Quảng Bình: Nông dân kinh doanh... máy gặt đập

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Lần đầu tiên chiếc máy gặt đập liên hợp sơn màu đỏ chót chạy miệt mài trên đồng ruộng xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) như một sự lạ cho cả làng. Mấy bác nông dân đánh xe bò chở lúa dừng lại xem và gật đầu liên tục. Một đám học trò lớp một đi học về sớm cũng tụ tập đứng lại xem và nhặng xị ngậu “tiên đoán”: “Dùng máy ni thì họ xay xát cho thành gạo mang về luôn...”. “Dại ơi là dại, rứa thì khó mà ăn hết gạo cho kịp, phải là thóc mới dự trữ ăn dần mới được chớ...”.


Cứ vào vụ, nhiều hộ nông dân ở Quảng Bình lại phải tính chuyện chạy đôn, chạy đáo tìm người làm do thiếu nguồn lao động. Chị Nguyễn Thị Huế (thôn Trung Quán - xã Duy Ninh) cho hay: “Nhà có mẫu ruộng nên cũng không phải cần nhiều người làm, chồng tôi đi làm thêm ở miền Nam nhắn ở nhà mẹ con lo lắng đi, anh gửi tiền về trả công người gặt. Rứa thôi mà người gặt thuê cũng khó tìm lắm. Mỗi ngày tiền công đã sáu, bảy chục ngàn cộng thêm bữa ăn nữa. Khi tính ra, công thuê gặt có khi nhiều hơn cả tiền phân lân, đạm...”.


mgd.jpg



Cú đột phá đầu tiên cho việc đưa cơ giới hóa về đồng có lẽ thuộc về công của nông dân Lê Văn Bổn (thôn Trung Quán). Thấy báo, truyền hình nói về máy gặt đập liên hoàn là ông mê như thuở tuổi đôi mươi đi tán gái làng bên. Chiều chiều, ông đi quanh xóm, điểm qua mấy tay có "chút màu mè" để vận động hùn vốn “làm ăn lớn” - như lời ông nói với mọi người. Ban đầu, chẳng ai chịu nghe. Ba đời, bảy kiếp có ai “vác” máy về gặt ở vùng thôn nghèo quắn đít này. Thậm chí có người còn ngọt nhạt: “Ôi dào, chung chạ ra bậy bạ liền mà coi...”.


Không “sờn lòng”, ông lại vận động hành lang là các bà vợ. Rốt cuộc, có 2 ông nông dân được vợ hậu thuẫn là Lê Văn Cường và Trần Văn Phúc đồng ý chung vốn. Cả ba ông vay mượn, dốc hết tài sản và hăm hở mang số tiền “lớn chưa từng có” đánh một quả máy gặt đập liên hợp với giá trị 190 triệu đồng. Ông Bổn cho hay: Máy gặt đập liên hợp có thể vận hành trên ruộng nước. Về nguyên lí làm việc, khi máy đi vào thảm lúa, mũi rẽ sẽ phân định phần lúa được cắt và chưa cắt. Guồng gặt có nhiệm vụ dựng và giữ lúa cho dao cắt, sau đó hất lúa đã cắt vào vít tải chuyền gặt. Lúa được vít tải gom vào băng chuyền nghiêng và chuyển lên trống đập. Qua trống đập, rơm được hất thải ra ngoài qua cửa thải rơm. Hỗn hợp gồm hạt lúa, gié lúa gãy và các tạp chất khác lọt qua máng ống đập, rơi xuống và chuyển động trên bề mặt sàn làm sạch xơ rồi đến sàng làm sạch tinh.







Ông Hoàng Minh Thông, Phó Chủ tịch xã Duy Ninh cho biết: Toàn xã có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 540 ha, trong đó vụ hè thu 190 ha và vụ đông xuân 350 ha. Riêng vụ hè thu năm 2009, trên 60% diện tích lúa của bà con xã Duy Ninh đã được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.


Theo tính toán của bà con nông dân, nếu gặt bằng tay, một sào lúa có tổng chi phí từ 130.000đ đến 150.000đ và phải mất trọn 1 ngày nếu thuê 2 lao động. Trong khi đó thuê máy gặt đập trọn gói 100.000/sào, thời gian hoàn thành chỉ trong 10 phút, người nông dân lợi rất nhiều.






Qua 2 lớp sàng các tạp chất nhẹ được quạt gió thổi bay ra ngoài, hạt lúa sạch (lúa thành phẩm) rơi xuống vít tải lúa sạch và được chuyển đến vùng hứng lúa. Một phần hỗn hợp ở trên chưa được phân ly hết sẽ được rơi xuống vít tải lúa lửng và được chuyển lên sàng làm sạch sơ. “Giản đơn hè, rứa mà mãi tới chừ mình mới được làm chủ nó...”. Thời điểm mua máy về (tháng 4 năm 2009) cũng là vào vụ mùa thu hoạch lúa đông xuân 2009. Ngoài việc sử dụng thu hoạch diện tích lúa trong ba gia đình, cả 3 ông lên lịch đi “phục vụ” bà con trong xã. Trong "thương vụ” đầu tiên, sau khi trừ đi chi phí, chiếc máy gặt “hái” về được trên 50 triệu đồng. Kế đó, vụ hè thu kiếm thêm được cũng gần ngần đó nữa.


Ông Bổn hể hả nói vui với hai ông “đồng sở hữu”: “Hề, cứ như ri là hai vụ tới coi như hoàn cho mấy mụ vợ hết vốn bỏ ra. Sau đó ta làm cái lễ nhỏ để mừng cho thành quả cách mạng khoa học kỹ thuật...”. Ông Trần Văn Phúc hấp háy mắt vui: “Bác nói cứ như nghe trên ti vi hè. Khấn khởi vừa thôi, cuối vụ lo mà lau chùi, dầu mỡ cho đàng hoàng để nó nghỉ ngơi đúng tầm chứ không lơ mơ được mô...”.


Từ mô hình máy gặt của nhóm ông Bổn, anh Nguyễn Văn Như (thôn Hiển Vinh) tìm hiểu kỹ và quyết định đầu tư mua máy gặt đập liên hợp với giá trị 225 triệu đồng từ Cty Cổ phần Cơ khí An Giang. Máy gặt đập kí hiệu GD 2.0 của anh có công suất hoạt động từ 3.000 – 4.000 m2/giờ, lưỡi cắt với chiều rộng 2m. Máy đưa về kịp dịp thu hoạch vụ hè thu, anh Như “ra quân” đưa máy đến các địa phương lân cận để giúp bà con hoàn thành mùa vụ sớm hơn. Máy đã gặt giúp bà con thu được khoảng 20 ha lúa, cho thu nhập 40 triệu đồng. Không những giúp bà con giải quyết nỗi lo về nguồn nhân lực, máy gặt đập liên hoàn còn rút ngắn thời gian thu hoạch lúa, giúp bà con tranh thủ được thời tiết để phơi lúa ngay trong ngày.


Thấy được nhiều cái lợi của máy gặt đập liên hợp, nhiều hộ dân khác trong xã đã quyết định đầu tư. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 5 máy gặt đập với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng. Sở dĩ nông dân Duy Ninh nhanh và nhạy trong việc mua sắm máy gặt đập như vậy là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top