Nghề nuôi ong mật ở Bến Tre

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Chỉ 40 thùng ong mật, mỗi tháng ông Xuân thu nhập 3 triệu đồng.



Có một nghề chăn nuôi mà nhà vườn không phải tốn thức ăn, lại cũng không mất thời gian và công sức chăm sóc, đó là nuôi ong mật. Hiện nay, nhiều nhà vườn ở Bến Tre đã chú ý tới công việc này.


Ông Trần Thành Xuân, ấp Phú Khương, xã Phú Túc, huyện Châu Thành (Bến Tre), nói về công việc này như sau: “Ở vườn, ai cũng có vài công vườn trồng cây ăn trái; nhưng không hiểu sao họ không để vài chục thùng ong mật cho vui nhà, vui cửa”. Thật ra, ông Xuân nói nuôi ong mật cho vui thì cũng có lí. Vì chỉ cần ngồi quan sát một lát là ta có thể cảm nhận tiếng đập cánh bay đi bay về của chúng và thấy được hoạt động nhộn nhịp của xã hội loài ong. Nhưng cái đáng nói hơn là mỗi tháng, 40 thùng ong mật cũng mang về được cho gia đình ông Xuân không dưới 40 lít mật. Hiện nay, bình quân một lít mật cũng trên dưới 70.000 đồng. Tình thành tiền thì mỗi tháng, ông cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng mà dân mua mật tìm đến tận nhà để mua và nguồn mật cũng không đủ cung cấp.


Có hai giống ong được được dân nuôi ong mật chọn nuôi là ong nội địa, còn gọi ong Ấn Độ và ong của Ý. Ong nội địa con to khoảng gấp 2 - 3 lần con ruồi, còn ong Ý thì to hơn nội địa. Ong Ý cho nguồn mật nhiều hơn; nhưng những tháng mưa hoặc những tháng không vào mùa cây trái, thì nuôi ong Ý phải cho ăn dậm nước mật, vì chúng lớn con; riêng ong nội địa thì không cần vì nguồn mật chúng hút từ những vườn cây coi như đã đủ.


Để gầy một thùng ong bình quân chỉ mất 5, 6 tháng. Ban đầu một thùng ong 3 kèo có giá đầu tư khoảng 350 ngàn đồng/thùng. Sau khoảng thời gian gầy đàn, nếu điều kiện môi trường tốt, nắng tốt, mùa cây trái ra hoa thì chúng có thể phát triển lên 5, 6 kèo, thậm chí 7, 8 kèo và có thể tách đàn. Điều kiện tách đàn là phải có ong đực để ong chúa tạo “mũ tướng”. Chính mũ tướng đóng dưới kèo này sẽ nở ra ong chúa làm cơ sở tạo đàn mới. Ông Xuân cho biết thêm: “Với giá mật hiện nay, chỉ cần nuôi thành công một năm là có thể lấy lại được vốn. Như trường hợp của ông thì với 2 năm nuôi ong mật, ông đã có lời và nâng được số đàn ong nuôi nhiều lên.


Mật ong được nuôi bằng nguồn mật tự nhiên thường ngọt và thơm và có thể trữ được lâu. Thường mật có màu vàng cam là mật đã chín. Dấu hiệu mật chín được nhận biết bằng những lỗ chứa mật đã được trám nắp. Lúc ấy, mật không còn lẫn nước và có mùi thơm theo hương tự nhiên, tùy thuộc vào mùi hoa trái. Thông thường, ong đi lấy mật từ nhãn, dừa, chuối, cam, bưởi, và nhiều loại cây trái khác trong vườn. Tầm hoạt động của chúng cũng khá xa, có bán kính tới 3 km.


Ong cũng có thể bị bệnh và gây thiệt hại cho đàn, cho việc chăn nuôi. Nhưng nếu phát hiện sớm thì không phải lo ngại lắm. Ông Xuân cho biết, thường ong chỉ có 2 bệnh phổ biến là bệnh thối ấu trùng và bệnh chí đeo thân ong. Bệnh thối ấu trùng làm cho trứng, ong non chết, không phát triển được. Nếu phát hiện trễ, bệnh sẽ lây và có thể gây thiệt hại cho đàn khác. Trong trường hợp này, phải tiêu hủy đàn ong hoặc cách li, mà cách li thì chắc là khó. Còn nếu phát hiện sớm thì chỉ cần cho ong uống mật có pha ít thuốc kháng sinh như “strep-tô” hoặc “pê-ni” thì sẽ khỏi. Bệnh chí đeo ong làm cho ong lờ đờ, kém hoạt động. Để trị bệnh này, ông Xuân dùng biện pháp xông lưu huỳnh để dưới thùng ong và chỉ cần một đêm là có thể loại trừ được chí bám khỏi thân ong.


Kinh tế làm vườn, nếu chỉ dựa vào trồng trọt thì không thể đủ cho nhu cầu cuộc sống, trừ phi vườn đất nhiều, lại trồng những cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Nhưng dẫu có vậy, việc nuôi ong cũng không làm trở ngại công việc làm vườn; trái lại, còn tạo được thu nhập hàng tháng và có thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cung cấp cho gia đình, thì sao nhà vườn không tìm cách để gây dựng vườn ong cho gia đình như ông Xuân và nhiều người trong xã Phú Túc cũng như các xã khác trên địa bàn Bến Tre đã và đang làm.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top