Sáng chế Phạm Hoàng Thắng

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Bây giờ nói tới anh Phạm Hoàng Thắng thì ít nhiều nông dân ĐBSCL biết tới. Đó là kết quả của một chặng đường bền bỉ anh thở cùng nhịp đập với nhiều nông dân trong vùng. Anh Thắng sinh ra trong một gia đình nông dân “nòi” ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Tuổi thơ anh có chút khác biệt với những trẻ con khác trong xóm là làm ruộng đối với anh vừa là công việc vừa là thú vui. Khi lớn lên được học hành hiểu biết, anh luôn suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để cải tiến công cụ, cách làm việc.


Từ một chuyện tưởng chừng như giản đơn, còn nhớ hồi đó khi sắp vào vụ lúa đông xuân nông dân thường phải phát sạch cỏ trong ruộng và kéo lên bờ để chuẩn bị gieo sạ, công việc nặng nhọc vì phải ôm từng bó cỏ lên bờ. Thế là anh đã nghĩ ra cách dùng tấm nylon rộng, cột hai đầu, làm thành chiếc xuồng và kéo nhiều cỏ lên bờ vừa nhanh gọn vừa dễ dàng.


Thời thơ ấu trôi qua, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học vào năm 1990 rời quê anh khăn gói lên TP HCM tìm con đường đi mới. Anh lăn lộn trong ngành sản xuất đồ nhựa suốt 9 năm ròng. Nhưng tình cờ trong một lần về thăm quê, người chú anh cho biết có một loại máy sạ hàng do Viện Lúa ĐBSCL đang giới thiệu về cho địa phương giúp gieo sạ lúa thẳng hàng, tiết kiệm hạt giống, lúa dễ chăm sóc và năng suất cao. Tuy nhiên máy làm bằng sắt nên nặng nề, bất tiện cho nông dân sử dụng. Bằng kinh nghiêm gần 10 năm trong nghề, anh tự nghĩ tại sao không thay thế sắt bằng nhựa để máy được nhẹ hơn. Nghĩ là làm, anh lao vào nghiên cứu tạo mẫu, làm khuôn, thử nghiệm, khắc phục những thiếu sót, cuối cùng máy sạ hàng bằng nhựa ra đời vào những năm cuối của thế kỷ 20. Anh cũng thành lập công ty TNHH tại 166 Bình Thới, quân 11, TP HCM để chuyên sản xuất máy sạ hàng.


Thế rồi khi nhu cầu nông dân vùng ĐBSCL ngày càng tăng lên, anh quyết định di chuyển về Cần Thơ đầu tư nhà xưởng và thành lập doanh nghiệp tư nhân nhựa mang tên Hoàng Thắng tại số 239, quốc lộ 91, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) để sản xuất và phân phối sản phẩm gần với nông dân hơn. Bẵng qua từ đó đến nay DN của anh đã cung cấp trên một trăm ngàn chiếc máy sạ hàng phục vụ sản xuất trên khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt DN Hoàng Thắng đã xuất khẩu sản phẩm này đi Cambodia, Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh và Philippines với số lượng khoảng 10.000 máy.


So với trước đây, mẫu máy hiện thời được cải tiến rất đa dạng, phong phú. Anh thiết kế nhiều vòng nhựa có thể điều chỉnh được số lỗ cho hạt lúa rơi xuống. Do đó nông dân có thể sạ theo hàng với nhiều khoảng cách khác nhau hoặc điều chỉnh thành sạ hốc với khoảng cách 20x10 hoặc 20x20cm và khi nhìn đám ruộng lúc 20 ngày sau sạ không khác gì ruộng lúa cấy.


Trong những lần giao máy sạ hàng ở nhiều địa phương xa, anh lại thấy khi phun thuốc bảo vệ cây trồng, nông dân thường đi phía sau vào ruộng vừa mới phun thuốc nên rất nguy hiểm, dễ nhiễm độc. Anh nghĩ tại sao mình không vận dụng nguyên lý vận hành của máy sạ hàng để giúp nông dân an toàn hơn. Từ ý tưởng đó, anh thiết kế và chế tạo được xe phun xịt dung dịch. Khi vận hành xe này, người kéo đi trước, vòng quay của bánh xe liên kết với các tay đòn và piston để tạo áp lực cho thùng chứa dung dịch. Thế nhưng xe vận hành tuy khá tốt trên đồng ruộng nhưng người kéo rất nặng nhọc. Sau đó được sự góp ý của cán bộ kỹ thuật Viện Lúa ĐBSCL anh cải tiến bằng cách gắn một động cơ xăng 1 mã lực để tạo áp lực. Mặt khác hệ thống dàn phun cũng thay đổi để có thể điều chỉnh phun trên toàn tán cây hoặc phun sát gốc để diệt rầy nâu. Nông dân nhiều nơi đã biết thông tin và tìm mua và hiện nay Hoàng Thắng bán được  hàng trăm chiếc như vậy, kể cả bán hàng ra miền Bắc.


Anh Thắng nhớ lại hồi năm 2005 trở về trước khi thấy trên đồng nông dân vẫn còn còng lưng gặt lúa bằng liềm, nhưng có nơi bắt đầu sử dụng máy gặt xếp dãy và tách hạt bằng máy suốt. Anh chưa tưởng tượng được là trên thế giới có một cái máy vừa chạy trên đồng vừa gặt và vừa suốt lúa. Được sự động viên, giải thích và hướng dẫn của cán bộ khoa học Viện Lúa ĐBSCL, anh đã hình dung ra được tầm quan trọng của máy gặt đập liên hợp. Anh đã cùng với cán bộ Viện Lúa đi tham quan nhiều nơi, mổ xẻ nghiên cứu các mẫu máy do Viện cung cấp, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm nhiều lần. Cuối cùng trong 3 năm (2006-2009) anh đã tạo ra được ba mẫu máy. Theo anh đây là kết quả tuyệt vời của sự hợp tác giữa một Viện nghiên cứu và một DN tư nhân.


Mẫu thứ ba có tên đầy đủ là CCCT-HT-180 (CCCT viết tắt là cơ cấu cây trồng) - một bộ môn của VLĐBSCL và HT (viết tắt là Hoàng Thắng, 180 là bề rộng hàm cắt 180cm). Để cho gọn, cả hai bên đã thống nhất gọi tên máy là MGĐLH-180. Tại hội thi tháng 3/2009 tại An Giang do Bộ NN&PTNT tổ chức, máy MGĐLH-180 đã đạt được giải khuyến khích. Máy gặt rất tốt được lúa vụ hè thu trên ruộng sình lầy khi trình diễn tại xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn (ngày 31/7/2009). Sau đó hàng chục chiếc máy gặt đập liên hợp đã bán cho nông dân trong vùng.


Hiện nay, ba loại máy trên đều được sản xuất và cung cấp hàng loạt. Do tỷ lệ nội địa hóa rất cao, Sở Công thương TP Cần Thơ đã quyết định (số 1/GXN-SCT ngày 8/7/2009) công nhận ba loại sản phẩm trên đủ điều kiện áp dụng đối với danh mục chi tiết hàng hóa sản xuất trong nước và được hưởng hỗ trợ lãi suất vay vốn (theo quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4//2009 của Thủ tướng Chính phủ).


Sau bao nhiêu gian khó, thăng trầm, biến động, anh Thắng trầm ngâm suy nghĩ và tâm sự với tôi: “Sự thành công của tôi hôm nay không chỉ là tự mình tìm tòi, học hỏi mà còn có sự trợ giúp kiến thức chuyên môn và thông tin của các nhà khoa học mà tôi đã biết như một lời cảm thông chân thành”.


* Bạn đọc có thể liên hệ với Hoàng Thắng qua email: hoangthangsh_px@yahoo.com (website: nhuahoangthang.com) hoặc ĐT: 0977395979.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top