Lâm nghiệp nên về Bộ Tài nguyên Môi trường

Hầu hết các ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra nên đưa lâm nghiệp về Bộ Tài nguyên Môi trường, bởi lẽ tình trạng quản lý chồng chéo làm vấn đề đa dạng sinh học (ĐDSH) đang bị ảnh hưởng.

Agriviet.Com-vooc-chan-nau-large.jpg

Nhiều động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao
Theo báo cáo của Cục Kiểm Lâm, từ năm 2010 đến hết tháng 10/2014, lực lượng này đã phát hiện và xử lý 14.716 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (bình quân 28.143 vụ/năm). Trong đó, vi phạm về khai thác gỗ trái pháp luật 12.425 vụ, vi phạm quản lý động vật hoang dã 3.823 vụ, vi phạm về mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật 71.654 vụ.
Tổng cục Đa dạng sinh học cho biết thời gian qua, nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động thực vật hoang dã gia tăng với quy mô lớn và xuyên quốc gia. Số lượng các cá thể của loài quan trọng, quý hiếm, đặc hữu đã giảm tới mức báo động, đặc biệt là các loài thú lớn và một số loài linh trưởng. Một số loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng rất cao một phần do vấn nạn này gây nên.

Agriviet.Com-B48441B0-3046-4F6C-B27D-5E96D428F3F2_mw1024_s_n.jpg

Nạn buôn bán trái phép lâm sản đang diễn ra rất mạnh mẽ
Mặc dù, Luật Đa dạng sinh học ở Việt Nam có hiệu lực thi hành từ năm 2009, tuy nhiên việc áp dụng luật vào thực tế còn là một câu chuyện dài. Lý giải nguyên nhân dẫn tới hiện trạng đa dạng sinh học suy giảm, bên cạnh những nguyên nhân về nhận thức và nguồn lực tài chính cho bảo tồn còn hạn chế, một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia đề cập tới chính là sự chồng chéo về chức năng và thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến tình trạng Luật đã có nhưng khó triển khai trong thực tế.
Tại Hội thảo Đa dạng sinh học Việt Nam: Thực trạng và Giải pháp được tổ chức ngày 24/11, Tiến sĩ Fernando Potess, một chuyên gia trong lĩnh vực chính sách môi trường cho rằng quản lý ĐDSH tại Việt Nam còn riêng biệt, chồng chéo.

Agriviet.Com-khai_thac_go.jpg

Nạn phá rừng đang diễn biến hết sức phức tạp
Trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý ĐDSH thì toàn bộ lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).
Việc quản lý các khu bảo tồn, một công cụ quan trọng để quản lý và bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam cũng có nhiều chồng chéo khi có sự tham gia của 2 Bộ và UBND các tỉnh. Hiện tại, bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý 6 khu bảo tồn là các rừng quốc gia. Trong khi đó, Bộ TNMT quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước. Tất cả các khu bảo tồn khác lại thuộc về trách nhiệm quản lý của UBNN.
Sự chồng chéo này đã dẫn tới việc phân chia trách nhiệm cũng như phối hợp giữa hại Bộ TNMT và NN&PTNT chưa rõ ràng và không hiệu quả.
Chia sẻ nhiều quan điểm với TS Potess, ông Huỳnh Minh Hoàng, Đại biểu quốc hội tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng nên đưa lĩnh vực lâm nghiệp và các khu bảo tồn về Bộ TNMT quản lý để tránh chồng chéo như hiện nay. Ông Hoàng lập luận cho rằng, rừng là tài nguyên tái tạo trong tự nhiên và cần phải bảo tồn, do vậy đặt lĩnh vực lâm nghiệp trong một bộ sản xuất như Bộ NN&PTNT là không hợp lý.
“Chừng nào công tác quản lý ĐDSH còn bị xé nhỏ, còn chưa quy về một mối thì ĐDSH còn bị suy giảm, các chủ trương, các luật pháp về bảo tồn ĐDSH dù có đúng đắn đến đâu cũng không đạt được kết quả và hiệu quả như mong đợi”, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết.
Agriviet​
 




Back
Top