Điạ Lan Kiếm Bạch Ngọc Và Địa Lan Kiếm Tứ Thời

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Hai loài địa lan Kiếm dân dã này rất được ưa chuộng vì chúng có 3 tính chất đáng quý sau: vẻ đẹp thanh nhã, hương thơm dịu dàng và khá dễ nuôi trồng.

Lan Bạch ngọc có hai loài giống nhau, chỉ khác nhau chút chút về độ lớn của đám lá, của số bông hoa, nên người ta thường gọi chúng với các tên rất trìu mến: Bạch ngọc Đại kiều và Bạch ngọc Tiểu kiều.

Lá của loài lan này rất hẹp bản từ 0.5cm đến 1cm, dài chừng 20cm đến 40cm, lá mỏng mềm nên thường uốn cong. Mép lá có gợn răng cưa, màu sắc lục biếc. Mỗi giò hoa Tiểu kiều có chừng 3-5 bông hoa, còn Đại kiều có tới 6-7 bông hoa. Hoa mầu trắng muốt, thường nở vào mùa thu. Hương thơm Bạch ngọc rất quyến rũ. Ai đã ngồi thưởng thức hoa lan Bạch ngọc, khó mà đứng dậy, rời xa chậu hoa ra được.

Cố nhà văn Nguyễn Tuân đã viết trong truyện ngắn "Hương Cuội" <i>(Trong tập Vang bóng một thời)</i>…

<i>"Tôi tự biết không chăm được lan Bạch ngọc. Công phu lắm ông ạ. Gió mạnh là gẫy, nắng già một chút là héo, mưa nặng hột là nẫu cành. Bạch ngọc thì đẹp lắm, nhưng giống nhẹ nhàng ấy yểu lắm. Chăm như chăm con mọn. Chiều chuộng quá, như con cầu tự, lầm lỡ một chút là chúng đi ngay. Những quí vật ấy không chịu ở lâu bền với người ta…"</i>

Hiện nay lan Bạch ngọc đã dễ nuôi trồng vì trình độ khoa học tiến bộ của người nuôi trồng nên giá cả thường rẻ hơn các loài địa lan Kiếm truyền thống khác.

Lan Tứ thời có hoa nở từ cuối hạ tới đầu đông, mỗi năm có tới 2 hoặc 3 đợt hoa, do vậy nên đã mang danh là Tứ thời.

<></>Bạch Ngọc
Cymbidium ensifolium

dklbn-dkltt_1.jpg
Lá lan to bản hơn Bạch ngọc, từ 0.8cm - 1.5cm, dài chừng 40cm - 50cm, mép lá cũng gợn răng cưa, lá dầy và cứng nên thường thẳng (trực lập), khi lá già mới cong. Nhiều người chơi lan thích kiểu lá thẳng, cho là có cốt cách hiên ngang. Nhưng ngược lại, các hoạ sỹ hàng 1000 năm nay, khi vẽ là lan Kiếm đều vẽ cong cong như lá Bạch ngọc già.

Lá lan, bộ phận quan trọng hợp thành cái đẹp của chậu lan, mặt khác lá lan có suốt cả năm, hoa chỉ có chừng một tháng, do đó người ta nói xem hoa nhất thời, xem lá kinh niên. Ở một số nước Đông Á, chậu lan chỉ cần có đám lá, cũng được chọn là cây cảnh trong các phòng khách sang trọng.

Chùm hoa lan Tứ thời cao chừng 20 - 25 cm có từ 3 đến 5 bông. Nhìn xa, chúng bị lấp trong các đám lá. Nhưng nếu đến gần, ngắm kỹ từng bông, ta sẽ thấy được sự kỳ diệu của thiên nhiên đã tạo ra một loài hoa đẹp tinh vi đến như vậy.

Hoa lan Tứ thời, khá to. Ba cánh đài và hai cánh hoa mầu lục ngọc thạch, có 7 sọc hồng tía, môi hoa trắng có hai hàng chấm đỏ rực rỡ. Hoa bền từ 10 đến 20 ngày.

Hương thơm của lan Tứ thời cũng rất quyến rũ. Có nhiều người gắn cho hương hoa lan Tứ thời là "hương đãi khách". Ai mới đến gần chậu lan sẽ được hưởng mùi thơm ngay. Ngồi lâu sẽ giảm dần. Nhưng nếu có làn gió thoảng qua, đưa cháu nhỏ đi qua, con mèo chạy tới, hương thơm lại sực nức lên ngay.

Người xưa thường nhân cách hóa vạn vật xung quanh mình nên có hai trường phái đánh giá lan Tứ thời.

Có trường phái coi lan Tứ thời là hèn kém, vì chùm hoa không vươn cao lên khỏi đám lá (Bất xuất giá). Trong vườn lan của các vị này không bao giờ có chậu lan Tứ thời.

Ngược lại, trường phái coi lan Tứ thời là tượng trưng cho đức khiêm nhường, dấu mình trong đám lá, không cố vươn lên cao để khoe sắc khoe hương, mà vẫn sống trong đám lá (đã nuôi dưỡng bản thân). Đúng như các bậc hiền nhân, có tài, có đức những ưa ẩn mình.

Hai luận điểm cứ trái ngược nhau. Nhưng loài lan Tứ thời cứ tồn tại và ngày càng phát triển, nhất là trong những năm gần đây.

Các vườn địa lan Kiếm truyền thống có đa số là các loài lan hoa nở vào cuối đông, đầu xuân. Chúng có giá trị văn hoá, kinh tế rất cao để đón Tến Nguyên đán. Nhưng trong 11 tháng của cả năm, vườn chỉ có các đám lá lục biếc vậy nếu có mươi chậu Bạch Ngọc hay Tứ thời vườn lan sẽ đẹp hơn và vui mắt hơn nhiều.

Tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) có một loài địa lan Kiếm được gọi là Kiến lan, hay Tứ quý lan (có hoa nở trong cả 4 quý) hay Thu lan (hoa nở chủ yếu vào mùa thu) có tên khoa học là Cymbidium ensifolium. Khi so sánh tất cả các tính chất của lan Tứ thời và lan Tứ quý, Kiến lan đều rất giống nhau. Chúng tôi tạm kết luận loài địa lan Kiếm Tứ thời, Bạch Ngọc thuộc loài lan Cymbidium ensifolium.

Ngoài 2 loài trên còn 3 loài khác nữa, do các biến dị lai hoa tự nhiên mà có trong rừng Việt Nam.

Lan Tố tâm giống hệt lan Bạch ngọc, chỉ khác là môi có các chấm đỏ, nên còn gọi là Bạch ngọc châm hương.

Lan Ngân biên và Kim biên khá hiếm cũng giống lan Bạch ngọc, mép lá ở gần phía đầu có viền mầu ngà trắng hay vàng. Có người chơi lan coi loài lan này là có Diệp nghệ (lá nghệ thuật) theo quan điểm Vạn trung vô nhất (Vạn cái không có một) do đó hiếm sẽ là quý.

<></>Tứ Thời
Cymbidium ensifolium

dklbn-dkltt_2.jpg
Nhưng nhiều người thấy hương thơm của 2 loài hoa này không bằng Bạch ngọc nên không quý lắm.

Vào khoảng thế kỷ thứ 18, Kiến lan (Cym. ensifolium) được đưa sang châu Âu. Sau đó các địa lan Kiếm khác cũng được đưa sang. Đã có 2 sự đánh giá khác nhau về địa lan Kiếm.

Những người chơi lan châu Âu không thích lan Kiếm, vì hoa nhỏ. So với Cát lan, Hồ điệp v.v… Mầu hoa nhạt hoặc xỉn, hương thơm gia vị (Parfum d’epice).

Các nhà thực vật châu Âu lại đánh giá cao lan Kiếm vì chúng có tính chất rất đáng quí sau: cây lan sống khoẻ, chịu đựng tốt ở nhiệt độ khá cao và khá thấp, ít sâu bệnh và dễ lai tạo.

Do đó, chúng ta không lạ gì trên thị trường lan của thế giới và trong nước đã có rất nhiều giống địa lan Kiếm lai, có hoa to, mầu sắc rực rỡ, cành hoa cao, dễ dàng cắt cành, phù hợp với nền thương nghiệp hoa lan cắt cành.

Các loài địa lan Kiếm có hoa nở cuối đông đầu xuân, cần có những đợt gió mùa Đông Bắc vào tháng 10, tạo ra các đêm lạnh dưới 150C để hình thành các chồi hoa.

Nhưng địa lan Kiếm Tứ thời, Bạch ngọc có hoa nở vào mùa thu nên chúng không cần có đêm lạnh, để hình thành chồi hoa. Chúng có khả năng nở hoa ở miền Nam.

Chúng ta hy vọng hai loài địa lan Kiếm Tứ thời Bạch ngọc có thể nở rực rỡ dưới bầu trời thu xanh của TP.HCM, như đã nở, ngót nghìn năm dưới bầu trời của Thủ đô Hà Nội.
 


Last edited:


Back
Top