Quảng Ngãi: Tập huấn phòng chống bệnh xì mủ gây hại cây mì

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Chi cục BVTV tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức tập huấn phòng chống bệnh xì mủ trên cây mì (sắn) cho hơn 200 nông dân ở các xã trong huyện Sơn Hà.

Theo Chi cục BVTV tỉnh Quảng Ngãi, qua nghiên cứu thực tế và tiến hành phân tích mẫu bằng kỹ thuật nhân bản gen nhiều lần (PCR), Viện BVTV đã xác định được nguyên nhân gây bệnh xì mủ trên cây mì là do Phytoplasma chứ không phải do nấm Rhizoctonia Solani.

Phytoplasma là một loại vi sinh vật có cấu tạo rất nhỏ được lan truyền qua hom giống và côn trùng môi giới như rầy lá và rầy thân. Cây mì bị bệnh phytoplasma sẽ mọc nhiều chồi như "chồi rồng", các đốt thân sít lại, cành bệnh bị chết khô, hoặc còi cọc, làm ảnh hưởng đến năng suất và hàm lượng tinh bột. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để phòng ngừa cũng như điều trị bệnh này đối với cây mì.

Chi cục đưa ra các giải pháp kỹ thuật trước mắt: đối với diện tích mì bị nhiễm bệnh chờ thu hoạch hiện nay bà con cần tập trung thu hoạch nhanh gọn, vệ sinh tàn dư cây trồng vụ trước, thu gom và đốt để tiêu diệt nguồn bệnh.

Đối với diện tích đất đang chờ trồng mới, những chân đất đã bị nhiễm bệnh nặng cần hạn chế trồng lại mì, còn nếu trồng lại thì tốt nhất nên bố trí thời vụ trồng sao cho bắt đầu thu hoạch từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 1 năm sau; không sử dụng hom mì ở những ruộng bị bệnh làm giống và trồng mì độc canh trên một chân đất quá 2 vụ.

Trước khi trồng vụ mới, bón từ 25-30kg vôi bột khô/sào, sau khi bón vôi cần phơi đất 10-15 ngày trước khi trồng, bón phân đầy đủ và khuyến cáo nông dân trồng mì xen lạc để bổ sung dinh dưỡng cho đất, cần tiến hành xử lý hom giống bằng cách ngâm nước nóng (52-54oC) trong thời gian 40 phút hoặc dùng vôi hòa loãng nồng độ 5% ngâm hom giống khoảng 8-10 phút để diệt vi sinh vật, ngăn ngừa bệnh gây hại cho cây mì.  











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top