Công nghệ lai giống cây rừng

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Trong những thập niên trước đây, việc trồng rừng chủ yếu là nhằm mục đích phủ xanh thì hiện nay trồng rừng sản xuất lại đòi hỏi phải có năng suất cao. Vì thế công tác giống có vai trò hết sức quan trọng...
Không có giống được cải thiện và các biện pháp thâm canh thích đáng thì không thể đưa năng suất rừng lên cao. Chính nhờ sử dụng giống lai có năng suất cao và áp dụng các biện pháp thâm canh khác mà hiện nay diện tích đất, đồi trọc ở nước ta đang ngày càng được thu hẹp. Năm 1997 độ che phủ chung của rừng chỉ đạt 29% thì hết năm 2000 độ che phủ đã đạt 33,2%, có nơi như tỉnh Tuyên Quang đã đạt 51%.Trong hoàn cảnh như vậy, giống Keo lai (giống lai tự nhiên giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm đã được đánh giá qua chọn lọc và khảo nghiệm) của Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng ra đời là sự đáp ứng kịp thời mong muốn của sản xuất lâm nghiệp.
            Cùng với việc khảo nghiệm giống ở các vùng sinh thái, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu tiềm năng bột giấy, tính chất cơ-lý gỗ, lượng nốt sần ở rễ và khả năng cải tạo đất của Keo lai, cũng như các phương pháp nhân giống sinh dưỡng bằng nuôi cấy mô phân sinh và giâm hom.
Ðược sự giúp đỡ của tổ chức CSIRO, các nhà khoa học Việt Nam đã sử dụng  phương pháp phân tử đánh dấu định vị một số gen làm cơ sở cho việc đăng ký bản quyền tác giả. Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nhân giống sinh dưỡng bằng giâm hom và chuyển giao giống gốc cho nhiều đơn vị trong cả nước, cũng như chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô và giống gốc cho một số đơn vị khác.
            Giống Keo lai không những được sử dụng trong nước mà còn được một số nước khác quan tâm và xin trao đổi giống, trong đó Malaixia đã nhập để trồng trên diện rộng, Công ty Trồng rừng nguyên liệu giấy Oiji 100% vốn của Nhật Bản cũng đang dùng giống Keo lai làm cây trồng chính ở Bình Ðịnh và Quảng Ngãi.
Gần đây Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng đã chọn thêm một số giống Keo lai tự nhiên mới, cũng như đã tiến hành lai nhân tạo thành công và đã tạo được hàng chục tổ hợp lai khác loài giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm, từ đó đã khảo nghiệm và chọn được một số cây tốt nhất làm cây đầu dòng tiếp tục khảo nghiệm giống để phát triển vào sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã coi Keo lai là một trong những giống cây trồng chính của ngành lâm nghiệp. Theo Cục Phát triển lâm nghiệp thì đến nay đã có 100.000 ha Keo lai được gây trồng trong cả nước, riêng năm 2001 là 30.000 ha.
            Qua khảo nghiệm, đã chọn lọc được 8 tổ hợp lai với 31 cây đầu dòng có năng suất gấp 1,5 - 2 lần giống sản xuất tốt nhất, tương đương một số giống tốt nhất được nhập từ Trung Quốc. Những giống này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận để khảo nghiệm khu vực hóa ở một số vùng sinh thái chính.
<i>Nguồn: “Báo Nhân dân”, </i>24/1/2007
 


Last edited:


Back
Top