Lúa, bắp xuống đường thành hoa kiểng Tết

“Mua lúa, bắp (ngô) về chưng Tết đi chú ơi để năm mới mà làm ăn có “lúa và chắc như bắp thì sẽ rất tốt”, đó là tiếng mời của người bán hoa kiểng (cảnh) trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh sáng nay 17-2 (tức 29 tháng Chạp). Lời mời giản dị, chân quê đã quyến luyến, làm nhiều người đi mua hoa thấy lạ và vui như Tết.


Lúa, bắp được bán trong dịp Tết ở TP Hồ Chí Minh.
Trên con đường Quang Trung, quận Gò Vấp, hàng trăm loại hoa truyền thống như: mai, cúc, vạn thọ, hướng dương…khoe sắc vàng rực mà nhà vườn, cùng thương lái lân cận đổ về đây bán dịp Tết, đã là nét đẹp văn hóa của người dân hàng trăm năm qua. Tết năm nay, nhất là trong mấy ngày qua, một số điểm bán hoa đã xuất hiện loại hàng dân dã, nhưng khá đặc biệt, là “hoa kiểng đặc sản”, thân thiện với nhà nông, đó là cây lúa và bắp. Sánh cùng những chậu hoa kiểng đủ loại sắc màu rực rỡ, những bụi lúa hạt vàng óng ả và những bụi bắp có trái xanh mơn mởn được đặt gọn gàng trong các chậu. Là sản phẩn đồng quê, nhưng không hề lép vế về màu sắc và độ hấp dẫn. Điều quan trọng nó gợi nhớ trong mỗi chúng ta về một miền quê yên ả, với những ruộng lúa, nương ngô. Một loại lương thực đã nuôi lớn khôn những thế hệ người con đất Việt.

Ôm hai chậu lúa tươi tốt trĩu hạt vừa chín tới chất lên xe máy, ông Thạch Sang (nhà ở phường 12, quận Gò Vấp) hả hê cho biết: Trả giá dữ lắm nên mua được cặp chậu lúa này 120 nghìn đồng, giá này đã tăng gấp đôi so với Tết năm trước. Theo ông Sang, làm thầu xây dựng trước tình hình kinh tế đất nước tiếp tục phát triển ổn định nên tin rằng năm nay người dân xây dựng nhà cửa nhiều. “Vì vậy rất hy vọng năm nay sẽ làm ăn được và thu nhập tốt, nói theo cách của nhà nông là có “lúa” (theo người dân Nam bộ là có Tiền), nên tôi mua lúa về trưng Tết để cầu gì được nấy”, ông Sang giải thích thêm.

Đặt chậu lúa lên xe máy và buộc lại dây ràng cho khách, “làm thêm chậu bắp nữa đi, đã làm ăn đã có lúa, thì cần làm chắc như bắp mới đủ bộ”, người bán lúa và bắp trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp- TP HCM), tên Nguyễn Thanh Duy đang tán vui với một người mua hoa kiểng Tết. Đến từ huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, Nguyễn Thanh Duy cho biết: Đây là năm thứ hai về TP Hồ Chí Minh để bán lúa và bắp cho những người nhớ về “thời xa vắng”, là làm sống lại kỷ niệm của những người từ quê ra phố. “Trong hai ngày qua tôi đã bán được khá nhiều, với giá 140-150 nghìn đồng/cặp chậu bắp và 120-150 nghìn đồng/cặp chậu lúa”, anh Duy hớn hở khoe.

Có cầu ắt có cung. Thực tế, nhiều năm nay, cây lúa và cây bắp xuống đường thành hoa kiểng Tết tại đường hoa Nguyễn Huệ, năm nay đã chuyển qua đường Hàm Nghi, TP Hồ Chí Minh. Theo phong tục, Tết đến xuân về, người Việt Nam ở mọi miền đất nước đều trưng hoa và quả để cúng tổ tiên, ông bà. Với các loại hoa thì có nhiều trăm loại. Về quả, với người phương Nam, đã thành thông lệ khi mỗi gia đình luôn lựa chọn mâm ngũ quả vào ngày Tết với những loại trái cây có thể ghép thành tên ý nghĩa tượng trưng cho sự an lành, thịnh vượng và làm ăn phát đạt để dâng lên tổ tiên, ông bà như: mãng cầu, thơm (hoặc sung), dừa, đu đủ, xoài mà khi ghép lại thành mâm ngũ quả có tên rất hay “cầu thơm vừa đủ xài” (hoặc “cầu sung vừa đủ xài”- theo ngôn ngữ Nam bộ, thơm là quả Dứa, cầu là quả mãng cầu, hay quả na, còn vừa là quả Dừa và xài đó là quả xoài).

Từ quan niệm mâm ngũ quả trên, dân gian lại sáng tạo thêm để ứng vào các loại hoa trưng Tết, trong vài năm gần đây cứ dịp Tết đến, một số nông dân Tây Ninh đưa cây lúa, cây bắp về TP Hồ Chí Minh để bán. Lâu dần thành quen, hai loại ngũ cốc nuôi sốn con người đã trở thành loài hoa kiểng để người dân trưng trong những Tết. Văn minh lúa nước vẫn trường tồn từ hàng ngàn năm qua với dân tộc Việt. Với cây lúa trĩu hạt tượng trưng cho một năm mưa thuận gió hóa và được mùa, việc này được nhiều người dân buôn bán và làm ăn xem “có lúa” để chỉ cho công việc làm ăn thuận lợi và thu nhập tốt; còn cây bắp ví von việc làm ăn đó chắc chắn như hạt bắp. Chính vì vậy mà cây lúa, cây bắp xuất hiện trong vài cái Tết qua đã nhanh chóng hòa nhập vào dòng hoa kiểng trên đường phố Tp. Hồ Chí Minh vào dịp Tết đến xuân về.
LÊ THẨM - TRỊNH BÌNH
Nguồn: nhandan.com.vn/
 
Chụp thêm vài tấm hình để xem thử đẹp như thế nào đi tác giả. Nghe đẹp nhưng chưa thấy rõ lắm.
 
Back
Top