Lửa thiêu hàng trăm tỷ đồng mía

Hàng trăm ha mía cháy đen, khiến hàng ngàn nông dân lao đao. Thế nhưng, cách duy nhất mà chính quyền ở tỉnh Gia Lai làm để bảo vệ nông dân đến nay chỉ dừng lại ở mức... gửi công văn.
Những mùa mía đắng Chỉ 2 tháng qua, tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa đã xảy ra đến 443 vụ cháy mía, làm thiệt hại hơn 607ha với tổng giá trị thiệt hại lên đến hơn 33 tỷ đồng, tăng hơn năm ngoái hơn 2 lần. Vào cuối vụ, nạn cháy mía có phần giảm đi song bất kỳ lúc nào chuyện này cũng có thể xảy ra với những người nông dân khốn khổ.
18-5.jpg
Từ năm 2005 đến nay, hàng ngàn nông dân trồng mía tại Gia Lai đã phải chịu thiệt hại nặng nề do ruộng mía bị kẻ xấu phá hoại.
Nhà anh Nguyễn Minh Sơn (thôn Kim Năng 2, xã Ama Rơn, huyện Ia Pa, Gia Lai) cái ăn chỉ nhờ vào 3ha mía. Thế nhưng, chỉ trong chốc lát “bà hỏa” đã thiêu rụi toàn bộ diện tích đó. “Với 3ha mía bị cháy, năng suất sẽ mất hơn 40 tấn, mất thêm 32 triệu đồng tiền hao hụt, 24 tấn tạp chất (24 triệu đồng), giá hạ xuống mất 50 đồng/kg, lại tốn thêm bù công 24 triệu đồng. Chỉ tính chừng ấy, tôi đã mất gần trăm triệu. Nếu không thu hoạch kịp để bán, thiệt hại còn lớn hơn nhiều”- anh Sơn tính. Nằm ở giữa đồng trống, nhưng 2ha mía của bà Lê Thị Loan (cùng thôn) cũng vừa bị cháy cách đây mấy ngày. “Nếu không có kẻ ác rắp tâm, chắc hẳn ruộng mía của tôi không thể cháy. Xung quanh không nhà cửa, giữa đồng không mông quạnh lấy đâu ra lửa? Tính sơ sơ, tôi đã mất đứt 40 triệu đồng. Trong khi đó, làm quần quật cả năm, mỗi ha mía cho thu lợi nhuận chỉ chừng 30 triệu đồng”- bà Loan bức xúc. Đông Gia Lai mùa này khắp nơi cỏ cây khô cháy. Những ruộng mía đang đến kỳ thu hoạch cũng chỉ còn phần đọt điểm chút màu xanh. Nắng, gió không chỉ khiến ruộng mía trở thành những đám lá giòn tan mà còn là “chất xúc tác” để cho mồi lửa nhỏ xíu nhanh chóng trở thành biển lửa. Mía cháy, nông dân lao ra đồng dập. Song chưa có bất kỳ ai có thể cứu được ruộng mía khi gặp lửa. Trong đau xót, nhưng họ - những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chỉ còn biết ngửa mặt kêu trời. Ở cái vùng đất khô cằn ấy, nếu không trồng cây mía thì nông dân cũng chẳng biết làm gì để sống. “Trời kêu ai nấy dạ” - họ đành tự an ủi nhau như thế. Ai cứu nông dân? Đã gần 10 năm qua, nạn cháy mía trở thành nỗi đau cho hàng ngàn nông dân trồng mía ở Gia Lai. Mía cháy, không chỉ nông dân mà Công ty Mía đường- Nhiệt điện Gia Lai (SEC- đơn vị đầu tư vùng nguyên liệu) cũng thiệt hại rất lớn do khâu xử lý tạp chất tốn kém mà lượng đường cho ra rất thấp. Vì thế năm nào SEC cũng cho người túc trực, vận động từng hộ dân cùng nhau phòng lửa. Đặc biệt, năm nay SEC đã thành lập 4 đội phòng cháy chữa cháy túc trực ngày đêm cùng nông dân. Đồng thời, cứ mỗi 5ha SEC, lại cắt ô làm ranh chống lửa. Ngoài ra, SEC còn hỗ trợ kinh phí cho 20 xã có vùng nguyên liệu mía để tăng cường các biện pháp phòng cháy; thành lập đội kiểm soát viên với 60 người quản lý bằng công nghệ GPS… Thế nhưng, không vì thế mà diện tích mía cháy được giảm đi, ngược lại đây là năm mà vùng nguyên liệu mía của SEC bị cháy nhiều nhất. Ông Nguyễn Văn Lừng- Phó Tổng Giám đốc SEC- khẳng định: “Chắc chắn trong nhiều vụ mía cháy có bàn tay của kẻ xấu. Họ nhằm buộc nông dân phải bán mía ra ngoài với giá rẻ hơn”. Nhận định của ông Lừng hoàn toàn có cơ sở và chính quyền địa phương cũng cùng quan điểm đó. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong niên vụ này đã có hàng trăm nông dân chấp nhận bán mía nợ với giá rẻ hơn cho Công ty Rượu Vạn Phát (huyện Sơn Hòa, Phú Yên). Và hiện tại, mỗi ngày hàng trăm tấn mía vẫn được người dân bán ra ngoài với giá thấp hơn giá SEC mua. Ông Nguyễn Văn Đạt ở thôn Kim Năng 2, một người bán mía ra ngoài cho biết: “Theo kế hoạch, đám mía của tôi sẽ thu hoạch vào tháng 5. Nhưng trước tình trạng mía cháy liên miên, tôi chẳng dám giữ. Dù biết có thiệt nhưng nếu bị cháy thì còn thiệt hơn gấp nhiều lần”. “Nếu ai đó vô tình làm mía cháy mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì vẫn đủ yếu tố để khởi tố hình sự. Và dĩ nhiên, nếu cố tình đốt mía của người khác thì buộc phải khởi tố hình sự về hành vi hủy hoại tài sản”. Theo luật sư Tạ Quang Tòng - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Đăk Lăk:
Nhiều năm qua, lửa đã thiêu trụi hàng trăm tỷ đồng của nông dân (trong đó có rất nhiều hộ dân có cuộc sống rất khó khăn). Mía cháy, nhiều nông dân không thể yên tâm giữ ruộng mía đợi đến kỳ thu hoạch. Họ đã chấp nhận thiệt hại do bán mía non, giá rẻ, không đủ chữ đường. Thế nhưng rõ ràng, chính quyền tỉnh Gia Lai vẫn chưa thực sự “ra tay” cứu dân. “Nhiều năm qua, chúng tôi đã cùng nông dân tự bơi” - ông Lừng nói. Theo ông Lừng, dù vô tình hay cố ý thì việc đốt mía của nông dân là hành vi hủy hoại tài sản, cần được xử lý nghiêm. Thế nhưng chưa có bất kỳ đối tượng nào bị xử lý. Sau mỗi vụ mía cháy, SEC đều có báo cáo gửi công an huyện cùng chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ. Nhưng cái mà SEC nhận được không nhiều hơn một vài ý kiến trong… công văn. “Chính quyền cần phải mạnh tay, xử lý một vài trường hợp làm gương thì mới hy vọng giảm được nạn này”- ông Lừng đề xuất. Khi chúng tôi đi tìm hiểu, phía công an huyện từ chối trả lời vì lý do chưa có chỉ đạo của công an tỉnh. Còn ông Ngô Ngọc Sinh- Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai thì đùn đẩy: “Cái này em phải hỏi các ban ngành”. Trong khi đó, mới đây, chính ông Sinh đã ký Công văn số 99 yêu cầu các huyện, thị kiểm tra báo cáo tình hình để UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo… Phải chăng chính sự thờ ơ này cũng là một nguyên nhân khiến cho mía cháy nhiều hơn? Một xã ở Gia Lai chỉ 15 ngày đã xảy ra 10 vụ kẻ xấu đốt mía của nông dân. Nhiều nơi ở ĐBSCL, chỉ sau 1 đêm cá chết trắng bè do kẻ gian đổ thuốc sâu. Nhiều trâu bò ở miền Trung mất chân do kẻ xấu chặt... Tình trạng phá hoại sản xuất ở nông thôn đã đến mức báo động với nhiều hình thức, cách thức khác nhau, gây bức xúc và thiệt hại nặng nề cho nông dân. Vì sao tình trạng này bùng phát trong thời gian qua? Làm thế nào để bảo vệ nông dân trong sản xuất? Quan điểm của các cơ quan chức năng trước tình trạng này ra sao?
Duy Hậu/Danviet
 
Back
Top