Thảo luận QUY TRÌNH KỸ THUẬT GIÂM CÀNH TRONG TRỒNG TRỌT

Giới thiệu:​

Giâm cành là phương pháp nhân giống vô tính, được thực hiện bằng cách sử dụng một đoạn cành tách ra khỏi cây mẹ trồng vào giá thể. Trong những điều kiện môi trường thích hợp, cành ra rễ và sinh cành mới, tạo thành cây hoàn chỉnh. Ví dụ: hoa giấy, rau muống, khoai lang, rau ngót, tiêu, cà phê, chè, nho… là những loại cây thường nhân giống bằng giâm cành.

Khi giâm cành, một cành được lấy từ cây. Nó có thể được cắt thành nhiều phần, miễn là có ít nhất một vài nút và lá trên mỗi phần. Nút hoặc chồi là nơi lá mọc lên. Thân hoặc cành sau đó trở thành “thân” của cây mới. Rễ mọc ra từ phía dưới và các lá và cành mới xuất hiện ở phía trên. Đây là một kỹ thuật không quá phức tạp, tuy nhiên cần sự tỉ mẩm. Vì vậy, kỹ thuật giâm cành thường được sử dụng cho những loại cây có hạt nảy mầm không thành công.

Ưu điểm: Giữ được những đặc tính, tính trạng của cây giống mẹ. Cây trồng từ cành giâm sớm ra hoa, kết quả. Hệ số nhân giống cao, thời gian nhân giống nhanh.

Nhược điểm: Nếu sản xuất với qui mô lớn đòi hỏi phải có đầy đủ trang thiết bị và kỹ thuật cao.

Các giống cây dễ ra rễ như dâu tây, nho, dưa leo, cây chè xanh, đỗ quyên, tử đinh hương, cây hoa vân anh, cây kim ngân hoa, hoa cà, dâm bụt, cây trúc đào, vv.

Các giống cây khó ra rễ như vải, xoài, táo, nhãn.

Kỹ thuật giâm cành được phân loại đối với các loài cây dưới đây:

- Đối với các loại cây thân thảo, không thân gỗ như cây huyết dụ, hoa cúc, thược dược. Một đoạn thân dài 8-12 cm được cắt từ cây mẹ. Các lá ở 1/3 dưới đến 1/2 của thân bị cắt bỏ. Tỷ lệ cành giâm ra rễ cao và tốc độ ra rễ rất nhanh.

- Đối với các loại cây thân gỗ mềm, mọng nước, mới mọc. Chồi thích hợp để làm hom nếu chúng có thể bẻ gãy dễ dàng khi uốn cong.

- Đối với hầu hết các cây thân gỗ, các chồi non khá mềm, phải cẩn thận hơn để giữ cho chúng không bị khô.

Lưu ý trong kỹ thuật giâm cành giâm cành nên áp dụng đối với những cây khỏe mạnh, sạch bệnh, tốt nhất là từ phần trên của cây. Tránh lấy cành giâm từ những cây có biểu hiện thiếu dinh dưỡng. Ngược lại, những cây được bón nhiều phân, đặc biệt là với đạm, có thể không ra rễ tốt. Sáng sớm là thời điểm tốt nhất để giâm cành. Phải giữ cho cành trong râm mát và ẩm cho đến khi chúng được giâm xuống đất. Nếu việc thao tác giâm cành bị chậm lại, hãy bảo quản chúng trong túi nhựa trong tủ lạnh.

Lưu ý: Tại sao giâm cành ra lá non nhưng vẫn bị chết?

– Rất nhiều người gặp phải trường hợp cành giâm ra lá non rất nhiều nhưng lại không sống được.

– Nguyên nhân do trong thân còn dinh dưỡng, các chồi mới đã lấy dinh dưỡng để ra lá trông như đã sống. Thực tế khi nhổ lên thì phần cắm vào đất bị đen và thối hỏng, không hề ra rễ.

– Để tránh tình trạng này thì trước khi trồng nên chọn đúng cành bánh tẻ, chiều dài cành phải hợp lý tùy theo loại cây, đặc biệt nên ngâm với kích rễ và cắm cành xiên một góc 45 độ.

Hướng dẫn triển khai và ứng dụng mô hình:​

2.1. Chuẩn bị hom giống​

– Cần chọn được những cây đầu dòng làm giống theo tiêu chuẩn giống cây trồng quốc gia. Trên cây đầu dòng, chọn những cành bánh tẻ ngoài mặt tán, vừa mới ổn định sinh trưởng, vỏ cành đang chuyển màu nâu, không bị sâu bệnh để cắt thành các hom giống.

– Đối với cây chè, thường bố trí vườn sản xuất cành giống riêng, có chế độ chăm bón tốt, không thu hái búp, để cành vươn dài làm giống.

Chất lượng cành giâm phải lấy trên cây mẹ tốt, giữa tầng tán, chiều dài từ 10-15 cm, ở trạng thái bánh tẻ, đường kính 0,5 cm, có 2-4 lá.

2.2. Chuẩn bị vườn ươm giâm hom​

– Chọn khu đất cao, khuất gió, gần nguồn nước tưới và đường vận chuyển, độ dốc không quá 5 độ. Ở những vùng cao, vùng gò đồi, chọn loại đất đỏ vàng, có độ pH 4,5 – 6,0 đất tơi xốp. Đất được cày cuốc sâu 25 – 30 cm, làm nhỏ, lên luống cao 10 – 20 cm, rộng 1 – 1,2 m, luống cách nhau 50 cm, làm rãnh. Trên mặt luống rải chất nền dày 10-12 cm. Chất nền là cát non sạch hoặc 2/3 cát non cùng 1/3 mùn cưa đã ngâm nước vôi trong, phơi khô hoặc đất đỏ vàng lấy ở dưới lớp đất mặt 10 – 20 cm.

– Làm dàn che trên và xung quanh các luống vườn ươm, gồm các khung cột đỡ cao 1,6 -1,8 m. Phía trên lớp bằng lá lau, cỏ tế, phên nứa, có thể lợp bằng ni lông đục các lỗ nhỏ. Xung quanh che kín bằng cót hoặc phên nứa …

– Có thể giâm hom bằng các túi bầu bằng nilon 12 – 18 cm, dưới đáy đục 6 – 8 lỗ và lót bằng hỗn hợp gồm 1/2 đất mặt được sàng sạch cộng với 1/2 phân chuồng hoai mục, phía trên đổ một lớp đất đỏ vàng dày 5 – 7 cm. Các túi bầu cũng xếp thành các luống và làm dàn che.

2.3. Cắt và cắm hom​

– Cắt cành giống vào những ngày râm, mát, mưa nhẹ hoặc sáng sớm, chiều mát. Dùng dao sắc cắt vát cành giâm có đường kính 0,5 cm, cắt thành các hom dài 5 – 7 cm có 2 – 4 lá. Cắt xong, phun nước lã và đặt đứng vào các xô chậu có nước cao 5 cm, che đậy. Đem ngay về vườn ươm. Bỏ ngọn cành và phần sát thân cây mẹ, cắt bớt phiến lá, làm giảm sự thoát hơi nước của cành giâm. Cắt vát cành giâm có tác dụng làm tăng khả năng hút nước của cành giâm và làm tăng lực (áp lực) khi cắm cành giâm

Đối với chè thì mỗi hom dài 3-4 cm có 1 lá và mầm nách lá. Có thể cắt bớt một phần phiến lá để tránh bốc hơi nước. Cắt hom xong phải cắm giâm ngay.

Xử lý cành giâm: Nhúng cành giâm vào dung dịch thuốc kích thích ra rễ, nhúng sâu từ 1 - 2 cm trong thời gian 5 - 10 giây. Sau đó vẩy cho khô. Làm cho rễ cành giâm mau hình thành. Hiện nay, trước khi giâm, các hom được xử lý bằng một trong các chất kích thích ra rễ như IBA và NAA, rồi mới cắm.

– Chất IBA dùng cho chè, nhúng 1 đầu hom vào dung dịch trong 5 – 10 giây, nếu hom còn xanh, dung dịch pha 2.000ppm, hom hóa gỗ 1/3 (3.000 – 4.000 ppm) và hom hóa gỗ hoàn toàn (400 – 600ppm).

– Chất -NAA dùng cho cây có múi và cây ăn quả khác. Cách nhúng hom và thời gian, nồng độ của dung dịch như trên.

2.4. Cắm hom vào luống​

Cắm 160 hom/1m2, với khoảng cách 6 x 10 cm; để mặt lá cách mặt đất 1 cm, nén chặt đất và tưới ngay. Chất nền có độ ẩm 80 – 85%.

Cắm cành giâm hơi chếch so với mặt luống với độ sâu 3 – 5 cm, khoảng cách các cành là 5 cm x 5 cm hoặc 10 cm x 10 cm. Nếu cắm vào bầu thì mỗi bầu một cành và xếp các bầu sát nhau để tiện chăm sóc. Cắm cành giâm hơi chếch so với mặt luống có tác dụng làm tăng khả năng quang hợp của lá và cành non khi cành giâm phát triển.

2.5. Thời gian giâm hom​

– Cây chè: cắt cành giâm hom từ tháng 6 – 7 đến cuối mùa Thu. Cây ăn quả: giâm vào các tháng 2 – 4 và tháng 9 – 10.

– Sau khi cắm hom cho tới khi ra rễ, cần luôn giữ ẩm trong vườn ươm, tưới phun mưa hàng ngày, trữ khi trời mưa. Nhiệt độ thích hợp là 21 – 25 độ C. Sau 1 tháng thì tưới 3 – 5 ngày/lần, sau 3 tháng thì 7-15 ngày/lần tùy theo thời tiết.

– Điều chỉnh ánh sáng vườn ươm: sau 3 – 5 tháng, tách dần dàn che từ 1/3 – 1/2. Trên 6 tháng: bỏ dàn che.

2.6. Chăm sóc​

Tưới nước thường xuyên dưới dạng sương mù đảm bảo cho mặt luống luôn ẩm. Phun thuốc trừ nấm và vi khuẩn.

Sau khi giâm khoảng 15 ngày, kiểm tra thấy rễ mọc nhiều, dài và hơi chuyển từ màu trắng sang màu vàng thì chuyển ra vườn ươm hoặc đưa vào bầu đất

Sau khi cắm hom 1,5 – 2 tháng thì tưới nước phân chuồng pha loãng 0,5%, sau 4 – 5 tháng thì pha 1%.

Bón thúc bằng phân khoáng: cứ 1m2 mặt luống bón với lượng tăng dần: sau 2 tháng: 5g urê + 4gsupe lân + 7g kali, sau 4 tháng: 14g ure + 6g supe lân + 10g kali; sau 6 tháng: 18g ure + 8g supe lân + 14g kali.

2.7. Xuất vườn trồng mới​

Đối với cây chè: cây cao 20 cm đường kính gốc 3 – 4 mm, có 6 – 8 lá thật, khoảng 6 tháng tuổi.

Đối với cây ăn quả: cây cao 40 – 60 cm, có 2 cành lá cấp 1 trở lên, đường kính gốc 5 – 6 mm.

Trồng mới theo quy trình kỹ thuật của từng loại cây

Bạn có thể tham khảo quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại VN Check để biết thêm chi tiết

Tài liệu tham khảo:​

 


File đính kèm

  • 01 - Slide cua du an.png
    01 - Slide cua du an.png
    497.3 KB · Lượt xem: 81.095


Back
Top