Quả là bạn Tantaibh nuôi nhiều loại vậy. Con cóc vàng bạn nuôi dùng để làm thức ăn cho loại động vật khác hay bản thân nó là sản phẩm vậy ?
Tôi cũng xin copy lên đây 1 bài báo về con cóc để AE tham khảo nhé !
Quote:
" Ai mua Coc ? (BR-VT, 9/10/2004)
Nếu bạn nhìn thấy ai đạp chiếc xe đạp cà tàng, dáng lam lũ chở theo tấm bảng ghi "Bán cóc thịt làm chà bông, làm tại nhà"trên đường phố Sài Gòn thì chắc chắn đó là dân làng Thọ An, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Họ lặn lội hàng trăm cây số vào Nam mang theo những con cóc vàng ươm đậm hương vị đồng bằng sông Hồng.
CON CÓC BẮC NHẢY VÀO NAM
Làng Thọ An có nghề làm thịt cóc gia truyền hàng chục năm nay. Từ những người già lọm khọm cho đến trẻ con cũng biết làm thịt cóc. Người người làm cóc, nhà nhà làm cóc. Con cóc đã nuôi sống người dân làng Thọ An từ bao đời nay và đã mang lại niềm vẻ vang về một "làng nghề" độc chiêu, không kém những làng nghề khác. Chị Trần Thị Thắng- người từng làm và bán thịt cóc từ thời còn con gái cũng không biết nguồn gốc xuất xứ của nghề gia truyền này. Chỉ biết những người già hiện còn ngoài quê cũng đã được truyền lại. Cóc được thu mua tại những vùng ven đồng bằng sông Hồng, người dân Thọ An chở đi khắp các tỉnh thành phía Bắc, từ Hà Nội đến Hải Dương, Hải Phòng biểu diễn tay nghề làm cóc điệu nghệ của mình. Chị Thắng cho biết có khi phải đạp xe đi cả trăm cây số mỗi ngày. Và việc ăn bờ, ngủ bụi là chuyện thường.
Nếu như dân Hà Nội và miền Bắc đã quen với các món ăn được chế biến từ thịt của… cậu ông trời thì người Sài Gòn xem ra vẫn còn lạ lẫm. Và dân Thọ An bắt đầu đi… khai thác thị trường mới. Khu nhà trọ ở đường Nguyễn Xí, Q. Bình Thạnh, gần Bến xe miền Đông là nơi trú ngụ của một nhóm người lần đầu tiên bước chân vào Sài thành. Vạn sự khởi đầu nan. Người Sài Gòn cứ tròn xoe mắt nhìn tấm bảng "Bán thịt cóc làm "guốc" (ruốc)" mà ngơ ngác. Có người còn hỏi: "Ủa, trái cóc mà cũng làm ruốc được à?". Sau nhiều lần về… ôm bụng cười, từ ruốc được thay thế bằng "chà bông". Và bắt đầu bán được. Dần dần, họ tản ra khắp thành phố. Nhóm thanh niên thì ở lại đường Nguyễn Xí, phụ nữ thì đến thuê ở gần chân cầu Trường Dai, đường Lê Đức Thọ, giáp giữa quận Gò Vấp với quận 12. Còn một nhóm khác trú chân tại đường Tân Sơn, P.11, Q. Gò Vấp. Anh Trần Văn Dần và anh Hoàng Phúc Hiệp "chủ trì" việc vận chuyển cóc từ ngoài quê vào đây. Ở khu Tân Sơn thì có anh Đông. Cóc theo xe khách đến Bến xe Miền Đông, sau đêm "tạm trú" thì được phân phối đi bán. Cứ khoảng 3 ngày là có hơn một tạ cóc được chuyển vào. Những khi mưa lũ, ngoài quê bắt không được nhiều, anh Dần phải xuống tận miệt Nam Cát Tiên thu gom từ những tay săn ếch để đủ hàng cho anh chị em đi bán. Tính ra từ khi người đầu tiên vào đây khởi nghiệp cách nay 4 tháng, hiện ở TP. HCM có khoảng gần 40 người đang làm nghề bán thịt… cậu ông trời. Đa số là cùng họ, có khi cả nửa gia đình như mẹ con chị Thắng, vợ chồng anh Lê Văn Cóp. Chị Thắng gật gù: "Có lẽ mai mốt còn vào nhiều hơn". Chị có cuốn sổ tay ghi địa chỉ các khách hàng, số lượng mua cụ thể: "Nhiều khi gặp khách giữa đường, khách cho địa chỉ. Bọn tớ phải tự tìm đến nhà khách để làm. Mới vào, lúc đầu tìm hơi khó nhưng riết rồi cũng quen".
MÓN ĂN TRỊ BỆNH CÒI XƯƠNG?
Một gram thịt cóc chà bông có giá 80.000đ. Người mua sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh… hành quyết "cậu ông trời": Lột da, móc bỏ nội tạng, chỉ lấy thịt và xương trắng phao. Rửa bằng nước muối rồi đem hấp cho rút hết nước, lấy thịt khô xay nhuyễn, xào và bắt đầu chế biến món chà bông. Theo chị Nguyễn Phương Thảo, từng đi bán hơn 10 năm, thịt cóc có chất kết dính nên khó làm hơn thịt heo. Trung bình mỗi mẻ 1kg mất khoảng 2 – 3 tiếng đồng hồ. Chế biến tại nhà để khách an tâm, không sợ độc. Chị cho biết nếu bán thịt đã chế biến sẵn thì không ai dám mua, còn làm thịt chà bông để dùng được lâu. Chị bật mí sơ sơ cách làm: "Phải bỏ luôn phần khất ở gần đuôi. Nếu không, ăn phải sẽ bị bí tiểu". Nhiều người chưa tin tưởng đòi lấy giấy chứng minh hay trả tiền sau vì sợ ăn vào lỡ bị độc, chị cũng sẵn lòng và không quên "quảng cáo" làng nghề gia truyền của mình. Một kg cóc hơi có thể chế biến thành một gram chà bông thành phẩm. Gặp cóc tươi, cóc "trẻ" thì làm thịt lời hơn cóc cái. Khi bán không hết, cóc bị ốm càng nhẹ ký hơn. Bởi vậy, mỗi ngày người bán cóc chỉ lấy khoảng 5kg, bán hết mới về. Khách có thể mua cóc hơi với giá 60.000 đồng/kg, công chế biến là 5000 đồng.
Trong dân gian, đặc biệt ở miền Bắc, thịt cóc được xem là món ăn trị bệnh còi xương, suy dinh dưỡng cho trẻ. Theo chị Thảo, một đứa trẻ suy dinh dưỡng, biếng ăn nếu ăn thịt cóc liên tục khoảng nửa tháng có thể cải thiện được, ăn khỏe hơn. " Người già hay nhức mỏi ăn thường xuyên cũng sẽ thuyên giảm", chị quả quyết (?). Ngoài bán cóc, họ còn "tư vấn" cách chế biến món ăn cho khách: chỉ nên nấu các món khô như xào, chiên… Nhiều người ăn sành còn nhận ra cóc Bắc hay cóc Nam. Họ chuộng cóc vàng sông Hồng vì thịt thơm. Tuy nhiên, cóc Bắc có giá cao vì phải mất tiền công vận chuyển cao.
Đến giờ, một số người Sài Gòn đã quen với những chiếc xe bán thịt cóc. Một tay sành ăn sau khi thưởng thức thịt cóc, bảo: "Bây giờ mà mình mở một quán nhậu thịt cóc là ăn tiền liền". Không biết vị này nói đùa hay thật nhưng theo bà Nguyễn Thị Kim Hưng, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, thịt cóc chứa nhiều chất sắt, (kém hơn con hàu ) và chưa có một công trình nghiên cứu nào cho thấy thịt cóc chữa trị được bệnh còi xương cho trẻ. Mặt khác, da và nội tạng cóc chứa nhiều độc tố gây chết người nên khi chế biến thịt cóc phải rất cẩn thận. Bà còn cho biết mới đây có 2 vợ chồng ông cụ ở Đức Thọ, Hà Tĩnh ngộ độc do ăn thịt cóc.
Nguyên Khánh " End Quote.