Kỹ thuật vỗ béo bò thịt

  • Thread starter tiduta
  • Ngày gửi
Vỗ béo là quá trình nuôi dưỡng đặc biệt với khẩu phần ăn có giá trị dinh dưỡng đầy đủ nhằm thu được ở con vật một lượng thịt tối đa.
1. Mùa vụ vỗ béo: Có thể thực hiện vỗ béo bò quanh năm nếu người chăn nuôi chuẩn bị đủ thức ăn cho bò. Cần lưu ý khi vỗ béo bò vào mùa đông xuân tránh để bò bị thiếu thức ăn thô xanh, bị rét ảnh hưởng tới sức khỏe của bò và mất nhiều công chăm sóc.
2. Thời gian vỗ béo: Thời gian vỗ béo tùy thuộc vào phương thức vỗ béo, thức ăn, giống bò. Nếu thời gian vỗ béo quá ngắn thịt sẽ nhiều nước, thời gian vỗ béo dài thích hợp, chất lượng thì sẽ cao hơn.
Thời gian vỗ béo tùy thuộc vào tuổi, độ béo của bò trước khi vỗ béo và yêu cầu thị trường về khối lượng thịt và chất lượng thịt. Thông thường thời gian vỗ béo có hiệu quả từ 60-90 ngày.
3. Kỹ thuật nuôi bê sinh trưởng trước vỗ béo
- Nuôi chuẩn bị bê để vỗ béo sớm sau cai sữa
Phương pháp nuôi chuẩn bị bê để vỗ béo sớm sau cai sữa là phương pháp nuôi huấn luyện bên ngay sau khi cai sữa để đưa đi vỗ béo ở một nơi khác. Thời gian nuôi chuẩn bị này thường kéo dài khoảng 30-45 ngày. Mục tiêu của giai đoạn này là bê khỏe mạnh và chuẩn bị cho chúng bước vào vỗ béo được tốt. Thức ăn hạt trong thời kỳ cai sữa nên hạn chế tới mức tối thiểu.
Chương trình nuôi huấn luyện thường bao gồm:
+ Cai sữa bê trước khi chuyển đi vỗ béo. Bước này làm giảm đáng kể stress cho bê trong quá trình cai sữa, vận chuyển và tân đáo tại cơ sở vỗ béo.
+ Tiêm phòng cho bê khi còn theo mẹ và tiêm phòng tăng cường trước khi xuất khỏi trại.
+ Chuẩn bị cho bê bước vào vỗ béo bằng cách giúp chúng làm quen với việc lấy thức ăn từ máng và uống nước từ vòi. Để bê quen với uống nước từ vòi trong thời gian đầu có thể để vòi nước chảy liên tục trong một thời gian để cho bê nghe tiếng nước chảy. Âm thanh quen thuộc của tiếng nước chảy sẽ làm cho bê đến với vòi nước.
Trong thời gian này cung cấp thức ăn hạt chất lượng tốt hay thức ăn bổ sung đạm ở dưới dạng cỏ khô. Dùng thức ăn ngon miệng để làm cho bê đến với máng ăn. Không dùng các loại thức ăn lên men như cỏ ủ chua trong 4-7 ngày đầu vì hầu hết bê chưa quen với mùi của những thức ăn này. Không dùng thức ăn nghiền mịn vì như vậy sẽ có nhiều bụi và tính ngon miệng sẽ giảm. thức ăn bột khô có thể dễ làm cho bê mắc các bệnh hô hấp sau khi mới cai sữa.
- Các phương thức nuôi bê trước vỗ béo
+ Nuôi bê qua đông: Phương pháp này sử dụng nhiều thức ăn thô (cỏ khô, phụ phẩm nông nghiệp, cỏ tự nhiên…) để nuôi bê với tăng trọng thấp trong vụ đông trước vỗ béo. Thông thường phương pháp này được áp dụng để chuẩn bị bê trước khi đưa ra chăn thả vỗ béo trên đồng cỏ vào vụ hè tiếp đó. Mục đích của phương pháp này chỉ đơn thuần là giảm thiểu chi phí thức ăn trong vụ đông mà vẫn bảo toàn được bê khỏe mạnh. Khi cho bê ra chăn thả trên đồng cỏ (khoảng 12-15 tháng tuổi) vào vụ cỏ tốt bê sẽ có sinh trưởng bù và do vậy giá thành tăng trọng sẽ thấp. Phương pháp này không thích hợp với giống bò to vì thời gian nuôi dài ngày chúng sẽ quá lớn so với yêu cầu của thị trường. Phương pháp này chủ yếu với bò có tầm vóc nhỏ.
+ Nuôi bê sinh trưởng vừa phải: Phương pháp này thường sử dụng kết hợp thức ăn thô và bổ sung một lượng thức ăn tinh nhất định để nuôi bê có được tăng trọng vào khoảng 0,7-1,1kg/con/ngày. Phương pháp này phù hợp với bò có tầm có trung bình.
+ Nuôi bê sinh trưởng nhanh: Phương pháp này nuôi bê sinh trưởng càng nhanh càng tốt. khẩu phần ăn cho bê có lượng thức ăn tinh gần với lượng thức ăn tinh có trong khẩu phần vỗ béo. Tăng trọng mong muốn theo phương pháp này là 1,3kg/con/ngày. Đây là phương pháp phù hợp với các giống bò có tầm vóc to. Phương pháp này giúp khai thác được tiềm năng di truyền của các giống bò thịt có tốc độ sinh trưởng nhanh. Tuy nhiên, phương pháp pháp này đòi hỏi phải có trình độ chăm sóc nuôi dưỡng cao vì bê dễ bị rối loạn tiêu hóa.
4. Đối tượng vỗ béo
- Vỗ béo bê bú sữa
Loại bê đưa vào vỗ béo: bê hướng sữa, bê hướng thịt, bê hướng thịt không đủ tiêu chuẩn làm giống.
Thức ăn: sữa nguyên và sữa thay thế với lượng 12-16 lít/con/ngày. Đồng thời bổ sung thêm thức ăn thô, thức ăn tinh và củ quả.
Yêu cầu tăng trọng: 700-1000 g/con/ngày
- Vỗ béo bê sau cai sữa
Loại bê đưa vào vỗ béo: bê sau cai sữa, bê đã qua thời gian huấn luyện 30-45 ngày.
Thức ăn: thức ăn xanh cho ăn tự do theo yêu cầu, thức ăn tinh chiếm 20-35% gia trị năng lượng của khẩu phần.
- Vỗ béo bò non
Loại bò đưa vào vỗ béo: bò ở lứa tuổi 1-1,5 tuổi.
Khẩu phần gồm: thức ăn thô được cung cấp tự do theo nhu cầu của bò, thức ăn tinh 30% giá trị năng lượng của khẩu phần.
- Vỗ béo bò trưởng thành
Loại bò đưa vào vỗ béo: bò sữa, bò thịt sinh sản, bò cày kéo, bò già, bò gầy… bị loại thải được nuôi vỗ béo để tận thu lấy thịt.
Thức ăn dùng vỗ béo bò bao gồm; thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin… căn cứ vào nguồn thức ăn sẵn có để lựa chọn nguyên liệu thức ăn chính như sau:
+ Thức ăn thô xanh: cá loại cỏ, thức ăn ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm công nghiệp (bã bia, bã rượu, rỉ mật, bã đậu, bã dứa, vỏ hoa quả) chiếm tỷ lệ 55-60% vật chất khô trong khẩu phần.
+ Thức ăn tinh: là các loại hạt ngũ cốc, họ đậu, cám (cám gạo, cám mỳ…), các loài khô dầu, thức ăn hỗn hợp… chiếm 40-45% vật chất khô trong khẩu phần.
Trên cơ sở các loại nguyên liệu thức ăn trên bổ sung khoáng và vitamin phối hợp thành phần hoàn chỉnh để vỗ béo bò.
5. Phương thức vỗ béo
Trong điều kiện của nước ta hiện này, một số lượng lớn trâu bò sau một thời gian sử dụng không còn khả năng sinh sản, làm việc được nữa và được giết thịt. Loại trâu bò này thường gày yếu, tỷ lệ thịt thấp và chất lượng thịt không cao. Phương thức vỗ béo chủ yếu là chăn thả trên đồng bãi, kết hợp với thêm cỏ, rơm và thức ăn tinh tại chuồng.
Thời gian vỗ béo thường là 3 tháng:
- Tháng thứ nhất: Tiến hành dọn vệ sinh chuồng trại, tẩy giun sán cho trâu bò và cho ăn đủ rơm, cỏ. Đối với những con gầy yếu thì cho ăn thêm các loại thức ăn giàu đạm để nhanh chóng phục hồi cơ thể, tạo đà cho những tháng tiếp theo.
- Tháng thứ hai: chăn thả gần, cho ăn cỏ thỏa mãn, tăng lượng thức ăn tinh, đảm bảo đủ nước uống.
- Tháng thứ ba: cung cấp cho trâu bò loại thức ăn giàu gluxit, chăn thả gần chuồn để hạn chế tiêu hao năng lượng và tăng tích mỡ.
Người ta đều biết rằng trâu bò là con vật sử dụng có hiệu quả thức ăn thuộc tất cả các loại hệ thống nuôi dưỡng. Trong điều kiện chăn nuôi gia đình ở nước ta có hai cách vỗ béo thích hợp là:
+ Vỗ béo bằng chăn thả: chăn thả trâu bò trên bãi chăn 8-10 giờ mỗi ngày để tận dụng cỏ tươi mà không tốn công cắt và vận chuyển về chuồng. Ban đêm bổ sung thêm thức ăn tinh và muối ăn. Cách vỗ béo này áp dụng cho những nơi có đồng cỏ chăn thả rộng và năng suất cỏ tươi nhiều, đảm bảo cho trâu bò mỗi ngày thu lượm được 20-25kg cỏ tươi.
+ Vỗ béo bằng hình thức bán chăn thả: áp dụng cho những nơi ít bãi chăn thả. Trâu bò chỉ tận dụng được một phần hoặc một nửa thức ăn trên bãi chăn. Phần còn lại phải bổ sung tại chuồng nuôi, trong đó lưu ý đến thức ăn tinh.
Dù áp dụng phương thức vỗ béo nào và với đối tượng trâu bò nào, việc bảo đảm nước uống cho trâu bò là rất cần thiết, đặc biệt là vào mùa khô hanh. Luôn đảm bảo bảo cho trâu bò có nước sạch và cho uống không hạn chế. Thiếu nước sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và dẫn đến giảm khối lượng cơ thể.
Để tăng tỷ lệ thịt, chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi, cần tiến hành vỗ béo bò trước khi giết thịt. Như vậy, sau khi kết thúc giai đoạn nuôi lớn (lúc 20-21 tháng tuổi) chuyển sang thời kỳ nuôi vỗ béo.
Ngoài loại bò kết thúc giai đoạn nuôi lớn, cũng nên vỗ béo các loại bò gầy, bò hết khả năng cho sữa hoặc bò cầy kéo (bò loại thải)
Trong trường hợp có nhiều bò cần vỗ béo, phải phân chia theo nhóm, đều về khối lượng và giới tính đê dễ chăm sóc và nuôi dưỡng.
Thông thường, yêu cầu tăng trọng bình quân 500-1000 g/ngày (tùy theo giống, loại bò đưa vào vỗ béo). Trong thời gian nuôi vỗ béo, cần tăng dần khẩu phần thức ăn tinh giàu năng lực, đồng thời hạn chế để bò vận động, nhất là vào cuối giai đoạn.

<!--Tac gia-->
Phùng Quốc Quảng - TTKNKNQG
 




Back
Top