ĐBSCL: Có hay không 30.000 tấn cá tra quá lứa tồn đọng?

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
G

Guest

Guest



<b class="vl6">Nguồn tin:</b>


VOV, 27/07/2011


Ngày cập nhật trên web Việt Linh:


29/7/2011




Theo nhận định chung của nhiều nhà quản lý, bản chất của vấn đề ở đây chính sự lỏng lẻo về mối liên kết trong sản xuất-chế biến.

Những ngày qua, dư luận đang rộ lên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có khoảng 30.000 tấn cá tra quá lứa của nông dân đang tồn đọng. Tuy nhiên, đây không phải là thực tế mà là tin đồn thất thiệt của một số thương lái, nhằm làm nhiễu thông tin để ép giá người nuôi cá.

5 tháng đầu năm nay, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục đứng ở mức cao đã góp phần kích thích nhiều nông dân tái đầu tư xây dựng ao nuôi cá trở lại. Diện tích thả giống cũng vì thế bắt đầu tăng tốc từ tháng 4 và tháng 5 khi giá thu mua cá tra lên đỉnh điểm là 29.500 đồng/kg. Tuy nhiên, sau đó, giá bán cá tra nguyên liệu giảm 23.000 đến 24.000 đồng/kg thì tốc độ thả giống nuôi cá lại “giảm phanh” đột ngột.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân chính làm cho giá cá tra gần đây giảm mạnh là do một số phương tiện thông tin đưa tin tại ĐBSCL còn tồn đọng khoảng 30.000 tấn cá tra quá lứa, mà thực tế là không phải vậy. “Thông tin này gây ảnh hưởng rất xấu đến sản xuất. Ý định đưa con số đó lên để chú ý hơn là tiêu thụ. Nhưng thực tế đưa số liệu 30.000 tấn quá lứa thì bây giờ các tỉnh cần thống kê chính xác nhất để không có những số ảo nữa. Trong khi hiện nay doanh nghiệp vẫn đang thiếu nguyên liệu sản xuất để xuất khẩu. Chúng tôi vẫn dự báo là tình hình 6 tháng cuối năm rất khó do thiếu nguồn nguyên liệu vì sản lượng sụt giảm do người nuôi không có khả năng vay vốn. Trong khi lãi suất ngân hàng hiện nay cao vô cùng”.

Thực ra, đây không phải là chiêu thức mới, nhưng khi “tung ra” thông tin chưa được kiểm chứng này cái lợi đầu tiên là đội ngũ thương lái và một số doanh nghiệp chế biến làm ăn thiếu đứng đắn. Bởi khi cá tra có giá cao, nguồn nguyên liệu thiếu nông dân mời nhiều thương lái, doanh nghiệp thu mua để đấu giá hoặc kêu giá thật cao để bán. Lúc đó, doanh nghiệp phải bấm bụng để mua giá cao nhằm đủ nguyên liệu sản xuất và xuất theo hợp đồng đã ký. Ngược lại, khi giá cá giảm mạnh, số lượng nhiều doanh nghiệp cứ “ngồi rung đùi” để chờ người dân van nài bán cá. Và lúc này, doanh nghiệp chế biến lại kiếm cớ ép giá nông dân.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang và cũng có 4 hầm nuôi cá tra, ông cho rằng, mỗi lần thông tin bị nhiễu thì người nuôi cá đều bị thiệt: “Tôi cho rằng một số doanh nghiệp lợi dụng vấn đề này để làm giá. Rất khổ cho nông dân. Bởi trước đó đã ký hợp đồng. Lúc mới ký thì cá mạnh. Tuần sau quay lại thì nói cá bệnh. Dân yêu cầu cho coi phiếu kiểm nghiệm. Lúc này đại diện doanh nghiệp lại kéo dài hàng chục ngày sau thì quay lại và nói cá quá size rồi”.

Theo nhận định chung của nhiều nhà quản lý, bản chất của vấn đề ở đây chính sự lỏng lẻo về mối liên kết trong sản xuất-chế biến. Lâu nay, việc chia sẻ lợi nhuận, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa người nuôi cá và doanh nghiệp vẫn thường được nêu ra. Nhưng tới bây giờ, việc liên kết như thế nào cho hiệu quả thì rất khó thực hiện vì bên nào cũng muốn lợi ích lớn về mình. Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp phân tích: “Không có người dân nuôi cá nào muốn để cá quá size. Nhiều người dân cứ tin tưởng vào doanh nghiệp rồi cứ cho ăn thức ăn. Sau đó doanh nghiệp đến đã ký giá cao thì bắt đầu chê để xuống giá. Nguyện vọng của người dân là muốn bán cho mau chứ không ai muốn để quá lứa. Đề nghị Bộ và Hiệp hội nên có xác định giá sàn hợp lý. Về phía người dân thì cũng muốn lãi vừa phải nhưng an toàn hơn là lời nhiều nhưng rủi ro”.

Những năm gần đây, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra ở khu vực ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng do chưa phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nuôi đã dẫn đến thực trạng nghề nuôi cá tra đang đứng trước nhiều thách thức. Và trong đó, thông tin tồn đọng 30.000 tấn cá tra mới đây tiếp tục là một bài học đắt giá.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng: “Tuyên bố này trước nhất là không chính xác và ảnh hưởng đến giá cá tra hiện nay. Thêm một thông tin bất lợi cho người nuôi. Và sau này, chúng tôi sẽ có phối hợp với các cơ quan chức năng để khi thông tin sai thì phải có biện pháp”.

Qua “câu chuyện” này, người nuôi cá ở ĐBSCL cho rằng, các doanh nghiệp cần phải chia sẻ thông tin để người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều có lợi. Trong đó, điều nhất thiết là doanh nghiệp phải đưa ra mức chuẩn về size cá, giá sàn thu mua để người nuôi biết trước, nhằm giúp họ chủ động khai thác cá khi đã lớn đúng kích cỡ theo yêu cầu. Đồng thời, chia sẻ hợp lý các lợi nhuận giữa doanh nghiệp chế biến cá và người nuôi, thì đó mới là cái gốc để giúp ngành cá tra ở ĐBSCL phát triển bền vững./.

Thanh Tùng
 


Last edited:


Back
Top