 triệu đồng lãi, nuôi được năm người con học hành thành đạt và có công ăn việc làm ổn định ở TP.HCM. Không những thế, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình hơn 2 triệu đồng/tháng.
Cũng là người trồng chanh từ những ngày đầu, anh Huỳnh Văn Tài ngụ ấp 1 được dân xã gọi với cái tên đầy ngưỡng mộ: tỉ phú chanh. Đứng trước căn biệt thự khang trang gần tỉ đồng giữa vườn chanh xanh ngút ngàn, anh Tài bồi hồi nhớ lại: “Hồi mới cưới nhau vợ chồng tui được bố mẹ cho 4 mẫu đất. Vợ chồng ra sức trồng mía, làm lụng quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn. Từ ngày trồng chanh gia đình tui mới khấm khá thế này”.
6 mẫu chanh của gia đình anh đang trong thời kỳ cho thu hoạch mạnh, ngày hái gần chục tấn, thương lái đến tận nơi chở hết, mỗi năm thu lãi cả trăm triệu đồng/mẫu. Làm giàu nhờ cây chanh, anh Tài đang được đề nghị danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp trung ương.
Với thế hệ trẻ ở Bình Hòa Nam, nhiều người đã ở lại bám mảnh đất của cha ông để làm giàu, không phải lặn lội tới Đồng Nai, Bình Dương cạo mủ cao su, hái điều thuê nữa. Anh Lê Thanh Hưởng (28 tuổi, ngụ ấp 3) không giấu niềm vui khi gia đình đã có nhà xây, xe máy. Vườn chanh 1ha của gia đình anh Hưởng lúc giá chanh thấp cũng lãi 5-10 triệu đồng/tháng.
Con đường mới trải đá dăm từ thị trấn Đức Hòa (huyện Đức Hòa, Long An) chạy suốt xã Bình Hòa Nam dù bụi khói mù mịt cũng là một sự đổi thay to lớn với người dân. Nay mai con đường trải nhựa khang trang, cùng với nghề trồng chanh, cuộc sống của người dân bên dòng Vàm Cỏ Đông hiền hòa sẽ ngày càng tươi sáng.
<TABLE style="BORDER-COLLAPSE: separate" borderColor=#ecf2fe cellSpacing=5 borderColorDark=#456ae1 cellPadding=5 width="96%" align=center borderColorLight=#4792d9 border=0><TBODY><TR><TD vAlign=center bgColor=#cfe6f9><TABLE class=tLegend style="BORDER-COLLAPSE: separate" cellSpacing=2 cellPadding=0 width=40 align=center border=0><TBODY><TR><TD>
</TD></TR><TR><TD>Kỹ sư Phan Nghĩa Đại (giữa) hướng dẫn người dân thực hành tỉa chanh - Ảnh: Vũ Thủy</TD></TR></TBODY></TABLE>
Trên ruộng chanh mới ra trái lứa đầu, kỹ sư nông nghiệp Phan Nghĩa Đại (Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân tỉnh Long An) say sưa dạy thực hành cách tỉa cành tạo tán cây chanh cho bà con ấp 3. Ông Nguyễn Minh Hát cho biết hiện gần 50% số hộ trong xã đã chuyển sang trồng chanh với diện tích lên đến gần 900ha.
Mỗi ngày thương lái mua hàng chục tấn chanh từ Bình Hòa Nam tỏa ra các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn rồi ra tận Đà Nẵng, Huế, sang Campuchia. Cây chanh phát triển rất tốt trên đất phèn ở xã, lại không thiếu đầu ra nhưng bắt đầu có hiện tượng thương lái từ địa phương khác đến mua, ép giá khiến giá chanh lên xuống thất thường, gây thiệt hại cho nông dân.
Các khóa kỹ thuật chăm sóc chanh được tổ chức liên tục giúp nông dân nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng trái chanh, tạo thương hiệu cho chanh Bình Hòa Nam. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới thành lập các tổ kinh tế hợp tác, xúc tiến dự án trồng cây chanh giấy không hạt, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng chanh trong xã.
</TD></TR></TBODY></TABLE>
VŨ THỦY - NGỌC NGA