Kết quả thực hiện chương trình cơ giới hóa nông nghiệp của thành phố Hà Nội

  • Thread starter maynongnghiep1
  • Ngày gửi
Nguồn: “www.cogioihoa.com” ngày 10/07/2015

PHẦN I
ĐẶT VẤN ĐỀ

Thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của cả nước, có 29 quận, huyện, thị xã, trong đó có 22 quận, huyện, thị xã sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 332.888,99ha, diện tích đất nông nghiệp 188.601ha, dân số trên 6,5 triệu người.
Sản xuất nông nghiệp của thành phố trong những năm gần đây đã đạt được những thành tựu to lớn nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chất lượng, an toàn, có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Năm 2010, sản xuất nông nghiệp đã cung cấp khoảng 1,2 triệu tấn lương thực, hơn 370,3 nghìn tấn thịt hơi gia súc, gia cầm, trên 56,6 nghìn tấn thủy sản, khoảng 526 nghìn tấn rau, đậu, thực phẩm các loại,…sản lượng lương thực – thực phẩm, đã đảm bảo cho nhu cầu đời sống – sản xuất của hơn 2,5 triệu dân cư nông nghiệp và đáp ứng 50 – 60% nhu cầu lương thực – thực phẩm cho dân cư phi nông nghiệp, góp phần cơ bản để ổn định thị trường, đời sống và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn Hà Nội, là cơ sở vững chắc thúc đẩy tích cực quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Cơ giới hóa nông nghiệp là một bước trong việc hiện đại hóa phương thức sản xuất, chuyển nông nghiệp từ sản xuất cá thể, phân tán và tách rời sang sản xuất mang tính xã hội với quy mô lớn có sự phân công và hợp tác, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Hiện nay, cơ giới hóa nông nghiệp của Thành phố đang diễn ra khá sôi động trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, còn nhiều hạn chế, như: Trong sản xuất lúa mới tập trung chủ yếu khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất còn thấp. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa áp dụng cơ giới hóa sản xuất khép kín, thiếu tính đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Đặc biệt lực lượng lao động chính trong nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nên vào thời vụ sản xuất nông nghiệp đang thiếu hụt lực lượng lao động.
Để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, giảm tổn thất sau thu hoạch, khắc phục tình trạng thiếu lao động nông nghiệp mang tính thời vụ, đưa nông nghiệp Hà Nội vươn lên, đi đầu và xứng tầm với vị trí của một Thành phố lớn trong cả nước. Sau hai năm triển khai thực hiện, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện như sau:

PHẦN II
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CƠ GIỚI HÓA
NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI HAI NĂM 2013 - 2014

I. Kết quả đạt được.
1. Công tác chỉ đạo triển khai.
Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 16/QĐ-UBND về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012- 2016 định hướng đến năm 2020, trong đó có chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Năm 2013, UBND Thành phố đã phê duyệt “ Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020” tại quyết định số 4192/QĐ-UBND ngày 03/7/2013 và đã phê duyệt kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm cơ giới hóa nông nghiệp năm 2013 trên cơ sở vận dụng nghị định 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 về công tác khuyến nông và thông tư 183/2010/TTLB-BTC-BNN ngày 15/11/2010 về hướng dẫn chế độ quản lý sử dụng kinh phí ngân sách đối với hoạt động khuyến nông.
Từ việc triển khai của thành phố đã được hầu hết các huyện tích cực tham gia, trở thành phong trào sâu rộng của các huyện ngoại thành cùng với thực hiện các nội dung của xây dựng nông thôn mới, trong đó nhiều huyện từ cấp ủy, chính quyền đã có nghị quyết và chính sách hỗ trợ kịp thời đạt kết quả:
- Huyện Phú Xuyên: Cấp ủy đã có nghị quyết và UBND huyện đã có cơ chế hỗ trợ 70 triệu/01 máy cày (Huyện hỗ trợ 45 triệu đồng, xã hỗ trợ 15 triệu đồng, HTX hỗ trợ 10 triệu đồng).
- Huyện Thạch Thất: Đã hỗ trợ đầu tư cho các hộ theo mức hỗ trợ của thông tư 183/2010/TTLB-BTC-BNN ngày 15/11/2010.
- Huyện Thanh Oai: Hỗ trợ 50% giá trị máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp cho HTX dịch vụ nông nghiệp.
- Huyện Sóc Sơn: Hỗ trợ 100% giá trị máy cấy cho các hộ tham gia mô hình cơ giới hóa đồng thời dành 2 tỷ đồng cho vay không lãi suất để hỗ trợ các hộ đầu tư cơ giới hóa.
- Huyện Thanh Trì: Hỗ trợ 50% giá trị máy, thiết bị cơ giới hóa.
- Các huyện khác một mặt vận dụng các cơ chế chính sách của Trung ương, Thành phố đồng thời có nhiều giải pháp để phát triển cơ giới hóa trên địa bàn.
2. Kết quả thực hiện cơ giới hóa hai năm 2013-2014
2.1. Thực trạng tình hình cơ giới hóa trước năm 2013
Trước khi có đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố Hà Nội và quyết định số 16/QĐ-UBND của UBND thành phố và khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp xây dựng hạ tầng nông thôn, ngành trồng trọt toàn thành phố có 4737 máy làm đất các loại đảm bảo cho 70.790 ha đạt tỷ lệ 69,2% diện tích đất nông nghiệp; 4 máy cấy đảm bảo cấy được 40 ha đạt tỷ lệ 0,04% diện tích; 520 máy phun thuốc phòng trừ sâu bệnh phun cho 15.600 ha đạt tỷ lệ 15,3% diện tích; 397 máy gặt đập liên hợp đảm bảo thu hoạch được 7940 ha đạt tỷ lệ 7,8% diện tích.
Ngành chăn nuôi có 290 máy vắt sữa đảm bảo vắt sữa cho 1.158 con bò đạt tỷ lệ 16,5% tổng đàn bò sữa; 479 hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động, đảm bảo cho 191.750 con lợn, đạt tỷ lệ 11,8% tổng đàn lợn, 105 hệ thống làm mát chuồng lợn đảm bảo cho 42.250 con, đạt tỷ lệ 2,6%; 636 hệ thống cho ăn, uống bán tự động đảm bảo cho 3.183.200 con gà đạt tỷ lệ 18,4 % trong đàn, có 315 hệ thống làm mát chuồng nuôi cho 1.574.300 con gà đạt tỷ lệ 9,1% tổng đàn.
Từ kết quả trên cho thấy tốc độ cơ giới hóa của nông nghiệp đạt được còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước và khu vực đồng bằng sông Hồng. Trong trồng trọt mới có khâu làm đất tỷ lệ cơ giới hóa đạt 69,2% nhưng hầu hết là máy có công suất thấp để phục vụ mô hình nông hộ, máy gặt đập liên hợp và máy cày còn chiếm tỉ lệ rất thấp (<10%). Trong chăn nuôi cả bò, lợn và gia cầm trình độ cơ giới hóa đều ở mức dưới 20% và hầu hết đều là máy bán tự động là chủ yếu. Đặc biệt ở một số khâu sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch còn đạt tỉ lệ thấp.
2.2. Kết quả đạt được của hai năm 2013-2014.
Trong hai năm 2013-2014 nhờ có chủ trương, sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố triển khai tốt công tác dồn điền đổi thửa được 73.569 ha (96,3% kế hoạch) đất nông nghiệp; UBND thành phố đã phê duyệt chương trình cơ giới hóa và ban hành chính sách khuyến khích phát triển cơ giới hóa nên việc triển khai chương trình cơ giới hóa có nhiều thuận lợi. Được sự đồng tình tham gia của hầu hết các huyện và đông đảo các hộ nông dân, các chủ trang trại, các doanh nghiệp nông nghiệp nên bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ:
Trong hai năm 2013-2014, trên địa bàn thành phố đã đầu tư 9 khâu cơ giới hóa trên hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi (4 khâu cơ giới hóa trong trồng trọt, 5 khâu cơ giới hóa trong chăn nuôi) cụ thể:
Về trồng trọt: Toàn Thành phố đã đầu tư 842 máy làm đất, trong đó có 515 máy làm đất ≤ 15 mã lực và 327 máy làm đất ≥ 24 mã lực, CGH tăng được 19,7% diện tích đất nông nghiệp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất tăng từ 69,2% lên 90,0%; Đã đầu tư 193 máy gặt đập liên hợp, tăng tỷ lệ CGH được 5,7%, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa từ 7,8% lên 13,5%; Đầu tư 210 máy cấy tăng, CGH tăng được 2,1% diện tích đất cấy bằng máy, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu cấy lúa từ 0,04% lên 2,14%; Đầu tư 461 máy phun thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo phun được 13,5% diện tích đất nông nghiệp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu phun thuốc trừ sâu từ 15,3% lên 28,8% diện tích đất nông nghiệp.


Máy cấy lúa HAMCO được sử dụng tại 6 xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn
Như vậy trong hai năm CGH trồng trọt: CGH khâu làm đất tăng cao 90% diện tích, CGH trong khâu cấy, gặt đập liên hợp còn thấp so mục tiêu đề ra, chỉ đạt 2,1% diện tích cấy bằng máy, 13,5% diện tích gặt bằng máy. Việc triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng mua máy theo Quyết định 16 của UBND thành phố Hà Nội, kết quả còn hạn chế, có 55 hộ vay tiền ngân hàng mua 55 máy (30 máy GĐLH, 25 máy làm đất).
Về chăn nuôi - thuỷ sản: Trong chăn nuôi bò, đã bổ sung 530 máy vắt sữa đảm bảo tăng thêm được 21,2% CGH vắt sữa, đưa tỷ lệ CGH trong khâu vắt sữa từ 16,5% lên 37,7%. Chăn nuôi gà, đầu tư 250 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động cho gà đảm bảo tăng thêm 8,0% đưa tỷ lệ tăng thêm từ 18,4% lên 26,4%; đầu tư 119 hệ thống làm mát chuồng nuôi, tăng 2,8 % đưa tỉ lệ CGH làm mát chuồng nuôi từ 9,1% lên 11,9%. Chăn nuôi lợn, đầu tư 95 hệ thống làm mát đạt 2,6%, đưa tỉ lệ CGH hệ thống làm mát tăng thêm từ 2,6% lên 5,2%; đầu tư 470 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động đạt 12,8%, đưa tỉ lệ tăng thêm từ 11,8% lên 24,6%. Thuỷ sản đầu tư được 241 hệ thống quạt nước đạt 4,6% diện tích nuôi thuỷ sản, đưa tỷ lệ CGH từ 2,9% lên 7,5% diện tích nuôi thuỷ sản.
Từ kết quả thực hiện CGH trong hai năm cho thấy: CGH trong chăn nuôi bò sữa tăng cao, khâu vắt sữa đạt 37,7%, khâu thái cỏ đạt 68%; Chăn nuôi lợn, gà, nuôi thuỷ sản CGH còn thấp so với mục tiêu đề ra, như khâu làm mát chuồng lợn đạt 5,2%, gà đạt 11,9%; CGH ăn bán tự động, uống tự động chăn nuôi lợn đạt 24,6%, gà đạt 26,4%; Hệ thống quạt nước nuôi thuỷ sản đạt 7,5% diện tích nuôi thuỷ sản.
Tổng kinh phí đầu tư cho chương trình cơ giới hóa trên địa bàn thành phố trong hai năm là 268.209.000.000 đồng, được ngân sách thành phố, huyện hỗ trợ 55.809.000.000đ chiếm 20,8% (Kinh phí Đề án hỗ trợ 9.400.000.000đ), vốn nông dân là 225.600.000.000đ chiếm 84,1% (Trong đó, vốn tự có trong dân là 160.081.000.000đ (59,68%) và vốn vay các tổ chức tín dụng là 52.319.000.000 đ (19,50%)). Điều này cho thấy khả năng đầu tư trong dân bằng vốn tự có là rất lớn.
Trong tổng số kinh phí đầu tư cho chương trình, kinh phí đầu tư cho CGH trong trồng trọt là 184.509.000.000đ (68,28%). Kinh phí đầu tư cho CGH chăn nuôi là 83.700.000.000đ (31,72%). Điều này cho thấy kinh phí đầu tư cơ giới hóa cho trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn hơn, do thành phố tập trung đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa nên nhu cầu đầu tư cơ giới hóa cho trồng trọt hai năm 2013-2014 và các năm tới là rất lớn.
3. Công tác đào tạo huấn luyện, tham quan học tập, thông tin tuyên truyền
- Trong hai năm, đã tổ chức 11 lớp tập huấn chuyên sâu cho 192 kỹ thuật viên cơ sở ở 14 huyện về quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp.
- Tổ chức 44 lớp tập huấn diện rộng cho 1.320 người về kỹ thuật sử dụng, bảo dưỡng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp ở 16 huyện, thị xã.
- Tổ chức đoàn cán bộ (16 người) đi thăm quan học tập tại các tỉnh phía nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang) về: Cơ chế chính sách; Các mô hình điển hình về cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp.
- Tổ chức hội thảo chuyên đề về mạ khay, máy cấy mời chuyên gia có kinh nghiệm của Thanh Hóa có hướng dẫn và chuyển giao công nghệ.
- Đã triển khai và tổ chức nhiều mô hình trình diễn cơ giới hóa và dịch vụ đồng bộ như mô hình mạ khay máy cấy, mô hình sử dụng giàn xạ đã được nhiều địa phương hưởng ứng tích cực.
- Đã tổ chức các hội nghị khách hàng để giới thiệu máy móc, thiết bị của các hãng sản xuất trên thế giới như Kubota (Nhật Bản), Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam để khách hàng có sự lựa chọn.
- Đã phối hợp với trung tâm khuyến nông quốc gia tổ chức hội thi máy gặt đập liên hợp. Hội thảo @ về giải pháp phát triển mạ khay máy cấy ở các tỉnh phía bắc, nhằm lựa chọn máy gặt đập liên hợp, phù hợp với các địa phương.
Xây dựng 2 phóng sự về cơ giới hóa sản xuất lúa và cơ giới hóa chăn nuôi lợn, gà để tuyên truyền, khuyến cáo kết quả thực hiện chương trình cơ giới hóa nông nghiệp Hà Nội năm 2013.
4. Hiệu quả kinh tế, xã hội
Hiệu quả kinh tế: Từ việc đầu tư cơ giới hóa đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi từ 10-15%; giảm chi phí sản xuất từ 0,7-2,8 triệu đồng/ha/vụ sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 2-3%, đảm bảo tính thời vụ, nâng cao chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu quả đầu tư vào cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,15 đến 1,2 lần so với lao động thủ công.
Hiệu quả xã hội: Đã góp phần giải phóng sức lao động nông thôn, giảm bớt khó khăn, nặng nhọc cho người nông dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.
II. Một số tồn tại, nguyên nhân
- Nông nghiệp Hà Nội vẫn chủ yếu là nông nghiệp nông hộ quy mô nhỏ, tính hợp tác, tính hàng hóa thấp nên việc đầu tư cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn nhất là các loại máy có công suất lớn.
- Mô hình cơ giới hóa trong sản xuất lúa: Một số nội dung thực hiện chưa đạt được theo kế hoạch đề ra như mô hình máy làm đất công suất ≤ 20 HP chỉ đạt 61% máy cấy đạt 53%, máy phun thuốc trừ sâu đạt 77% là do một số hộ tham gia thực hiện mô hình chưa đủ điều kiện về vốn đối ứng, các địa phương đã dồn ô đổi thửa nên một số cơ sở xin điều chỉnh chuyển điểm và chuyển đối tượng máy, móc thiết bị.
- Mô hình cơ giới hóa trong chăn nuôi: mô hình đạt được 50% theo kế hoạch đề ra, nguyên nhân là do vốn đầu tư ban đầu cao, hiệu quả trong chăn nuôi thấp do vậy người dân không dám mạnh dạn đầu tư để thực hiện mô hình.
- Sự quan tâm chỉ đạo của cấp Ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quyết liệt còn ỉ lại vào Thành phố nên chưa có các giải pháp mang tính đột phá để tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc triển khai thực hiện chương trình.
- Chính sách của Trung ương (Quyết định 68/2013/QĐ-TTg đã ban hành xong tuy nhiên các hộ nông dân chưa mua được máy nào do việc tiếp cận xin vay vốn của ngân hàng nhà nước rất khó khăn). Chính sách của Thành phố đã ban hành nhưng còn thiếu thực tế, mặc dù nhu cầu đầu tư cơ giới hóa vẫn tăng nhưng không được người dân tiếp nhận, do chính sách hỗ trợ trực tiếp thấp, thủ tục vay vốn rườm rà, tổ chức triển khai chính sách chậm. (Sau gần 2 năm có 55 hộ nhận tiền hỗ trợ lãi suất năm 2013, hiện nay đang trình UBND thành phố xin hỗ trợ lãi xuất năm 2014.
- Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, đội ngũ sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo hoặc trang bị những kiến thức cơ bản nên quá trình thực hiện gặp khó khăn, trong khi các cơ sở dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp còn chưa được hình thành tại các địa phương.
- Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp nông thôn chậm đổi mới. Kinh tế trang trại, kinh tế nông hộ quản lý quy mô nhỏ bé, kinh tế hợp tác hoạt động kém hiệu quả.
- Công nghiệp chế tạo máy thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp trong nước chưa được quan tâm đúng mức, chậm phát triển hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài, giá thành cao nên mặc dù có nhu cầu nhưng người nông dân không có khả năng để đầu tư trong khi mức vay vốn từ quỹ tín dụng lãi xuất cao và còn gặp khó khăn.

PHẦN III
MỤC TIÊU NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP
PHÁT TRIỂN CƠ GIỚI HÓA NĂM 2015

I. Mục tiêu.
1. Ngành trồng trọt.
- Làm đất: Nâng tỷ lệ cơ giới hóa từ 90% (năm 2014) lên 95%.
- Cấy: Nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu cấy từ 2,0% (năm 2014) lên 8%.
- Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh: nâng tỷ lệ phun thuốc phòng trừ sâu có động cơ từ 28,8% (năm 2014) lên 35%.
- Thu hoạch: Nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gặt đập từ 13,5% (năm 2014) lên 25%
2. Ngành chăn nuôi.
- Bò sữa: Nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu vắt sữa từ 37,7% (năm 2014) lên 45%.
- Lợn: Nâng tỷ lệ hệ thống làm mát chuồng nuôi từ 5,2% (năm 2014) lên 10%, nâng tỷ lệ hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động từ 24,6% (năm 2014) lên 30%.
- Gà: Nâng tỷ lệ hệ thống làm mát chuồng nuôi từ 11,9% (năm 2014) lên 15%, nâng tỷ lệ hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động từ 26,4% (năm 2014) lên 30%.
3. Ngành thuỷ sản: Nâng tỷ lệ hệ thống quạt nước từ 7,5% lên 11%.
II. Nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm.
1. Đổi mới đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
a. Đối với nghành trồng trọt: Đầu tư 204 máy làm đất các loại đảm bảo cho 5.100 ha, đầu tư 612 máy cấy đảm bảo được 6.100 ha, đầu tư 184 máy phun thuốc trừ sâu có động cơ đảm bảo cho 5.504 ha.
b. Đối với nghành chăn nuôi: Đầu tư 1.050 máy vắt sữa đảm bảo cho 6.300 con bò sữa, đầu tư cho 176 hệ thống làm mát đảm bảo cho 70.464 con lợn, 198 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động đảm bảo cho 79.272 con lợn, 94 hệ thống làm mát cho 468.000 con gà, 112 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động cho gà đảm bảo cho 561.600 con gà.
c. Ngành thuỷ sản: Đầu tư 578 hệ thống quạt nước, đảm bảo 1.155 ha nuôi cá.
2. Tăng cường đào tạo huấn luyện, thăm quan học tập mô hình, thông tin tuyên truyền về nội dung cơ giới hóa.
- Tổ chức 50 lớp tập huấn cho 1.500 người về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy, tiến bộ cơ giới hóa.
- Tăng cường thời lượng tuyên truyền về chủ trương chính sách của Thành phố về phát triển cơ giới hóa, tổ chức trong kiểm tra rút kinh nghiệm và biểu dương các điển hình tiên tiến trong việc triển khai chương trình.
- Tập trung xây dựng các mô hình thí điểm về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
3. Tổ chức thực hiện chính sách có hiệu quả.
- Tiếp tục triển khai và thực hiện nghị định số 02 của chính phủ về công tác khuyến nông, quyết định số 68 của Chính Phủ, quyết định số 16 của UBND thành phố về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trong đó khuyến khích phát triển cơ giới hóa.
- Tham mưu cho UBND Thành phố điều chỉnh quyết định 16 cho phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương trên địa bàn Thành phố.
- Khuyến khích các huyện có nhiều chính sách sáng tạo để đẩy nhanh chương trình cơ giới hóa trên địa bàn các huyện
4. Tiếp tục đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, hoàn thành các vùng sản xuất trồng lúa chuyên canh tập trung.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa tại các huyện đảm bảo hoàn thành năm 2015 có 90% diện tích đất nông nghiệp được dồn điền đổi thửa.
- Tiếp tục triển khai các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo điều kiện cho phát triển cơ giới hóa.
5. Củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện để các Hợp tác xã nông nghiệp là nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa.
III. Kiến nghị và Đề xuất.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 02/2010/NĐ-CP ngày 8/01/2010 của Chính phủ về công tác Khuyến nông. Thông tư 183/2010/TTLB-BTC-BNN ngày 75/11/2010 về hướng dẫn chế độ quản lý sử dụng kính phí ngân sách cấp đối với hoạt động khuyến nông về mức hỗ trợ khuyến khích phát triển cơ giới hóa nông nghiệp.
Đề nghị UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố xem xét bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 04 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp để phù hợp với sản xuất tập trung, khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như sau:
- Được vay vốn từ Quỹ Khuyến nông Thành phố, mức vay, thời gian vay theo quy định của Điều lệ quản lý quỹ. Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% phí vốn vay. Thời gian hỗ trợ phí vốn vay tối đa 36 tháng.
- Trường hợp tự huy động nguồn vốn để mua máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp được hỗ trợ một lần, mức hỗ trợ bằng 18 tháng lãi xuất ngân hàng nông nghiệp tại thời điểm mua máy. Giá trị để tính lãi suất hỗ trợ bằng 100% giá trị mua máy theo hóa đơn bán hàng hợp lệ.
- Đề nghị Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam chi nhánh các huyện tạo cơ chế thông thoáng cho các hộ nông dân, chủ trang trại vay vốn để đầu tư máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp./.

Nguồn: "Báo cáo Kết quả thực hiện chương trình cơ giới hóa nông nghiệp năm 2013 - 2014, Kế hoạch trọng tâm năm 2015" của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tại Hội nghị Cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày 12 tháng 6 năm 2015
 




Back
Top