https://www.facebook.com/congtybinhquansontay/videos/2402632210014162/
Ngày nay, chăn nuôi ngày càng phát triển mạnh mẽ theo mô hình công nghiệp hiện đại và mang lại hiệu quả cho nhiều nông hộ. Ở nhiều địa phương đã biết áp dụng mô hình hiện đại vào nuôi gà ta thả vườn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế khiến hiệu quả kinh tế chưa cao. Để tránh những sai lầm tưởng đơn giản nhưng dẫn đến gà ốm bệnh, người nông dân thất thu thì khi chăn nuôi bà con nên tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật và chăm sóc vật nuôi đúng cách.
Chuẩn bị điều kiện khi chăn nuôi
Vị trí chuồng trại
Để đảm bảo cho quá trình chăn nuôi, sản xuất được diễn ra liên tục, bền vững thì việc chọn vị trí đặt chuồng trại là hết sức quan trọng. Nên chọn nơi chăn nuôi xa khu dân cư đông đúc để tránh gây ô nhiễm hoặc nơi có nhiều mầm bệnh như chợ, khu chế biến giết mổ gia súc, gia cầm…
Khu chăn nuôi đủ diện tích để xây dựng chuồng trại, kho chứa, nơi vệ sinh sát trùng. Chuồng nuôi và vườn thả gà phải đảm bảo có đầy đủ ánh sáng tự nhiên, thoáng mát, khô ráo để ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Chú ý khu chăn nuôi phải có hệ thống thoát phân thải và bố trí hố biogas xa chuồng trại tối thiểu 20-30m. Xung quanh khu chăn nuôi phải có rào chắn để gà khi thả không chui hoặc bay mất ra ngoài.
Thiết kế chuồng trại, vườn thả gà
Chuồng nuôi cần làm thông thoáng, cao ráo, tường bao xây cao 40cm và phía trên căng lưới B40 hoặc phên tre. Phía ngoài chuồng nên căng bạt che gió và chắn mưa đồng thời kết hợp với mái lợp dài bằng các vật liệu ngói, tôn, lá. Khi làm mái nên làm hiên rộng ra 1-1,2m và có rãnh thoát nước để không làm bắn nước mưa vào chuồng gây ẩm ướt.
Nền chuồng cần được làm bằng xi măng cát có độ thoải dễ thoát nước và lót chuồng bằng 7-8cm trấu khô hoặc dăm bào sạch đã được phun sát trùng. Lưu ý nền chuồng xây cao hơn nền sân vườn 30cm và bố trí hố sát trùng phía trước mỗi cửa ra vào chuồng.
Diện tích chuồng nuôi sao cho đảm bảo mật độ 7 con gà/m2. Còn vườn thả gà phải đảm bảo ít nhất 1 con/m2. Vườn thả gà phẳng, không có vũng nước sau mưa, trong vườn không có nhiều cây bụi đảm bảo đầy đủ ánh nắng mặt trời ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Hệ thống máng ăn, máng uống nên đặt tách biệt nhau. Sử dụng máng ăn treo số lượng máng ăn sao cho 30 con/máng. Hệ thống máng uống nên đặt bên ngoài chuồng nuôi, nếu đặt trong chuồng cần xây rãnh bê tông để nước không chảy làm ẩm lót chuồng.
Lựa chọn con giống
Gà giống lựa chọn như gà lai Mía – Lương Phượng, gà Lạch Thủy – Lương Phượng, gà Ri – Lương Phượng hoặc gà Mía… Con giống 1 ngày tuổi khi nhập phải có đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn giống trạng thái sức khỏe tốt, không có dị tật.
Thức ăn chăn nuôi
Các loại thức ăn và nguyên liệu phối trộn thức ăn chăn nuôi phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, không ẩm mốc, vón cục, không lẫn tạp chất như ngô, cám gạo, thóc, rau, bột cá, vitamin… Bà con nên sử dụng thức ăn hỗn hợp có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng tốt nhất nên tự chế biến cám viên để có thể điều chỉnh thành phần dinh dưỡng phù hợp với từng độ tuổi của gà.
Kỹ thuật chăm sóc gà thả vườn
Gà giống khi đưa vào chuồng úm cho gà uống nước pha electrotyle hoặc Vitamin C, chỉ cho gà ăn tấm, bắp nhuyễn trong 2 ngày đầu. Đến ngày thứ 3 thì tăng dần lượng thức ăn công nghiệp hoặc tự phối trộn thức ăn.
Máng ăn, uống phải được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên tránh mầm bệnh. Cần quan sát tình trạng ăn uống của đàn gà. Thường xuyên cân kiểm tra ngẫu nhiên xem đàn gà phát triển có đồng đều không.
Chú ý quan sát biểu hiện của đàn gà để kịp xử lý và cách ly ngay tránh lây lan ra cả đàn. Vào tuần 6-7 cần cắt mỏ gà để hạn chế tình trạng cắn mổ nhau.