Kinh nghiệm nuôi siêu sâu (sâu gạo)

  • Thread starter haosev
  • Ngày gửi
Siêu sâu hay còn được gọi là sâu gạo, khi trưởng thành, chúng dài khoảng 6-8cm. Loài sâu này rất dễ nuôi, sống rất lâu và không cần sự bảo quản kỹ. Siêu sâu là thức ăn khoái khẩu và bổ dưỡng của nhiều loại chim ăn sâu cũng như một số loài cá cảnh.

Nuôi sâu gạo chi phí đầu tư ban đầu, chi phí thức ăn hàng ngày không đáng kể. Sau thời gian nuôi khoảng 2 tháng là bà con có thể xuất bán. Giá bán tại nhà một kg là 250 nghìn đồng. Như vậy, nếu nuôi với số lượng nhiều, nuôi sâu cũng có thể mang lại nguồn thu nhập đáng kể.


Siêu sâu( sâu gạo)

Ông Nguyễn Văn Dân ở thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa đã có 4 năm kinh nghiệm nuôi sâu gạo. Nghề nuôi siêu sâu đã đem lại cho ông nguồn thu nhập ổn định. Sau đây là những chú ý của ông Dân khi nuôi sâu gạo.

Môi trường nuôi

Nhiệt độ thích hợp cho giống sâu này sinh trưởng phát triển là từ 21-27 độ C. Sâu gạo chịu lanh rất kém. Ở nhiệt độ dưới 17 độ C, chúng sẽ chết một cách mau chóng. Nếu nhiệt độ hạ thấp hơn mức 22 độ C, trứng sẽ không nở được. Vì vậy, vào mùa đông, cần giữ ấm cho sâu.

Theo ông Dân, với đặc điểm về thích ứng với nhiệt độ như vậy của sâu gạo, miền Nam có thể nuôi loại sâu này được quanh năm, còn miền Bắc, chỉ nuôi được trong mùa thu và mùa hè.

Một điểm cần chú ý nữa trong quá trình nuôi dưỡng sâu gạo là bà con không được để chúng tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp. Bởi, tiếp xúc trực tiếp chúng có thể bị mất nước và chết. Do vậy, vị trí đặt nuôi sâu phải là nơi thoáng, râm mát.

Thùng nuôi

Sâu gạo có thể nuôi được trong thùng nhựa, chậu nhựa, bể kính hay thùng xốp. Tuy vậy, để tiết kiệm chi phí bà con nên sử dụng thùng hay chậu nhựa để nuôi. Thể tích thùng nuôi 40 lít nước có thể chứa được khoảng 1000 con sâu.

Ông Dân sử dụng chậu nhựa để nuôi sâu gạo. Ông Dân cho biết:“Chậu đường kính này là 60cm, chiều cao 20cm. Cái chậu này mình nuôi được khi sâu trưởng thành là 2kg sâu. Khi mà mình cho sâu sinh sản ra, ở mỗi cái chậu này thì mình để 300 con sâu mẹ . Chúng đẻ trong vòng 1 tuần thì mình thay sang chậu khác, lượng như vậy thì khi nó nở trứng lên là được.”

Chú ý, với thùng hay chậu nuôi sâu, không nên đặt trực tiếp xuống đất. Bà con có thể đặt lên kệ kê cách mặt đất 30cm trở lên. Với khoảng cách này độ ẩm, độ thông thoáng được đảm bảo. Không những thế, các đối tượng khác cũng không tấn công, xâm hại sâu được.

Các chậu nuôi sâu gạo của ông Dân

Trước khi cho sâu vào nuôi trong chậu, bà con cần phải rải một lớp cám màu vàng, hoặc 1 lớp trấu xuống đáy. Độ dày là từ 3 – 10cm. Lớp nền này vừa có tác dụng giúp sâu lẩn trốn lại tránh được ánh sáng.

Bà con cần đảm bảo độ ẩm thường xuyên cho sâu. Bởi, chúng có thể tấn công lẫn nhau để đáp ứng nhu cầu nước của bản thân. Do vậy, hàng ngày bà con có thể phun sương, giữ ẩm đều trên bề mặt lớp trấu. Ông Dân chú ý: “Tưới là tưới phun sương chứ không phải đổ nước xuống. Mình phun giống với sương như thế này thôi, chứ không tưới ướt sũng thì là nhiều nước quá là sâu nó chết. Tưới đều trên mặt là chỗ nào cũng có nước ướt đều.”

Ông Dân tưới phun sương trên bề mặt lớp trấu

Thông thường, nếu lớp trấu vẫn giữ được độ tơi xốp thì từ lúc bắt đầu nuôi đến lúc xuất bán sâu thì mới phải thay lớp trấu khác.

Thức ăn và cách cho ăn

Thức ăn của sâu gạo rất dễ tìm, chủ yếu là cám lúa gạo, hoặc cám công nghiệp. Ngoài ra, bà con còn có thể tận dụng vỏ dứa, dưa hấu đã chín, bã mía, mì vụn, ruột cá, đầu cá rửa sạch, cho vào nồi nấu chín làm thức ăn. Thông thường, bà con có thể sử dụng cám cho gà con để làm thức ăn chính cho sâu.

Trong thực tế có nhiều cách cho sâu gạo ăn. Nếu sử dụng chính cám làm lớp lót thì khi nào thấy sâu ăn hết, bà con lọc chất thải đi và lại tiếp tục rải cám cho chúng.

Chú ý tưới phun sương trước, sau đó mới rải cám cho sâu ăn

Thời gian thay có thể là 1 tuần 1 lần hoặc tới 2 tháng 1 lần. Điều này tùy thuộc vào độ lớn và khả năng tiêu thụ cám của sâu.

Nếu sử dụng trấu rải xuống đáy thùng, hàng ngày bà con phải cho sâu ăn. Nói về số lượng thức ăn cho sâu ăn, ông Dân cho biết: “Thùng 2kg thì mỗi ngày mình cho ăn 2 lạng cám, đó là khi sâu gần đến ngày xuất bán rồi. Còn khi khi mà chúng bé thì mình chỉ cho ăn ít hơn, tùy thuộc vào sức ăn của sâu.”

Về thời gian cho ăn, bà con có thể cho chúng ăn buổi sáng hoặc buổi chiều. Nhưng ông Dân chú ý là bà con nên cho sâu ăn sau khi tưới phun sương giữ độ ẩm cho lớp trấu lót, để tránh cám bị nhiễm nước, không tốt cho sâu khi tiêu hóa.

Bên cạnh thức ăn tinh, trong quá trình nuôi dưỡng, bà con cũng cần bổ sung thêm thức ăn thô xanh cho sâu. Nguồn thức ăn này sẽ đáp ứng tốt hơn nguồn nước cũng như nguồn vitamin cho chúng. Cần chú ý là thức ăn phải đảm bảo tươi mới và sạch sẽ.

Về cách cho ăn, ông Dân cho biết: “Cách cho ăn là ta để rải đều lên mặt cái chậu ấy, xong rồi thế là nó tự nó bò lên nó ăn thôi. Rau này mình cho ăn độ nửa lạng rau, 50 gam.”

Cho sâu ăn cả thức ăn tinh và thức ăn thô xanh

Ngoài ra, nếu muốn thêm chất bổ dưỡng cho các đối tượng tiêu thụ sâu như cá rồng hay những loài chim quý, bà con có thể cho vào khẩu phần ăn của sâu các loại thức ăn khô đã có sẵn vitamin. Khi chúng đã ăn no các thức ăn bổ dưỡng(sau 24 tiếng) thì nhặt cho cá hay chim ăn.
 




Back
Top