Những đoàn viên trẻ nặng lòng với hoa

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng như sự đam mê, nặng lòng với hoa nên các đoàn viên Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau & hoa Đà Lạt đang cùng nhau miệt mài nghiên cứu để cho ra đời những giống hoa mới mang lại lợi ích cho nhà nông.

Những vườn hoa cúc, hoa đồng tiền, cẩm chướng đủ màu sắc phát triển tươi tốt ở nhiều nhà vườn của Đà Lạt là sản phẩm sáng tạo trẻ của các đoàn viên Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau & hoa Đà Lạt. Đó cũng là kết quả của quá trình “kề vai sát cánh” bên nhau ở trong phòng thí nghiệm cũng như trên vườn ươm khảo nghiệm của các kỹ sư trẻ nơi đây. Nhiều giống hoa mới như cúc C07.7, C07.16, đồng tiền G05.76, G05.82 và giống hoa cẩm chướng D06.9 đã xuất hiện. Các giống hoa này đã được Bộ NN & PTNT công nhận chính thức và trở thành những giống hoa đầu tiên mang bản quyền Việt Nam. Những giống hoa mới được lai tạo này không chỉ cung cấp cho các nhà vườn tại Đà Lạt mà còn được nhiều nhà nông ở địa phương khác trong và ngoài tỉnh lựa chọn áp dụng thành công.

images1098430_Trang9.1.jpg

Vườn hoa đồng tiền F1, sản phẩm sáng tạo của các đoàn viên trong Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau & hoa Đà Lạt

Động lực để các đoàn viên trẻ bắt tay vào nghiên cứu lai tạo các giống hoa mới là xuất phát từ thực tế diện tích trồng hoa của các địa phương trong nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng ngày một tăng, nhưng nguồn giống hoa đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý thì chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể như Đà Lạt - địa phương đứng đầu cả nước về diện tích trồng hoa, nhưng trước đây người dân chủ yếu phải mua những giống hoa nhập nội với chi phí cao và hiệu quả không ổn định. Việc sản xuất các giống rau, hoa tại địa phương chủ yếu thực hiện ở công đoạn gieo ươm, nhân giống bằng phương pháp giâm hom, cấy mô, chưa sản xuất được giống tại chỗ. Một số giống hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả thì đã lỗi thời, bị thoái hóa và nhiễm bệnh hại nhiều do quá trình nhân giống kéo dài. Trong khi đó, để có thể xuất khẩu, hoa không chỉ đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường mà các giống hoa còn phải xác định được bản quyền tác giả và đóng lệ phí đầy đủ. Như vậy, việc định hướng chọn tạo giống hoa cắt cành có chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng không chỉ giúp nâng cao sản lượng hoa mà còn đem lại lợi thế về bản quyền tác giả trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Qua đó, người sản xuất không còn bị phụ thuộc bản quyền tác giả nước ngoài và đóng lệ phí cao. Vì vậy, các công trình nghiên cứu của các kỹ sư trẻ ở Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau & hoa Đà Lạt là một việc làm ý nghĩa, mở ra triển vọng mới cho ngành sản xuất giống hoa trong nước, góp phần phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Anh Trần Anh Thông - nguyên Bí thư Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau & hoa Đà Lạt cho biết: “Việc chọn tạo giống hoa cắt cành hiện nay còn là một lĩnh vực hết sức mới mẻ không chỉ ở Đà Lạt mà trong cả nước cũng có ít đơn vị, cá nhân thực hiện. Vì vậy, để chọn tạo được các giống hoa này, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều thời gian. Bắt đầu từ việc tìm hiểu cách lai tạo, chọn lọc đến kiên nhẫn dành thời gian khảo nghiệm, trình diễn sản xuất thử… Chúng tôi rất vui với thành quả của những ngày tháng miệt mài trong phòng thí nghiệm và trên đồng ruộng”.

Những giống hoa mới được lai tạo được các đoàn viên, thanh niên chăm chút, dồn tâm huyết như chính những đứa con tinh thần của mình. Không kể nắng mưa sớm tối, cứ có thời gian là các đoàn viên trong Chi đoàn Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau & hoa Đà Lạt như Trần Anh Thông, Võ Thị Ngọc, Đào Trọng Đức, Đinh Thị Hồng Nhung, Mai Thị Thủy, Cao Đình Dũng lại ra vườn chăm sóc, theo dõi những giống hoa mới của mình. Theo các tác giả thực hiện đề tài cho biết, các giống hoa được lai tạo mới đều có nguồn gốc từ các giống lai tạo sẵn có tại Trung tâm. Hoa cúc giống C07.7 được chọn từ tổ hợp lai Chevrolet x C05.5, giống C07.16 được chọn lọc từ tổ hợp lai C05.1 x Sunny Yellow; hoa đồng tiền giống G05.76 được chọn từ tổ hợp ĐTH1 x Lambada, giống G05.82 được chọn từ tổ hợp lai G04.6 x ĐTH1; giống hoa cẩm chướng D06.9 được chọn lọc từ tổ hợp lai White Barbara x Optima. Công việc đầu tiên của nhóm là khảo sát và chọn lọc để xác định các cặp lai bố mẹ thích hợp. Sau đó, kết hợp các giống bố mẹ có màu sắc, kiểu dáng tương phản, kháng bệnh tốt để tạo ra biến dị di truyền phong phú về màu sắc và kiểu dáng ngay ở thế hệ con lai F1. Sau khi gieo trồng các cá thể F1 có những đặc tính quý, phù hợp với thị hiếu thị trường, có sức sinh trưởng và khả năng kháng bệnh tốt được chọn, tách đỉnh sinh trưởng và nhân nhanh bằng phương pháp nuôi cấy mô, nhân vô tính để có đủ số lượng cho khảo nghiệm chính quy và khảo nghiệm sản xuất, trình diễn sản xuất thử.

Không dừng lại ở những giống hoa đã “ra lò” thành công mà hiện nay các kỹ sư trẻ của Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau & hoa Đà Lạt đang tiếp tục nghiên cứu để lai tạo thêm nhiều giống rau, hoa mới để cung cấp cho các nhà vườn tại Đà Lạt cũng như nhiều địa phương khác trong nước. Hi vọng, với sức trẻ, sự sáng tạo và cống hiến của mình, các đoàn viên nơi đây tiếp tục cho ra đời ngày càng nhiều những giống rau, hoa mới mang thương hiệu Việt Nam và giúp cho người nông dân trong nước có nguồn giống tốt phục vụ sản xuất nâng cao đời sống.

DUY NGUYỄN
Nguồn: www.baolamdong.vn/
 




Back
Top