Nhờ giúp về kỹ thuật bảo quản cám gạo

  • Thread starter thaibinhqueta
  • Ngày gửi
Gia đình tôi thời gian gần đây có mua thêm máy xát gạo và đã có nơi hỏi thu mua cám gạo với số lượng lâu dài để làm đẹp. Tôi không có kinh nghiệm về vấn đề này,tôi thấy cám gạo sau 1-2 tuần thì thường có mùi chua,ẩm mốc xuất hiện các con sâu mọt, nên chưa đồng ý vì sợ chất lượng cám gạo không đảm bảo . Tôi rất mong được các anh chị có kinh nghiệm hướng dẫn tư vấn giúp cách bảo quản cám gạo để được lâu. Và xin hỏi có cách nào lấy dầu cám gạo không?Mua máy ép dầu cám gạo như thế nào? Tôi xin cảm ơn các anh chị nhiều.
 


Cám gạo từ xưa vốn không để được lâu.
Nhà quê tôi, nhà nào cũng có cối xay, cối giã, dần sàng
đủ cả. Tuần nào cũng phải xay giã mới có gạo ăn.
Tôi mới 6 tuổi cũng đã cùng giã gạo với người lớn.
Dần sàng là để đàn bà làm, vì họ kiên nhẫn hơn.
Khi làm thì gà cứ xúm quanh, tranh nhau nhặt tấm cám.
Cám làm ra thì nuôi lợn luôn.
*
Tôi còn nhớ loáng thoáng thì ép dầu cám cũng như ép
dầu đậu phụng: hấp chín kỹ vì nấu dễ bị khê rồi ép ngay
lúc còn nóng, lọc qua nhiều lớp vải. Máy ép tôi cũng đã
nhìn thấy. Rất đơn giản và dễ làm.
*
Máy ép gồm một cái khung sắt ngang vai người, cỡ cột
và xà là sắt đặc lớn bằng bắp tay, ở chính giữa là một
cái ốc xoáy cỡ bắp tay. Ốc xoáy này dài cả thước, đầu trên
có tay quay bằng sắt rất to và dài. Người đứng bên cạnh
khung sắt, tay quay ốc xoáy cho nó lên xuống. Khi lên hết
cỡ, thì đặt sọt tre đan rất chắc chắn bằng lạt cật thật to,
ken thật khít như rá. Quanh sọt, có mấy vòng đai bằng sắt
dày 5 li nữa, rộng bản chừng 10 cm để ép mạnh không bị bục.
Cỡ sọt to bằng một vòng tay người ôm, cao chừng 70 centimet.
Ngày nay tiến bộ hơn, có lẽ làm thùng sắt cô nhiều lỗ thủng
thì hơn đan sọt đánh đai thép. Công việc rất nặng nề, đòi
hỏi trai trẻ khoẻ mới vặn được ốc xuống. Có lẽ phải có động
cơ và đai chuyền cho chạy thật chậm lại mới vặn được ốc.
Hoặc là chạy máy bơm ép nước lấy áp suất mà nén cám hấp.
Máy này có dạy trong sách vật lý trong trường phổ thông,
và nó ép từ dưới lên, chứ không ép từ trên xuống.
*
Trong sọt là cám đã hấp thật nóng. Đặt một cái thớt thật
to lên trên cám, rồi vặn ốc cho nén xuống. Khi nén thật
chặt, thì dầu và nước chảy qua khe đan của sọt mà xuống
dưới, có chậu hứng lại. Đợi một chốc thì lại quay tay cho
ốc xoáy vặn xuống nữa. Theo kinh nghiệm, thì biết lúc nào
đã ép hết dầu, thì vặn ốc lên mà tháo dỡ sọt cám ra. Lúc
ấy ở đáy sọt là cám đã ép thành bánh thật cứng khô, còn
rất ít dầu, nhưng các chất bổ vẫn nhiều, nuôi lợn rất tốt.
*
Đứng ngoài nhìn thì dễ lắm, nhưng phải là nhà nghề mới làm
được tốt. Bây giờ bạn không phải nhà nghề, thì phải mạo hiểm
làm thử mà dần dần có tay nghề. Thiệt tình mà nói, tôi cũng
không biết dầu cám để làm gì. Nó màu nâu đen, mùi ngậy khét,
hơi ngọt rất khé cổ. Chị tôi nghe nói dầu cám rất bổ và có
tác dụng gì đó, nên xin về một chén nhỏ, pha bột làm bánh.
Tôi rất phàm ăn, và rất thích bánh ngọt, nhưng ăn một lần
thì ớn. Chị tôi cũng không xin lần thứ hai nữa. Người ta
làm một thời gian rất ngắn rồi cũng thôi, không rõ vì sao.
Có lẽ bạn tìm cách bán nhanh cám cho bà con nuôi heo trong
làng thì dễ hơn.
*
 
Bài viết có nội dung tương tự


Back
Top