QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG XOÀI ÚC R2E2

Cây xoài R2E2 có nguồn gốc từ Australia, giống xoài Úc R2E2 ở Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao Khánh Hòa là giống xoài ghép với tổ hợp lai gốc ghép địa phương xoài Canh Nông với mắt ghép xoài R2E2 du nhập từ Úc
I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ XOÀI ÚC R2E2
Cây xoài R2E2 có nguồn gốc từ Australia, giống xoài Úc R2E2 ở Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao là giống xoài ghép với tổ hợp lai gốc ghép địa phương xoài Canh Nông với mắt ghép xoài R2E2 du nhập từ Úc. Đây là giống đa phôi, thuộc nhóm chín trung bình, thời gian từ ra hoa đến thu hoạch 4,5 tháng. Trái to, thịt dày, chắc, hạt lép; trọng lượng trung bình 800g – 1.000g/trái. Chất lượng trái khi chín ngọt vừa (độ Brix 14-15%), có mùi thơm đặc trưng và có màu sắc ửng đỏ trên vai trái rất đẹp. Sinh trưởng và phát triển mạnh, ít sâu bệnh. Ra hoa tập trung, phát hoa dài 45 – 50cm, tỉ lệ đậu trái cao và thời điểm ra hoa sớm hơn xoài địa phương 30 ngày.
Xoài Úc R2E2 có thể chịu đựng ở nhiệt độ từ 10 - 46oC, nhưng thích hợp nhất từ 24-27oC. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1000 - 1200mm, ẩm độ không khí từ 70 - 90%. Xoài trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng thích hợp nhất là đất cát pha, thịt nhẹ, đất phù sa ven sông, có tầng canh tác dày ít nhất 1 m và mực nước ngầm thấp hơn 80cm, độ pH thích hợp từ 5,5 – 7 và độ cao vùng trồng xoài không quá 600m so với mặt nước biển.
II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC XOÀI ÚC R2E2
1. Chuẩn bị đất trồng

Đất được cày bừa kỹ, bằng phẳng, sạch cỏ dại, đào hố có kích thước 40 x 40 x 40 cm, trộn đều với đất hỗn hợp phân gồm 10 kg phân hữu cơ hoai mục + 500g Super lân + 200g NPK 20-20-15 (hoặc 16-16-8) + 500g vôi/hố và lấp đầy miệng hố, thực hiện trước khi trồng khoảng 30 ngày. Chú ý vườn đồi núi nên đào hố theo đường đồng mức để tránh xói mòn đất.
2. Giống
Chọn cây giống có thân thẳng, mập, lá xanh tốt và có ít nhất 2 tầng lá tương đương với chiều cao tính từ mặt bầu 70-80 cm. Cây không bị sâu bệnh và không cụt ngọn.

3. Thời vụ trồng, mật độ, khoảng cách và cách trồng
Xoài Úc R2E2 có thể trồng được quanh năm nơi chủ động được nguồn nước tưới, tuy nhiên để đạt tỉ lệ sống cao thường trồng vào những tháng mùa mưa, ở Khánh Hòa thường trồng vào tháng 9 đến tháng 12 dương lịch.
Tùy vào điều kiện đất đai và mức độ thâm canh có thể trồng với mật độ 200 – 240 cây/ha, tương ứng với khoảng cách 7 x 7 m, 8 x 6 m và 7 x 6 m.
Đào một lổ giữa hố trồng, tháo bỏ túi bầu đặt cây vào hố và ém chặt đất lại sao cho mặt bầu cây ghép ngang với hố trồng. Dùng nẹp tre cố định cây để không bị gió lay gốc.

4. Kỹ thuật chăm sóc

4.1. Thời kỳ kiến thiết cơ bản (3 năm)

4.1.1. Tưới nước:

- Sau trồng tưới nước ngay để bộ rễ tiếp xúc tốt với lớp đất trong hố trồng, cứ 2-3 ngày khi thấy khô mặt hố tiến hành tưới, khi cây bén rễ các lần tưới cách xa dần 7 – 10 ngày tưới/lần.

- Từ năm thứ 2 trở đi tùy điều kiện thời tiết, đất đai có thể định kỳ tưới 15 – 30 ngày/lần và tưới kết hợp với các đợt bón phân thúc cho xoài. Lượng nước tưới dao động từ 50 – 80 lít/cây. Nên thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn xoài để tiết kiệm nguồn nước và các chi phí khác.

4.1.2. Tỉa cành, tạo tán:

- Thường xuyên thăm vườn tỉa bỏ những chồi mọc trên gốc ghép để tập trung dinh dưỡng nuôi cây, lưu ý không được tháo bỏ dây mắt ghép mà để chúng tự hủy.

- Sau trồng khoảng 3 tháng cây ra lộc, khi lá ngọn chuyển sang màu xanh thẫm tiến hành cắt ngọn tạo cành cấp 1, chiều cao cắt ngọn tính từ mặt bầu từ 70 – 80 cm. Chỉ để lại 3 chồi (cành cấp 1) to khỏe, cách đều 3 hướng so với thân cây.

- Khi cành cấp 1 có từ 2,5 tần lá tương đương chiều dài khoảng 60 – 70 cm tiến hành cắt ngọn tạo cành cấp 2, cũng giữ lại 3 cành như khi tạo cành cấp 1.

- Tiến hành tạo cành cấp 3 cũng tương tự như khi tạo cành cấp 2 và lúc này bộ tán xoài đã hoàn chỉnh (tạo đủ là 27 cành), nếu kiểm soát tốt thời gian hoàn tất bộ khung xoài khoảng từ 18 – 24 tháng. Về sau chỉ định kỳ tỉa bỏ những cành trong tán, cành tăm, cành sâu bệnh.

4.1.3. Làm cỏ, xới xáo:

- Khi xoài còn nhỏ định kỳ làm cỏ trong gốc 1 lần/tháng và dùng máy xới xáo giữa hàng xoài để diệt cỏ dại, hạn chế sâu bệnh hại.

- Từ năm thứ 2 đến năm thứ 3 hạn chế dùng thuốc cỏ, chỉ dùng 1-2 lần/năm. Nên cày giữa hàng diệt cỏ dại đồng thời tạo độ tơi xốp đất, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ rễ xoài phát triển tốt.

4.1.4. Bón phân:

- Sau trồng định kỳ 7 – 10 ngày dùng phân nước Humic pha loãng 1% tưới cho cây, liều lượng 4 lít/cây sau đó tưới lại bằng nước trong. Khi cây được 6 tháng tuổi định kỳ tưới phân 1 tháng/lần và tưới khoảng 5 – 7 lít/gốc.

- Năm thứ 2: Đào rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây bón 300 – 500g phân NPK 20-20-15 (hoặc 16-16-8) + bón 10 – 15 kg phân hữu cơ hoai mục/gốc, thời điểm bón vào đầu hoặc cuối mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch.

- Năm thứ 3: Đào rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây bón 400 – 600 g phân NPK 20-20-15 (hoặc 16-16-8) + bón 15 – 20 kg phân hữu cơ hoai mục và 500 g vôi/gốc, thời điểm bón vào đầu hoặc cuối mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 dương lịch.

4.1.5. Phòng trừ sâu bệnh:

- Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản vào mùa nắng các đối tượng sâu bệnh gây hại chủ yếu gồm bọ trĩ chích hút lá non; nhện đỏ gây hại cả lá già; bọ cánh cam, xén tóc gây hại lá non, chồi non; sâu đục cành; bệnh bồ hóng và bệnh nấm hồng.

- Thường xuyên thăm vườn, tỉa bỏ cành lá bị sâu bệnh, vệ sinh vườn sạch sẽ. Dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, ưu tiên thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho xoài.

4.2. Thời kỳ kinh doanh

Cây xoài Úc R2E2 chăm sóc tốt năm thứ 3 ra trái bói và bước sang năm thứ 4 bắt đầu ra hoa đậu trái ổn định hàng năm. Các công đoạn chăm sóc trong thời kỳ này gồm:

4.2.1. Tỉa cành, tạo tán, vệ sinh vườn xoài sau thu hoạch:

- Sau khi thu hoạch xong khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 dương kịch hàng năm, tiến hành bấm đọt các cành mang hoa, quả; tỉa bỏ cành lá sâu bệnh, càng bị che khuất trong tán, yêu cầu làm sao cho bộ tán xoài cân đối và thông thoáng.

- Dọn sạch tàn dư cành lá sâu bệnh dưới gốc xoài, tốt nhất nên đưa ra khỏi vườn. Vệ sinh vườn sạch sẽ bằng việc cắt cỏ hoặc cày xới giữa hàng xoài, hạn chế dùng thuốc diệt cỏ.

4.2.2. Bón phân:

- Sau khi tỉa cành tạo tán xong, tiến hành đào rãnh cách gốc 2/3 đường kính tán cây và xới xáo xung quanh gốc. Định kỳ hàng năm bón 0,5 – 1 kg vôi + 20 – 30 kg phân hữu cơ hoai mục /gốc

- Phân NPK chia làm 3 thời điểm chính để bón.

+ Lúc tỉa cành, tạo tán, vệ sinh vườn sau thu hoạch (khoảng tháng 8): Bón từ 0,5 – 1,5 kg NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8 (tùy theo tuổi cây và mức độ cho quả năm trước)/gốc. Chú ý bón lót theo tỉ lệ Đạm > Lân > Kaly (N > P2O5 > K2O), trộn đều phân NPK với đất xung quanh gốc.

+ Trước khi ra hoa (sắp kết thúc mùa mưa tháng 11): Bón từ 0,5 – 2 kg NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8/gốc. Lúc này tỉ lệ Lân > Kaly > Đạm (P2O5 > K2O > N).

+ Khi kết thúc rụng trái sinh lý (khoảng 45 - 60 ngày sau ra hoa): Bón từ 0,1 – 3 kg NPK 20-20-15 hoặc 16-16-8/gốc. Lúc này tỉ lệ Kaly > Đạm > Lân (K2O >N > P2O5).

Ngoài ra dùng chế phẩm phân bón lá ở các thời điểm sau:

+ Khi cây ra lộc (2-3 đợt lộc từ tháng 8-9) dùng chế phẩm phân bón lá NPK 16-16-8 hoặc 20-20-20 và phân có chứa nguyên tố Bo để phun xịt theo chỉ dẫn trên bao bì.

+ Khi xoài ra hoa đậu trái dùng các chế phẩm phân bón lá NPK có chứa Bo và các nguyên tố vi lượng khác phun lên cây nhằm kích thích ra hoa, đậu quả, tăng sinh trưởng và hạn chế sâu bệnh với liều lượng chỉ dẫn trên bao bì, mỗi lần cách nhau 10 – 15 ngày. Khi đậu trái trứng cá phun thêm chế phẩm siêu canxi với lượng theo chỉ dẫn. Sau khi xoài đậu trái 70-80 ngày dùng KNO3 nồng độ 1-1,5% phun lên cây để tăng phẩm chất trái.

4.2.3. Tưới nước:

- Nên lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước tưới, hạn chế cỏ dại, giảm được sâu bệnh, giảm chi phí công lao động.

- Sau khi bón phân cần định kỳ tưới nước để cây hấp thu dinh dưỡng tốt, ra lộc khỏe và tập trung, kết thúc ra lộc (khoảng tháng 10) là thời kỳ cây đi vào ngủ nghỉ yêu cầu có thời gian khô hạn nên không tưới, khi cây ra bông bắt đầu tưới trở lại, tùy theo độ ẩm của vườn xoài và các giai đoạn phát triển trái có chế độ tưới thích hợp, định kỳ tưới 7 ngày/lần, lượng nước tưới từ 100-200 lít/gốc/lần tưới cho xoài từ 5-15 tuổi, nếu quá thiếu nước hoặc dư thừa nước cũng đều làm cho xoài rụng hoa và trái hàng loạt. Trước thu hoạch 15 ngày ngừng tưới nước để tăng phẩm chất và màu sắc trái xoài.

4.2.4. Phòng trừ sâu bệnh:

Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh vườn xoài để phát hiện sớm và phòng trừ hiệu quả. Các đối tượng sâu bệnh gây hại chủ yếu trên cây xoài gồm:

* Sâu hại

- Rầy bông xoài (Idioscopus spp.)

Gây hại trên các bộ phận non như bông, đọt, lá và trái non, rầy chích hút làm lá và phát hoa bị khô, trái rụng. Rầy thải ra mật đường làm nấm bồ hóng phát triển gây đen bông và trái.

Phòng trừ :

- Tỉa cành tạo điều kiện thông thoáng để hạn chế sự phát triển của rầy.

- Một số loài thiên địch rầy bông xoài như: Bọ xít ăn thịt (Revudiidae), ong ký sinh và nấm Verticellium lecanii, Hirsutella sp.

- Dùng Congphai 10EC, Amico 10EC, Actara 25WG, Secsaigon 50EC… phun theo liều lượng chỉ dẫn trên bao bì.

- Bọ trĩ (Bù lạch) (Scirtothrips dorsalis Hood)

Cả con trưởng thành và ấu trùng đều tập trung ở bộ phận lá non, hoa và trái để chích hút nhựa, làm lá thâm đen và cong queo, trái tạo thành vùng da cám xung quanh cuống trái và tạo vết thương gây bệnh xì mủ trái. Bọ trĩ phát triển mạnh khi thời tiết nắng nóng.

Phòng trừ:

- Dùng vòi nước áp lực cao phun phía dưới mặt lá.

- Dùng dầu khoáng SK Enspray oil 99 EC + Actara 25 WG, Congphai 10EC, Amico 10EC, Actara 25WG, Admire 050EC… phun theo liều lượng chỉ dẫn trên bao bì, phun tập trung và trên diện rộng.

- Rệp sáp (Pseudoccoccus sp)

Có nhiều loài rệp sáp gây hại trên xoài nhưng quan trọng là loài gây hại trên trái làm ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất của trái. Rệp sáp trú ở mặt dưới lá, chích hút nhựa lá non, cuống trái, chất thải của rệp tạo điều kiện nấm bồ hống phát triển làm cho trái chậm lớn.

Phòng trừ :

- Bảo tồn thiên địch như: Ong ký sinh và bọ rùa ... để hạn chế rệp sáp.

- Phun thuốc hóa học như : Dầu khoáng SK Enspray oil 99 EC, Admire 050 EC, Dimenat 20 EC, Tasieu 1.9EC … với liều lượng chỉ dẫn trên bao bì.

- Sâu đục trái (Noorda albizonalis)

Bướm đẻ trứng trên trái xoài non ở phần đít trái, sâu non ăn phần thịt trái khi lớn ăn hạt xoài, nấm xâm nhập làm rụng và thối trái.

Phòng trừ:

- Sử dụng bao trái.

- Thu gom trái bị hại đem hủy.

- Dùng Cyperin 5EC ;10EC; 25EC (Cypermethrin), Secsaigon 50EC, Tasieu 1.9EC; 2.5EC (Emamectin Benzoate), Conphai 10EC (Imidacloprit)…

- Ruồi đục trái (Bactrocera dorsalis)

Ruồi đục trái là đối tượng kiểm dịch khi xuất nhập khẩu trái cây. Ruồi tấn công lên nhiều loại cây trồng, trái xoài bị ruồi đục làm giảm giá trị thương phẩm, chất lượng và không xuất khẩu được.

Phòng trừ :

- Phải sử dụng bao trái.

- Không trồng xen các loại cây ăn trái khác trong vườn xoài.

- Thu, hái và đem tiêu hủy toàn bộ trái rụng trên mặt đất và trái còn đeo trên cây vì là nơi ruồi trú ngụ.

- Dùng feremone dẫn dụ để giết ruồi đực, phun bả mồi protein thủy phân, keo dán ruồi đục trái…

- Bọ Cánh cam (Hypomeces squamosus Coleoptera Cucurlionidae)

Là loại bọ cánh cứng, hình bầu dục dài 7-10mm, gây hại quanh năm chúng ăn khuyết lá non, cắn đứt chồi non, làm rụng hoa và trái non.

Phòng trừ :

- Vệ sinh vườn và xung quanh gốc xoài sạch sẽ, tỉa cành thông thoáng.

- Rắc thuốc Padan 4GR, Gà nòi 4GR, Patox 4GR xung quanh gốc tiêu diệt ấu trùng, dùng thuốc nặng mùi để xua đuổi Hopsan 75EC, Dimenat 20EC, Bascide 50EC phun vào lúc chiều mát.

- Bọ cắt lá (Deporaus marginatus)

Thường gây hại nặng trong vườn ươm cây con hoặc ở vườn xoài mới ra đọt non vào mùa khô.

Phòng trừ :

- Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt.

- Thu dọn các lá bị hại trong vườn đem tiêu hủy, rắc thuốc Padan 4GR, Gà nòi 4GR, Patox 4GR xung quanh gốc tiêu diệt ấu trùng.

- Dùng Sherpa 25EC, Secsaigon 50EC, Karate 2,5EC liều lượng theo chỉ dẫn trên bao bì và phun vào lúc chiều mát.

- Nhện đỏ (Oligonichus sp.)

Nhện chích hút dịch lá, trái làm cho lá có màu đồng hoặc xám bạc và làm vỏ trái sần sùi gây hiện tượng da cám. Nhện đỏ phát triển mạnh khi thời tiết nắng nóng.

Phòng trừ :

- Dùng vòi nước áp lực cao phun phía dưới mặt lá.

- Bảo tồn thiên địch để hạn chế được sự bộc phát của nhện.

- Khi mật số nhện cao sử dụng thuốc Ortus 5SC, Alfamite 15EC, Bihopper 270EC... phòng trị theo liều khuyến cáo trên bao bì.

* Bệnh hại xoài

- Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra.

Bệnh gây hại nặng vào mùa mưa, bệnh gây hại trên lá, cành non, phát hoa và tất cả các giai đoạn phát triển của trái.

Phòng trừ:

- Tạo thông thoáng cho vườn (mật độ cây trồng hợp lý, tỉa cành tạo tán).

- Cắt tỉa và tiêu hủy các lá, cành, trái bị bệnh.

- Không nên tưới nước lên tán cây khi cây bị bệnh.

- Dùng thuốc đặc trị Amistar 250 SC(Azoxystrobin), Amistar Top 325SC, Dithane M45 80WP, Antracol 70WP để phun xịt theo chỉ dẫn trên bao bì vào lu1x sáng sớm hoặc chiều mát.

- Bệnh thối trái, khô đọt do nấm Diplodia natalensis gây ra.

Bệnh gây hại trong điều kiện nóng ẩm, nhất là trong mùa mưa. Trên trái bệnh tấn công vào giai đoạn thu hoạch và tồn trữ, làm thịt trái bị chai sượng, bên trong thịt trái ta thấy những sọc đen chạy dọc theo trái.

Phòng trừ:

- Khi thu hoạch nên chừa cuống trái khoảng 5cm, không làm trái bị tổn thương cơ học trong khi thu hoạch cũng như lúc vận chuyển.

- Không thu hoạch trái lúc sáng sớm hoặc sau mưa.

- Dùng Anvil 5SC, Starner 20EC, Dithane M45-80WP, Daconil 75WP để phun xịt theo chỉ dẫn trên bao bì.

- Bệnh da ếch do nấm Chaetothyrium sp gây ra.

Bệnh nhiễm rất sớm khi trái còn non bệnh nhẹ làm giảm giá trị thương phẩm, bệnh nặng sẽ làm hư vỏ trái.

Phòng trừ:

- Phải sử dụng bao trái.

- Thường xuyên tỉa bỏ cành lá sâu bệnh, vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn.

- Dùng Anvil 5SC, Dithane M45-80WP, Daconil 75WP để phun xịt theo chỉ dẫn trên bao bì.

- Bệnh bồ hóng do nấm Capnodium sp gây ra.

Bệnh phát triển thành từng mảng muội đen trên mặt lá, cành, hoa, quả non làm rụng hoa, quả non và làm giảm chất lượng quả xoài. Bệnh thường xuất hiện vào mùa nắng, trên các vườn ít chăm sóc, bị rầy và rệp gây hại mạnh.

Phòng trừ:

- Bón phân cân đối, hợp lý, tưới nước đủ ẩm, tiến hành tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành trong tán tạo vườn thông thoáng hạn chế sâu bệnh.

- Pha nước xà phòng phun kỹ trên tán sẽ làm cho nấm bồ hóng bong, trôi đi.

- Dùng Anvil 5SC, COC 85, Dithane M45-80WP, Daconil 75WP và các loại thuốc phòng trừ rầy, rệp, bọ trĩ để phun xịt theo chỉ dẫn trên bao bì.

- Bệnh phấn trắng do nấm Oidium mangiferae gây ra.

Bệnh gây thiệt hại nặng nhất trong giai đoạn trổ hoa đến đậu trái, trong điều kiện nóng ẩm và có sương đêm, bệnh làm rụng hoa, trái và làm trái biến dạng.

Phòng trừ:

- Cắt tỉa cành, tạo tán cho cây phát triển mạnh, cung cấp phân bón đầy đủ.

- Dùng Anvil 5SC, Daconil 75WP (500SC), Mancozeb 80WP để phun xịt theo chỉ dẫn trên bao bì.

- Bệnh nấm hồng do nấm Corticium salmonicolor gây ra.

Bệnh thường phát triển trên những cây có tàn lá rậm rạp và che khuất nhau, nhất là vào những tháng mưa nhiều.

Phòng trừ:

- Tạo thông thoáng cho vườn.

- Cắt bỏ và tiêu hủy các nhánh nhiễm bệnh.

- Dùng Anvil 5SC, Dithane M45-80WP + Aliette 800WG để phun xịt theo chỉ dẫn trên bao bì.

- Bệnh xì mủ trái do Vi khuẩn Xanthomonas campestris pv. Mangiferae.

Bệnh này gây hại trên cả trái và lá xoài. Trên trái có nhiều vết nứt gây xì mũ, lá có nhiều đốm đen bất định gây khô lá.

Phòng trừ:

- Phải sử dụng bao trái.

- Không nên phun nước lên lá xoài khi cây bị bệnh để tránh lây lan bệnh ra cả vườn.

- Bảo tồn thiên địch để hạn chế nhện đỏ và bù lạch.

- Dùng Starner 20EC, Mancozeb 80W+ Aliette 800WG P, Zineb 70WP để phun xịt theo chỉ dẫn trên bao bì.

4.2.5. Thu hoạch và bảo quản:

* Thu hoạch

Khi thấy trên vai trái căng tròn có màu ửng đỏ, cuống trái lún xuống, đít trái tròn ra là xoài đã đến tuổi thu hoạch, dùng sào chuyên dụng để hái trái, cắt cuống để chừa lại một đoạn dài từ 3-5cm, nhẹ nhàng đặt vào sọt tránh làm sứt cuốn xoài, tránh không cho mủ trái xoài dính vào da trái và chuyển nhanh đến nơi tiêu thụ. Nên thu hoạch xoài lúc trời mát từ 8 giờ sáng và kết thúc 15 giờ chiều, không thu hoạch sau mưa hoặc lúc có sương mù nhiều vì trái dễ bị thối nhũn khi tồn trữ.

* Bảo quản

- Ở nhiệt độ bình thường xoài Úc R2E2 có thể giữ trái được khoảng 12-15 ngày. Để kéo dài thời gian bảo quản trên 60 ngày nên giữ trái trong điều kiện nhiệt độ là 120C và ẩm độ khoảng 90%. Trong quá trình bảo quản nên thông gió thường xuyên và chú ý tạo đối lưu đồng đều trong kho lạnh.

- Trước khi bảo quản cần chọn những trái đủ chín sinh lý, đồng đều, không có vết sướt cơ học, không sâu bệnh, bẻ cuốn để ráo mũ sau đó cho qua hệ thống nước nóng 50-55oC trong thời gian 5-10 phút, sau đó vớt ra dùng khăn sạch lau chùi trái, đóng thùng và đưa vào kho lạnh bảo quản
QUÝ KHÁCH HÀNG CÓ NHU CẦU MUA CÂY GIỐNG xin vui lòng liên hệ 02583 740828
»
 


File đính kèm

  • 1. 1xoài úc R2E2.jpg
    1. 1xoài úc R2E2.jpg
    88.8 KB · Lượt xem: 91.297
  • 1. logo cnc.jpg
    1. logo cnc.jpg
    25.9 KB · Lượt xem: 11
  • 14 xoài giống.JPG
    14 xoài giống.JPG
    263 KB · Lượt xem: 11
  • 1. 1xoài úc R2E2.jpg
    1. 1xoài úc R2E2.jpg
    88.8 KB · Lượt xem: 12
màu sắc ửng đỏ trên vai trái?
Màu ửng đỏ trên trái cây là do rám nắng. Chỗ nào nhiều nắng thì đỏ, chứ không phải vai trái.
Cho trái xoài chín "qua hệ thống nước nóng 50-55oC trong thời gian 5-10 phút" là sai.
 


Back
Top