Điềm chẳng lành từ một vùng cao (I)

  • Thread starter tu ki
  • Ngày gửi
Không chỉ riêng số ít chuyên gia di truyền học lẫn nhân chủng học đang “ngỡ ngàng đến choáng váng”, đây quả là chuyện vô cùng hệ trọng đối với mọi người, mọi nhà. Vì bản chất vấn đề gắn bó mật thiết với tương lai phát triển của từng cá thể người, của cả cộng đồng dân tộc và của toàn nhân loại!
sinh-soi.jpg

T

rước tiên, xin thưa ngay rằng đây là vấn đề thuần túy khoa học nhưng liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều giới. Trong phóng sự này, vì lý do tế nhị, một số nhân vật hoàn toàn có thật phải xuất hiện với tên “mã hóa”. Còn các nhà chuyên môn đã và đang dày công nghiên cứu vấn đề, tôi ghi rõ danh tính cùng học hàm, học vị lẫn cơ quan công tác, ngõ hầu những ai lưu tâm tiện liên hệ. Loạt tư liệu sử dụng trong phóng sự này cũng được tôi dẫn nguồn một cách đầy đủ nhằm giúp bạn đọc tìm kiếm, tra cứu, đối chiếu thuận lợi nếu thấy cần thiết.
Ngẫu nhiên phát hiện chuyện tày đình
Vấn đề bật ra rất đỗi tình cờ vào tháng 4-1998.
Để làm khóa luận tốt nghiệp đại học, Nguyễn T. H. – một nữ sinh viên năm cuối ban Sinh học, khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ, trường Đại học Đà Lạt – bấy giờ ngày ngày đến thực tập tại phòng Công nghệ sinh học trực thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Chủ đề mà T.H. khảo sát là karyotype (kiểu nhân của bộ nhiễm sắc thể mang đặc điểm riêng mỗi loài).
Hôm ấy là ngày cuối tuần, T. H. hơi lúng túng vì thiếu mẫu máu phục vụ việc phân tích. Cớ sao không trích máu mình mà làm thí nghiệm nhỉ? Nào phải ai ai cũng đủ điều kiện tận mắt quan sát hình thái nhiễm sắc thể của bản thân qua kính hiển vi đâu! Cảm thấy thú vị với ý tưởng vừa lóe lên trong đầu, T.H. bắt tay thực hiện ngay và cô mỉm cười đoán trước rằng bộ nhiễm sắc thể của mình cũng y hệt muôn vàn trường hợp bình thường khác.
Sau khi trích máu, đem nuôi cấy tế bào rồi phân tích, T.H. hết sức hoang mang trước kết quả ngoài sức tưởng tượng: nhiễm sắc thể lympho máu ngoại vi của chính mình sao lại biến loạn hiếm thấy! Cụ thể là có tế bào mà toàn bộ nhiễm sắc thể bị nát vụn và kết nối dị thường; 37 trong tổng số 46 nhiễm sắc thể bị tổn thương, không có khả năng phục hồi. Đó là biểu hiện chẳng lành về nhiều phương diện, đáng ngại nhất là khía cạnh sức khỏe – bệnh tật – truyền chủng. Đương nhiên, bản thân T.H. bị ảnh hưởng bởi yếu tố độc nào đấy rồi. Tác nhân đột biến gì vậy? Tự bao giờ và ở đâu? Độc, đã đành, nhưng có hại chăng? Nếu hại thì tới mức nào?
Quá đỗi lo âu, T.H. trình bày ngay sự việc với người đang trực tiếp hướng dẫn mình làm khóa luận: thầy Trần Quế – nay là tiến sĩ trưởng phòng Công nghệ sinh học, song lúc ấy còn học vị cử nhân. Quan sát tiêu bản hiển vi, phân tích số liệu, Trần Quế sững sờ với tần số: 20% biến loạn kiểu đa tâm, 15% biến loạn kiểu mảnh không tâm, 4% biến loạn kiểu đứt gãy nhiễm sắc tử. Thuật ngữ di truyền học gọi hiện tượng đó là sai hình nhiễm sắc thể (tiếng Anh: chromosome anomaly / abnormality / aberration; tiếng Pháp: maladie chromosomique; tiếng Ba Lan: aberracja / mutacja chromosomowa; tiếng Hà Lan: chromosomale afwijking; tiếng Ý: aberrazione / mutazione cromosomica; tiếng Đức: Chromosomenmutation / Chromosomenaberration; tiếng Nga: хромосомные аберрации / мутации / перестройки). Tuy nhiên, sai hình đạt tần số cỡ như T.H. là điều chưa hề được các tài liệu chuyên môn trên thế giới ghi nhận!
Lẽ nào quy trình thí nghiệm mắc sai sót? Thói quen cẩn trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học buộc Trần Quế hoài nghi kết quả bước đầu. Anh Quế đề nghị T.H. trích máu lần hai, rồi cùng các cán bộ phòng Công nghệ sinh học đích thân nuôi cấy, đoạn phân tích theo kỹ thuật hoàn toàn đảm bảo. Kết quả cũng giống hệt lần trước
Cho tôi xem tiêu bản hiển vi bộ nhiễm sắc thể của T.H. đang lưu trữ tại phòng thí nghiệm nép bên đồi Cù, anh Quế nói chậm rãi bằng giọng Nghệ:
– Bao năm theo đuổi công tác nghiên cứu sinh học, chưa bao giờ mình bị chấn động mạnh đến thế! Kết quả vượt khỏi những biệt lệ mà giới chuyên môn từng tổng kết. Tất nhiên, gặp hiện tượng lạ, nhà khoa học cần bình tĩnh khảo cứu thấu đáo bản chất để lý giải căn nguyên, rút ra quy luật một cách thật khách quan trong khả năng và điều kiện có được.

0879.jpg

T.H. là người huyện Lâm Hà thuộc tỉnh Lâm Đồng – khu kinh tế mới từng thu hút một bộ phận dân chúng Hà Nội lên đây định cư nhiều đợt mà đợt đầu vào năm 1976. Nguyên gia đình T.H. xuất thân từ xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, năm 1985 mới tới Lâm Hà khai khẩn. Năm 1998, T.H. tuổi ngoài đôi mươi, nghĩa là cô sinh ra ở thủ đô và lớn lên trên vùng cao nguyên bazal gần thập niên; rồi về thành phố Đà Lạt học đại học chỉ non bốn năm. Khảo sát dịch tễ học sai hình nhiễm sắc thể của cư dân Đà Lạt, kể cả nhóm đối tượng thường xuyên làm việc trong lò phản ứng hạt nhân, vẫn chưa phát hiện trường hợp nào biến loạn đặc biệt như T.H. Liệu hoàn cảnh tự nhiên và xã hội tại Lâm Hà ẩn chứa những tác nhân tiêu cực nào chưa xác định được? Phải điều tra thực địa đã, mới hy vọng tìm ra lời giải.
Một số cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt do chuyên gia Trần Quế dẫn đầu tức tốc tới Lâm Hà theo sự hướng đạo của T.H. Đoàn ghé thăm gia đình nữ sinh viên này để tìm hiểu những thông tin thiết yếu. Bố của T.H. là cựu chiến binh, suốt thời gian quân ngũ đều ở chiến trường A tức miền Bắc; nay vào đây canh tác nông nghiệp. Mẹ của T.H. vốn là y tá, giờ buôn bán tạp hóa tại nhà. T.H. có một anh trai và một chị gái; mỗi anh chị em đều cách nhau 2 tuổi, vẫn chung sống với bố mẹ. Nơi họ định cư bấy nay được gọi bằng địa danh bộc lộ niềm hoài hương: xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà.
Tại xã Gia Lâm, không khí sinh hoạt rất đỗi yên bình, cảnh sắc nom tốt tươi với bao căn “nhà ngói, cây mít” tương đối khang trang bên trập trùng đồi nương xanh mượt chè / trà, cà phê, dâu tằm.
Tìm hiểu bệnh sử gia đình T.H., thấy bình thường. Tình trạng sức khỏe toàn gia chẳng có dấu hiệu gì đặc biệt. Mấy hộ láng giềng cũng vậy. Thế là thế nào? Đoàn khảo sát bèn xin phép trích máu thân quyến của T.H. cùng một vài người quen biết quanh vùng. Tất thảy gồm 11 đối tượng trong độ tuổi 16 ~ 60. Cả 11 mẫu máu được chống đông bằng lithium heparin và bảo quản chu đáo với nhiệt độ 4ºC, sau đó chuyển về phòng Công nghệ sinh học để nuôi cấy tế bào, làm phiên bản hiển vi, tiến hành phân tích theo quy trình nghiêm ngặt đạt chuẩn quốc tế.
Kết quả phân tích 11 mẫu máu lần nữa gây “sốc” mạnh đối với Trần Quế, còn đồng nghiệp cùng phòng đều ngỡ ngàng: phát hiện 8 trường hợp sai hình nhiễm sắc thể, trong đó có người nhà của T.H. Gặp cả trường hợp tần số biến loạn kiểu đa tâm những 22% và kiểu mất tâm những 24%. Tiến sĩ Lê Xuân Thám – lúc ấy là trưởng phòng Công nghệ sinh học thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nay là phó giám đốc Trung tâm Hạt nhân TP. HCM – phát biểu:
– Trên phạm vi toàn cầu, hiện tượng này chắc khó khám phá lần thứ hai!
“Ngỡ ngàng đến choáng váng”
Tiêu đề phụ đó không phải do tôi cố ý “chơi” sous-titre kiểu giật gân. Đó là lời nhận định của các nhà khoa học ở phòng Công nghệ sinh học về vấn đề đang quan tâm, thể hiện bằng mực đen giấy trắng khi đệ trình với nhiều cấp thẩm quyền, khi thảo luận cùng đồng nghiệp trong lẫn ngoài nước, cũng như khi công bố sơ bộ kết quả qua phương tiện truyền thông đại chúng.
Ngay từ trung tuần tháng 9-1998, trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 292, tập thể tác giả Trần Quế, Hoàng Hưng Tiên (in sót dấu sắc – đúng tên là Tiến) và Lê Xuân Thám đã viết như sau: “Người ta phải ngỡ ngàng đến choáng váng khi phân tích thấy hiện tượng bất thường nghiêm trọng về tần số và phân bố sai hình nhiễm sắc thể ở một nhóm dân cư thuộc tỉnh Lâm Đồng”. Mặc dù chọn tiêu đề chính khá ấn tượng là Lần theo dấu vết tử thần, nội dung bài viết ấy khai thác vấn đề thiên về lĩnh vực chuyên môn “hơi bị” hẹp nên chưa thu hút sự chú ý của dư luận rộng rãi chăng?
Tất nhiên từ đấy, số ít người hoạt động trong lĩnh vực này sẽ tham khảo thêm loạt công trình nghiên cứu liên quan lần lượt được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành cùng kỷ yếu hội nghị khoa học trong lẫn ngoài nước. Như các tạp chí Thông tin khoa học, công nghệ và môi trường Lâm Đồng; Y học thực hành; Di truyền và ứng dụng. Như các kỷ yếu Hội nghị Vật lý hạt nhân toàn quốc lần thứ ba (Đà Lạt, 1999); Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc lần thứ nhất (Hà Nội, 1999); Hội nghị Hiệu ứng sức khỏe liều thấp và liều rất thấp (Versailles, Pháp, 2000).
Đọc xong, ắt các chuyên gia gần xa cũng không tránh khỏi ngỡ ngàng. Vì họ hiểu rằng sai hình nhiễm sắc thể chẳng bỗng dưng xuất hiện, mà do một hay những tác nhân đột biến gây tổn thương phân tử ADN (acid desoxiribonucleic – thể vật chất mang tính di truyền). Khoa học ngày nay đã thống kê hàng ngàn tác nhân có nguồn gốc thiên nhiên lẫn nhân tạo; có thể quy thành hai loại chính: tác nhân vật lý (bức xạ vũ trụ, bức xạ tử ngoại, bức xạ ion hóa, v.v.) và tác nhân hóa học (chủ yếu là nhiễm độc hóa chất). Do đó, sai hình nhiễm sắc thể là một chỉ số đáng tin cậy phản ánh mức độ ảnh hưởng bất lợi của môi trường lên bộ máy di truyền của cơ thể sinh vật. Mà đã dính tới di truyền thì chỉ cần sơ suất cỏn con, hậu quả về lâu về dài sẽ cực kỳ khó lường! Nói rõ hơn, ví rơi vào xác suất xui xẻo, sai hình nhiễm sắc thể dễ dẫn đến ung thư, quái thai, sẩy thai, chết yểu, các bệnh di truyền từ đời này sang đời nọ ở thể trội hoặc thể lặn, và bao loại bệnh tật nguy hiểm khác!
Các chuyên gia tất phải choáng váng nếu làm phép so sánh đơn giản. Khắp hoàn vũ đến nay, tần số biến loạn nhiễm sắc thể cao và rất cao ở người chỉ mới được phát hiện dăm trường hợp lẻ tẻ trong các nhóm dân cư sinh sống tại những “vùng sự cố đặc biệt” như Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), Bagastein (Áo), Elbmart (Đức), Techa (Nga), Chernobyl (Ukraina).
chernobyl_disaster-1.jpg

Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (tiếng Ukraina: Чорнобил; tiếng Nga: Чернобыль) mang tên Lênin (Чернобыльская
АЭС им. В.И.Ленина) đã xẩy ra thảm hoạ ngày thứ bảy 26-4-1986. Đây là vụ tai nạn trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân thế giới!


Thế mà tại một xã nho nhỏ rất bình thường thuộc huyện Lâm Hà đã sơ khởi phát hiện 8/11 người bị sai hình nhiễm sắc thể trầm trọng! Theo tính toán của nhóm đo liều sinh học thuộc phòng Công nghệ sinh học, có trường hợp – mã số 10LH – tần số sai hình chỉ xảy ra nếu chiếu xạ in vitro (trong điều kiện thí nghiệm) với liều 8-9 Gy. Bị chiếu ngang liều này, người khỏe như vâm cũng hồn lìa khỏi xác. Lạ kỳ thay! Diệu kỳ thay! Đối tượng 10LH (nữ, 25 tuổi, định cư tại Lâm Hà mới 2 năm, tính tới thời điểm tháng 4-1998) giờ đây vẫn… tràn trề sinh lực! Nàng chẳng hề hay biết bao nhà khoa học suốt ngày đêm vò đầu bứt tóc vì chưa tài nào lý giải nổi “chuyện như đùa” liên quan tới mình.
Mãi ba năm sau…
Vào tháng 5, tháng 6-2001, có người ở xã Gia Lâm tình cờ đọc tờ Lang Bian – tạp chí của Hội Văn nghệ Lâm Đồng – số 32 vừa ấn hành, thấy bút ký Đi tìm dấu vết tử thần của Lê Công tường thuật về mảnh đời “cô sinh viên tội nghiệp tên H. mang trong mình mầm mống tử thần”. Không lâu sau, chính xác là ngày thứ sáu 28-9-2001, lại thấy báo Lao Động số 220 đăng bài gái có “máu xấu” của Khắc Dũng – Lê Công với nội dung tương tự.
H. có phải T.H. chăng? Hai bài báo đều cho rằng H. là con ông Nguyễn Văn A ở Nam Bang, một trong hai thị trấn thuộc huyện Lâm Hà. Nhưng sao hoàn cảnh H. có lắm nét hao hao T.H., con út của ông bà Nguyễn Văn H. và Nguyễn Thị D. ở thôn 6, xã Gia Lâm thế?
Điều khiến cả tám thôn thuộc xã Gia Lâm phát hoảng là đoạn kết hai bài báo đều đưa ra suy đoán tuy dè dặt nhưng nghe qua, cam đoan mặt nhìn ai nấy đều kinh: hiện tượng biến loạn nhiễm sắc thể trầm trọng ở Lâm Hà có khả năng ảnh hưởng bởi… chất độc hóa học do quân đội Mỹ rải xuống vùng đất này từ năm 1968!
Cùng ngày, bài Cô gái có “máu xấu” liền được tóm lược và chuyển tải lên báo điện tử VnExpress với tiêu đề Bệnh “máu xấu” và những hiểm họa từ môi trường. Tiếp nhận thông tin kia, nhiều hộ dân ngay tại thủ đô cùng các tỉnh lân cận cũng ngỡ ngàng đến choáng váng vì thấp thỏm e ngại cho bà con dòng tộc mình bao năm qua sinh nhai tít tận Lâm Hà. UBND TP. Hà Nội lập tức gửi công văn đề nghị chính quyền tỉnh Lâm Đồng “làm rõ vấn đề” và kế đấy, cử cán bộ vào tận nơi xem xét thực hư.
Nếu sự thật đúng như hai bài báo nọ phỏng định, thì dẫu tốn kém bao nhiêu, các cơ quan hữu trách cũng phải triển khai gấp những biện pháp bảo vệ dân chúng trước mắt lẫn lâu dài, chẳng hạn chuyển dời một phần hoặc toàn bộ nhân dân huyện Lâm Hà sang địa bàn khác an toàn hơn.
31431_399886369644_592809644_3979475_7007504_n.jpg

Huyện Lâm Hà luôn luyến lưu cố hương qua nhiều địa danh mang theo như Cổ Loa, Đông Anh, v.v. Ảnh: HaiDT
Người từ Hà Nội được phái vào cao nguyên Lâm Viên tìm hiểu vấn đề là ông Phan Hữu Giảng.
Kết quả ra sao?
(Còn nữa)
 
Back
Top