ORESOL: đơn giản nhưng kỳ diệu

  • Thread starter maquemau
  • Ngày gửi
SGTT.VN - Bị tiêu chảy cấp sẽ mất nước do nước theo phân ra ồ ạt – chính điều này đưa đến suy luận của khá nhiều người, trong đó có một số bà mẹ là: nếu không uống hoặc hạn chế uống nước, sẽ cầm được tiêu chảy! Do suy luận đơn giản như vậy, đã có rất nhiều người, đa số là trẻ con, tử vong vì mất nước và chất điện giải khi bị tiêu chảy.
ImageID_154081.jpg

Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới có khoảng 1,3 tỉ đợt trẻ em dưới năm tuổi bị tiêu chảy, trong đó 3,5 – 4 triệu trường hợp tử vong. Việt Nam là nước đứng thứ ba ở châu Á về số trẻ em nhập viện vì tiêu chảy cấp với tỷ lệ 54%, chỉ sau Hàn Quốc (73%) và Myanmar (56%). Khảo sát tại các bệnh viện nhi cho thấy tình hình trẻ em tiêu chảy cấp điều trị nội trú mỗi năm mỗi tăng. Trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi nhập viện do tiêu chảy cấp đạt tỷ lệ cao nhất: 70%.
Cứu nước đường miệng
Vấn đề hàng đầu được đặt ra trong điều trị tiêu chảy cấp, đặc biệt đối với trẻ con, không phải là tìm được thuốc làm dứt ngay tiêu chảy (việc này sẽ làm sau) mà là bù kịp thời lượng nước và chất điện giải bị mất đi. Nếu bù không kịp, người bệnh bị mất nước và chất điện giải trầm trọng chắc chắn sẽ tử vong. Không chỉ với tiêu chảy cấp mà khi bị bệnh sốt xuất huyết hoặc ói mửa trầm trọng, trẻ cũng rất cần được bù nước và chất điện giải để cải thiện tình trạng rối loạn.
Từ đầu thế kỷ 20, các nhà sinh lý học đã nhận thấy trong trường hợp bị tiêu chảy, niêm mạc ruột vẫn có khả năng hấp thụ tốt (trái với suy nghĩ của nhiều người cho là chính niêm mạc ruột không hấp thụ thức ăn nên gây tiêu chảy). Đặc biệt, các nhà sinh lý học đã xác định nồng độ các chất điện giải bị mất đi trong phân tiêu chảy cấp. Việc nghiên cứu đi đến khẳng định: hoàn toàn có thể bù nước và các chất điện giải qua đường uống bằng một dung dịch chứa đường glucose và các ion chất điện giải, miễn sao tỷ lệ các chất này phải thích hợp, và được gọi tắt là dung dịch muối – đường. Đến thập niên 1960, việc sử dụng dung dịch muối – đường mới được áp dụng cho bệnh nhân bị dịch tả nhưng chỉ lẻ tẻ.
Có thể tự tạo dung dịch muối – đườngĐối với các vùng nông thôn, nếu không có điều kiện mua ORESOL, có thể tạo dung dịch muối – đường bằng một trong hai cách sau:
- Pha một muỗng càphê muối ăn (gạt ngang) và tám muỗng càphê đường cát (gạt ngang) vào một lít nước đun sôi để nguội (không có điều kiện đun thì cứ dùng nước thường, không có dụng cụ 1 lít dùng chén ăn cơm đong bốn chén nước đầy cũng được), vắt nửa trái cam vào dung dịch để có thêm kali.
- Nấu 50g gạo với nước, cho thêm muối thành nước cháo muối (tinh bột của gạo ở đây khi nấu lên đóng vai trò chất đường).

Năm 1971, một sự kiện đã giúp phương pháp bù nước và chất điện giải qua đường miệng được áp dụng rộng rãi và thu được những con số thuyết phục. Lúc đó dịch tả bùng phát ở các trại tị nạn chiến tranh dành cho hàng chục triệu người Bangladesh trên đất Ấn Độ. Số bệnh nhân quá đông, bù nước bằng dịch truyền qua đường tĩnh mạch không thể đáp ứng nổi, bắt buộc các bác sĩ ở đây phải áp dụng phương pháp bù nước qua đường miệng bằng dung dịch muối – đường. Không ngờ, phương pháp này cứu sống hàng triệu người, hạ tỷ lệ tử vong từ 30% xuống còn 3%. Kết quả này đã thuyết phục WHO thiết lập chương trình phổ biến phương pháp có thể xem là hàng đầu điều trị tiêu chảy cấp ra khắp thế giới. Dung dịch đó được gọi là ORESOL hay ORS (viết tắt của Oral Rehydration Salts, tức hỗn hợp muối dùng để bù nước qua đường miệng), có thể dùng ở nhà thay cho cách tiêm tĩnh mạch nhỏ giọt thường chỉ thực hiện được ở bệnh viện.
Sử dụng sao cho hiệu quả?
Khi pha thành dung dịch bù nước và chất điện giải có thể hấp thu được, mỗi gói ORESOL theo tiêu chuẩn WHO có thành phần như sau: 3,5g NaCl, 1,6g KCl, 2,5g NaHCO3 (ở xứ nhiệt đới ẩm như ta, NaHCO3 có thể bị hút ẩm hỏng, do đó được thay bằng 2,9g trinatri citrat) và 20g glucose. Hiện nay nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của gói ORESOL mới có thành phần được cải tiến từ ORESOL “kinh điển”: 2,6g NaCl, 1,5g KCl, 13,5g glucose... Nghiên cứu cho thấy, dùng dung dịch ORESOL mới tỷ trọng thấp làm giảm 33% số trẻ phải truyền dịch, giảm 20% lượng phân bài tiết ra ngoài, giảm 30% số trẻ bị nôn ói. Mỗi gói ORESOL được pha trong 1 lít nước (đun sôi để nguội là tốt nhất). Khi bị tiêu chảy cấp, trong 6 – 8 giờ đầu có thể uống dung dịch thoải mái, hoặc uống cho đến khi hết dấu hiệu mất nước. Ngoài ra, cần lưu ý:
Phải pha theo đúng tỷ lệ một gói trong một lít nước, vì pha loãng muối quá sẽ bù nước không đủ, pha loãng đường quá sẽ kém hấp thu, còn đặc quá đối với trẻ sẽ không tốt: thừa muối gây nguy hiểm, thừa đường làm tiêu chảy nhiều hơn.
Dung dịch pha xong chỉ uống trong ngày, còn thừa qua ngày hôm sau phải bỏ vì dung dịch sau khi pha là môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển, trong đó có các mầm bệnh.
Trẻ con bị tiêu chảy cấp tạm ngưng cho bú, cho ăn 12 – 24 giờ. Sau đó vẫn cho ăn, bú bình thường (thức ăn dễ tiêu như cháo thịt nạc thêm càrốt, nếu bú bình thường nên pha sữa loãng). Nếu trẻ bị tiêu chảy quá nhiều kèm nôn ói, nóng sốt, nên cho trẻ đi khám ở bác sĩ hoặc bệnh viện.
Không chỉ tiêu chảy cấp, khi trẻ nghi ngờ hay đã bị sốt xuất huyết, hoặc nôn ói nhiều vì bất cứ nguyên nhân gì ta nên dùng gói ORESOL pha cho cháu uống theo chỉ dẫn đã nêu.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
 




Back
Top