Nông sản 'ngộp thở' với hội nhập

Ngay tại bàn trái cây phục vụ diễn đàn “Tiêu thụ hàng nông sản trong bối cảnh hội nhập, kinh nghiệm từ ĐBSCL” do Văn phòng Quốc hội tổ chức tại Cần Thơ trong hai ngày 1 và 2-10, ngoài dưa hấu còn có bòn bon Thái Lan. Điều này cho thấy mức độ thâm nhập sâu rộng của trái cây Thái Lan ngay ở nơi được coi là “vựa trái cây” VN.

Ngoại lấn át nội

Ông Bùi Hoàng Anh, chủ vựa trái cây Hoàng Anh ở đường Hai Bà Trưng (P.Tân An, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), cho biết nếu đem so sánh bòn bon Thái với bòn bon nội thì hàng nội thua xa. “Trái của mình nhỏ lại chua, hột bự nên người ta không mua. Còn bòn bon Thái trái to, vị ngọt nên rất đắt hàng dù giá trên 50.000 đồng/kg, cao hơn nhiều bòn bon mình”. Cũng theo chủ vựa trái cây này, ngoài bòn bon, tại vựa của ông hiện đang bán chạy nhiều loại trái cây Thái Lan khác như me giá 70.000 đồng/kg, mây giá 58.000 đồng/kg, sầu riêng, xoài, chôm chôm...

Ngoài ra, một số trái cây Trung Quốc như lựu, hồng giòn, cam, quýt; nho, táo... cũng được mua nhiều. Trong khi đó, các trái cây nội như cam xoàn giá khoảng 30.000 đồng/kg, thanh long chỉ 13.000 đồng/kg hay mãng cầu, bưởi... giá đều mềm hơn song sức mua lép vế so với trái ngoại.



nong-san-ngop-tho-voi-hoi-nhap.jpg

Trái cây nội để dưới đất và "lép vế" với trái cây ngoại - Ảnh: Đình Tuyển


Tương tự, bà Bé, chủ vựa trái cây Bé Hon, đường Nguyễn Thái Học (P.Tân An), cho biết trái cây Thái Lan cũng rất được ưa thích ở vựa của bà, nhất là vào tháng 4 - 5, măng cụt Thái Lan gần như chiếm lĩnh. “Khách hàng đến mua đóng thành từng thùng chở đi làm quà”, bà Bé nói. Theo bà, sở dĩ trái cây nội ít được ưa chuộng ngoài nguyên nhân chất lượng không bằng thì việc xử lý thuốc, hóa chất tẩm ướp trái cây của một số nhà vườn đã làm mất niềm tin ở người tiêu dùng.

GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp kỳ cựu, thẳng thắn: “Chúng ta không thể bắt người tiêu dùng phải sử dụng loại nông sản nội mà chất lượng không bằng, giá cả lại cao. Thí dụ như đường cát của mình sản xuất ra tại nhà máy đã là 12.600 đồng/kg trong khi đường Thái Lan qua đến đây mới có 8.000 đồng/kg thì hỏi làm sao cạnh tranh được nếu không có giải pháp căn cơ hạ giá thành”.

Cũng theo vị giáo sư này, ngoài trái cây, mía đường thì bắp, đậu nành cũng sẽ khốn khó ngay trên sân nhà do hiệu quả kinh tế, năng suất, chất lượng kém xa so với các sản phẩm quốc tế.

Nước đến chân... chưa nhảy

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, phân tích: “Nếu như các FTA (hiệp định thương mại tự do) mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nền kinh tế nước ta nhiều sản phẩm có lợi, thì AEC là cộng đồng kinh tế của những nước có cấu trúc kinh tế giống ta và cạnh tranh với ta trên nhiều mặt, nặng nề nhất là hàng nông sản”. Sức ép sẽ khủng khiếp hơn khi bắt đầu từ ngày 1.1.2016, nông sản các nước ASEAN vào thị trường VN với thuế suất bằng 0%.

“Hiện siêu thị Metro đã được Thái Lan mua lại, còn siêu thị Parkson của Malaysia sẽ đưa ra thị trường VN những nông sản có chất lượng và năng lực cạnh tranh mạnh hơn, đó thực sự là mối lo ngại cực lớn cho nông sản VN” - TS Doanh nói.

Song một nghịch lý là sức nóng từ hội nhập dường như vẫn nằm ngoài sự quan tâm của nông dân. Ông Nguyễn Thanh Tâm, có 1 ha đất trồng măng cụt, sầu riêng ở ấp Hòa Thạnh (xã Xuân Hòa, H.Kế Sách, Sóc Trăng), cho biết ông không nghe và cũng không biết gì đến hội nhập và cạnh tranh. Công việc của ông vẫn là cố gắng sản xuất cho năng suất cao nhất có thể. Ông Tâm chỉ lo lắng khi đề cập đến giá cả trái cây của ông có thể bị lấn át bởi hàng ngoại vào vụ thu hoạch năm sau.

Ông Hồ Việt Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng thừa nhận: “Chúng ta rất thụ động, không có chiến lược cụ thể, thậm chí ngay lãnh đạo tỉnh cũng nắm vấn đề hội nhập rất mờ nhạt bởi thiếu thông tin từ T.Ư thì làm sao nông dân họ nắm được”.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp GAP (TP HCM), càng tỏ ra lo ngại: “Chúng tôi đang rất sốt ruột. Nếu doanh nghiệp nội không có sự liên kết thì các nhà đầu tư ngoại lớn sẽ rất dễ dàng đánh bại. Điều doanh nghiệp nội cần ngay bây giờ là cơ chế, hỗ trợ để tiếp thị, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, thị trường... điều mà lâu nay họ phải tự bơi”.

Theo TS Lê Đăng Doanh: “Phải gấp rút tái cơ cấu, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng lớn, chuyển nông dân thành những công nhân nông nghiệp, được đào tạo, có kỹ năng và biết tuân thủ kỷ luật thị trường”. TS Doanh lấy một ví dụ tại Vĩnh Phúc hiện nông nghiệp chỉ chiếm 9,8% GDP nhưng lao động trong nông nghiệp vẫn trên 34%. Chính quyền tỉnh này vừa làm dự án thuê đất ruộng của nông dân trong vòng 10 năm rồi giao cho Tập đoàn Vincom để đơn vị này phối hợp các chuyên gia nông nghiệp của Israel phát triển nông nghiệp sạch, an toàn.

“Nông dân sẽ làm việc cho Vincom ngay trên mảnh ruộng của họ và được trả lương 3 triệu đồng/tháng. Đây là động lực rất lớn cho nông dân bởi thu nhập hằng tháng của họ chưa tới 900.000 đồng” - TS Doanh nói.

Theo Đình Tuyển (Thanh Niên)
 


Em cũng giống như nông dân trong báo. Chỉ biết sản xuất cho mảnh đất của mình cho nhiều quả, cho quả ngon, đẹp. Xong rồi, sau đó thì bố em cũng ko chắc là bán đc mấy nghìn 1 ký
 
Phải đi từ căn cơ, hướng nông dân sản xuất hàng hóa theo thị trường thôi! Hàng hóa chất lượng, an toàn đang khan hiếm trên thị trường trong nước và quốc tế. Cao hơn nữa là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (tất nhiên phải có giấy chứng nhận đầy đủ) lại càng khan hiếm! Như vậy đủ thấy ngành nông nghiệp, xúc tiến thương mại phải làm rất nhiều việc cho cuộc canh tranh gay gắt này.
 
phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình_ sao nghe nó giống như một câu cô giáo dạy lịch sử từ hồi trung học quá.
 
Sáng nay mới thấy trên vtv1 nói hơn 96% doanh nghiệp ủng hộ TPP đấy, con người dân thì 67%, mà trong khi đó 70% dân số ko biết TPP là cái gì
 
Mấy ông thương lái đang mừng lắm đây..được dịp chặt chém ém giá.. ngoại quốc mà kì này là toàn thứ dữ :Hoa Kỳ, Úc, Peru, Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản

TPP có mạnh cỡ nào.. cũng không qua được nổi hệ thống thương lái nội địa đang chằng chịt giăng khắp các nẻo đường

Mít mua tại vườn có 1.000kg nhưng bán ra 15.000kg
Mít lột rồi 60.000kg

Lúc Cà chua nông dân phải đổ đi..ngoài chợ vẫn 8.000kg

Mã Lai biết khôn nên đang thương lượng mua lại nguyên 1 cái siêu thị lớn của VN có thế hàng của họ mới thoát được rào cản chặt chém của thương lái...nội địa vào nổi thị trường VN

Thái lan dù không có trong TPP nhưng cũng tính xa đang cố mua 1 cái siêu thị
 
Last edited:
theo tôi cái gì cũng chờ chỉ thị từ trung ương trong khi đó mấy ông kỹ sư thì đi lo việc làm giàu hết rồi có ai mà quan tam đến việc phát triển những loại trái cây ngon hay là những giống cây tốt phù hợp với nhu cầu sử dụng của nông dân mình. toàn là nông dân tự bơi là nhiều.
 
Ngay cả chủ tịch tỉnh cũng không biết thì để nông dân tự bơi là cái chắc. Mặc kệ sẽ lãnh hậu quả khi nước ta gia nhập tpp trong khi kinh tế Việt nam phần lớn là nông nghiệp.
 


Back
Top