Chính sách kích vụ đông 2009

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
LTS: Thực tiễn nhiều năm ghi nhận vụ đông nhiều tỉnh miền Bắc chỉ phát triển khi có chính sách thúc đẩy. Nhưng không phải tỉnh nào cũng có chính sách tốt vì còn phụ thuộc tiềm lực. Chính vì vậy rất cần một chính sách kích cầu nặng cân của Chính phủ vào vụ sản xuất đặc thù này của miền Bắc. Chính phủ quan tâm đến nông dân, vực đời sống của họ khá lên cần tính đến chính sách khuyến khích phát triển và mở rộng cây vụ đông, đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm, đó là ý kiến của các nhà chỉ đạo tâm huyết chúng tôi ghi nhận từ cơ sở... NNVN xin khởi đăng một số ý kiến đóng góp xoay quanh chính sách kích thích phát triển vụ đông.  


Với trên 83 ngàn ha đất lúa, nếu chỉ 2 vụ lúa nông dân Thái Bình coi như mới chỉ đủ ăn, nhưng sống đâu chỉ có ăn, hàng trăm nhu cầu khác, rồi cho con cái học hành, kiến thiết nhà cửa… thực tế cho thấy các nhu cầu này phần lớn nông dân trông vào tiền bán gia súc, gia cầm, tiền từ các loại cây rau màu, từ ngành nghề phụ, làm thêm. Trên các vùng quê, vùng nào quỹ đất màu nhiều, nông dân thâm canh, làm 3-4 vụ rau màu trên năm, thậm chí 6-7 vụ rau ngắn ngày thì ở đó đời sống nông dân, bộ mặt nông thôn khác hẳn.


07092009140752.jpg



Vậy để cải thiện đời sống cho nông dân chỉ còn cách trong một số cách hữu dụng đó là tăng vòng quay của quỹ đất, phát triển cây vụ đông. Cơ sở khoa học của vụ đông, lợi thế một vụ đông với điều kiện khí hậu lạnh khô, rất thích hợp cho các loại cây á nhiệt đới và cận ôn đới, có khả năng cho khối lượng sản phẩm rất lớn; vụ đông sâu bệnh hại lại đỡ hoành hành hơn - Đó là những lợi thế mà chỉ các tỉnh khu vực phía Bắc mới có được.


Thái Bình với trình độ thâm canh cao, năng suất lúa được xem như đã sắp kịch trần, và tăng trưởng của ngành trồng trọt được Thái Bình xác định chỉ còn cách mở rộng diện tích cây màu ở 2 vụ: Cây màu hè xen giữa 2 vụ lúa và mở rộng diện tích cây vụ đông. Cây vụ hè thì hạn chế lớn nhất đó là chỉ có nhóm dưa bí, đậu đỗ có thời gian chiếm đất khoảng 50-55 ngày mới có khả năng mở rộng, hiệu quả cao gấp 1,5-2 lần làm lúa, nhưng quỹ đất hạn chế, chỉ 4-5 ngàn ha, lại phải chấp nhận rủi ro khi bố trí gieo cấy lúa xuân muộn trước lịch để lúa trổ cuối tháng 4. Riêng vụ đông, với nhóm vụ đông ưa ấm và ưa lạnh thì quỹ đất khá thoải mái, 50-60 ngàn ha.


Từ 2 năm nay, khi xây dựng đề án sản xuất hàng vụ, hàng năm, Ngành NN Thái Bình đã gắn việc chuẩn bị đề án sản xuất vụ xuân với vụ hè và vụ mùa với vụ đông. Diện tích vụ hè ở Thái Bình từ chỗ sản xuất tự phát trên dưới 1.000 ha hiện 2 năm gần đây đã trở thành định hướng và có chỉ đạo cụ thể của các địa phương, diện tích lên tới trên dưới 4.000 ha và đem lại giá trị thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho nông dân.


Diện tích vụ đông có những biến động thất thường, năm cao nhất tổng diện tích vụ đông cả tỉnh đã đạt trên 32 ngàn ha (2004) là năm vụ mùa bị trận mưa úng lịch sử làm mất vài chục ngàn ha lúa vừa trổ và lúa chưa thu hoạch, năm này vụ đông được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và ngân sách địa phương cũng trích tiền hỗ trợ để mở rộng diện tích nhằm bù đắp thiệt hại của vụ lúa mùa. Rồi diện tích vụ đông cứ sụt, trồi năm cao, năm thấp tuỳ thuộc vào chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất vụ đông của tỉnh và các địa phương ra sao.


Vụ đông năm 2008, lần đầu tiên diện tích gieo cấy cây vụ đông ở Thái Bình đạt trên 35 ngàn ha, riêng diện tích đậu tương đông sau đất lúa đã được ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn và khuyến cáo vì vậy nó đã tăng lên nhanh chóng từ chỉ trên 2 ngàn ha vào năm 2005, đã vượt con số trên 8 ngàn ha vào vụ đông 2008, dĩ nhiên cùng với diện tích được mở rộng nhanh chóng, một phần do hiệu quả sản xuất của nó hấp dẫn nông dân vì: đầu tư thấp, không tốn công, lãi thuần cao (mặc dù giá trị thu nhập/đơn vị diện tích thấp so với vài loại cây vụ đông khác), lại có tác dụng cải tạo đất và vụ lúa xuân tiếp theo có thể tiết kiệm 50-60 kg đạm urea/ha so với những chân đất khác không trồng đậu tương.


Đậu tương đông ở Thái Bình được tỉnh trích ngân sách hỗ trợ giống gốc để nhân ngay từ vụ hè thu nhằm chủ động giống ở từng địa phương, rồi chính sách khuyến khích mượn, đổi đất để gieo trồng với diện tích trên 1,5 mẫu được hỗ trợ 600 ngàn đồng/ha, chính sách hỗ trợ máy nông nghiệp, trong đó có máy làm đất đa năng, máy gieo hạt đậu tương, rồi các mô hình tập trung 30, 50 ha trở lên, một loạt các chính sách hỗ trợ của huyện cũng khá mạnh, như huyện Vũ Thư hỗ trợ 50% giống đậu tương gieo cấy vụ đông, bù giá giống cho các cơ sở nhân giống ở vụ hè thu…; chính sách khen thưởng thích đáng là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy diện tích cây đậu tương và một vài cây vụ đông khác tăng nhanh.


Vụ đông năm nay, 2009, Sở NN&PTNT Thái Bình đã xây dựng kế hoạch và triển khai chi tiết sản xuất vụ đông từ ngay sau khi lúa vụ xuân đẻ kín đất; mục tiêu là trên 38 ngàn ha, trong đó trên 12 ngàn ha cây đậu tương, lấy đậu tương sau lúa với những lợi thế và ưu việt của nó, lại được nông dân hưởng ứng qua thực tế về tính hiệu quả sau 3 vụ mở rộng gần đây là điểm nhấn và mũi nhọn mở diện tích cây vụ đông. Đề án lúa mùa được thảo luận kỹ và đưa thời vụ lúa mùa trà sớm, cực sớm làm chủ lực, các chính sách hỗ trợ cũng được xây dựng và UBND tỉnh có quyết định sớm: Tiếp tục hỗ trợ giống đậu tương gốc nhân giống từ vụ hè thu, các huyện, TP căn cứ vào diện tích của mình chủ động diện tích nhân, mức hỗ trợ đổi đất, mượn đất gieo cấy trên 1,5 mẫu tăng từ 600 ngàn lên 1 triệu đồng/ha, hỗ trợ một phần giá giống khoai tây nhập nội để nhân giống bảo quản trong kho lạnh cho vụ tiếp theo, rồi chính sách cơ khí hoá NN tiếp tục được thực hiện. Các chính sách của huyện cũng mạnh hơn, nhất là với các huyện diện tích vụ đông còn khiêm tốn.


Đến thời điểm này (7/9/2009), lúa mùa sớm của Thái Bình đã vào chắc được trên 40 ngàn ha, lúa rất tốt và năng suất khá cao, quỹ đất cho các cây vụ đông ưa ấm với nhiều nhóm cây giá trị kinh tế như ớt, dưa, bí, đậu tương hoàn toàn vượt được kế hoạch diện tích đề ra.


Là tỉnh nghèo, hỗ trợ cho nông dân cũng mới chỉ là rất nhỏ so với chi phí mà họ bỏ ra; và đặc biệt nếu tính phần thu được cho xã hội thì nó còn nhỏ nữa. Vụ đông ở miền Bắc nói chung và khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng cần phải được quan tâm mạnh hơn bởi những lợi thế không vùng nào có được. Chính phủ quan tâm đến nông dân, vực đời sống của họ khá lên cần tính đến chính sách khuyến khích phát triển và mở rộng cây vụ đông, để đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính trong năm. Theo chúng tôi thì các vấn đề cần được giải quyết trong bài toán này là:


- Trước hết hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng: Các tỉnh đồng bằng sông Hồng hệ thống tưới tiêu trước đây thiết kế và xây dựng mới chủ yếu cho cây lúa, việc tiêu thoát úng, việc tưới cuối vụ là những bất cập mà chính Thái Bình gặp phải những vụ gần đây khi mở đậu tương rộng ra đất lúa chân vàn và vàn thấp, khi gặp mưa lớn, tập trung thì úng ngập dài ngày không thoát nước kịp đã làm nhiều ngàn ha cây vụ đông bị chết và thiệt hại hàng vài chục tỷ đồng.


- Cây vụ đông cũng cần phải được đa dạng hóa, nhất là nhóm cây ôn đới: Khoai tây, rau ưa lạnh... nhưng giá giống và chi phí gieo trồng nhóm cây này lại rất cao, vượt sức đầu tư của nông dân, lại cộng với rủi ro của giá cả, thời tiết... khi mà sản xuất không thành vùng, phân tán nhỏ lẻ... đó chính là rào cản đối với nông dân. Hỗ trợ một phần kinh phí cho họ nhằm giảm bớt chi phí đầu vào sẽ là một động lực thúc đẩy phát triển cây vụ đông và dần thay đổi quan niệm vụ đông là một vụ “ăn thêm”.


- Chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông cần được quan tâm và có chính sách cho các doanh nghiệp tham gia khâu này.


- Những chính sách về đất đai, hỗ trợ tưới tiêu khi gặp bất trắc, chính sách khuyến khích cho mượn đất, hỗ trợ giống... sẽ tùy các địa phương để đưa ra những cơ chế hợp lý và có tác dụng đòn bẩy tốt hơn.











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top