Hạn chế hao hụt lươn giống

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
(Thủy sản Việt Nam) - Nghề nuôi lươn đang được nhiều địa phương phát triển như một đối tượng triển vọng và mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là vấn đề hao hụt lươn giống trong giai đoạn đầu. Từ giống tự nhiên đến nhân tạo

Lươn dễ nuôi, lại có giá trị kinh tế. Nuôi lươn có thể tận dụng diện tích trong vườn nhà, như nuôi ao lót bạt hoặc nuôi trong bể xi măng, vốn đầu tư ít. Đầu ra của lươn khá ổn định, ngoài tiêu thụ trong nước còn được xuất khẩu (đi Mỹ, Nhật...). Nghề nuôi phát triển đòi hỏi con giống chất lượng. Nguồn giống chủ yếu được đánh bắt ngoài tự nhiên chất lượng và số lượng không đảm bảo, người nuôi dễ thua lỗ nếu không cẩn thận khi chọn giống, nhất là giai đoạn đầu khi thả giống.

z300-Thuy-san-Viet-Nam2125-.jpg


Lươn giống cỡ lớn cần chú ý đến nguồn gốc - Ảnh: Quốc Minh

Để đáp ứng nhu cầu lươn giống, năm 2006, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ bắt đầu thực nghiệm, khảo sát đặc điểm sinh học, nghiên cứu sinh sản nhân tạo lươn, bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Từ những kết quả này, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ cùng Trung tâm Giống thủy sản An Giang thử nghiệm sản xuất giống lươn đồng, đã thành công và bước đầu chuyển giao kỹ thuật này cho nơi có nhu cầu.

Giảm hao hụt lươn giống

Lươn giống đánh bắt ngoài tự nhiên có ưu điểm là con giống lớn sẽ rút ngắn được thời gian nuôi. Nên chọn lươn giống màu vàng sẫm, vì loại này có sức sống và tăng trưởng tốt nhất; những con màu đen hoặc xám tro nuôi chậm lớn. Cỡ giống thả tốt nhất 40 - 60 con/kg. Giống quá nhỏ sẽ khó chăm sóc, dễ chết, thời gian nuôi kéo dài. Đối với cỡ giống lớn (10 - 20 con/kg), cần lưu ý nguồn giống, vì cỡ giống này lươn hay bị chết sau khoảng 15 - 30 ngày nuôi, do giãn cột sống lúc bị đánh bắt hoặc bị chích điện (te điện) làm lươn bị tật, chậm lớn, dễ mắc bệnh, thậm chí bỏ ăn và chết sau khi thả.

Khi vận chuyển lươn giống, nên dùng vật dụng trơn láng để chứa lươn và cho thêm một ít nước, giá thể như rau dừa, lục bình, để che mát và tạo chỗ trú ẩn cho lươn. Chiều cao lớp lươn vận chuyển không quá 20cm, vì lớp lươn phía dưới bị đè và khó tiếp xúc được ôxy để hô hấp, lươn bị mất nhớt. Cũng không nên vận chuyển lươn trong vật dụng kín, bề mặt tiếp xúc nhỏ.

Khi đánh bắt và vận chuyển đến nơi thả nuôi, cơ thể lươn có thể bị xây xát. Do đó, trước khi thả vào bể thuần dưỡng phải tắm lươn. Pha thuốc tắm: 10 lít nước + 2 chén muối hột + 1 muỗng canh Oxytetra, hòa tan tắm 20 - 30kg giống, thời gian tắm 1 phút. Lươn được dưỡng trong bể xi măng hoặc ao lót bạt, mật độ dưỡng 4 - 6 kg/m<sup>2</sup>, chiều sâu nước 0,1 - 0,2m. Trong bể dưỡng đặt nhiều giá thể (lục bình, rau muống, rau dừa...). Trong suốt thời gian dưỡng, tuyệt đối không cho lươn ăn.

Giai đoạn đầu thả giống, lươn thường bị bệnh sốt nóng do sốc môi trường. Biểu hiện bệnh là lươn xáo trộn trong bể, quấn vào nhau, tiết nhiều nhớt, ngoi đầu lên thở. Những con nặng, đầu sưng phồng, xuất huyết và chết hàng loạt. Để phòng bệnh này nên tắm lươn trước khi dưỡng, mực nước 0,1 - 0,2m. Trong bể bố trí nhiều giá thể và phải thay nước ít nhất 2 lần/ngày. Nếu áp dụng tốt các biện pháp này, sẽ giảm được hao hụt lươn trong giai đoạn đầu thả.

Thanh Thủy
(Nguồn:http://thuysanvietnam.com.vn)
 
Last edited:
Back
Top