Sóc Trăng có đàn heo giống tốt nhất miền Tây

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
NHỮNG KẾT QUẢ BẤT NGỜ


Sau nhiều năm âm thầm nỗ lực và bứt phá vượt lên từ một tỉnh thuần nông nghèo khó, ngày nay tỉnh Sóc Trăng đang tiến tới mục tiêu đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp và nông sản hàng hóa đạt phẩm chất cao. Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đã thực hiện thành công tham vọng phát triển đàn heo giống tốt nhất miền Tây. Chỉ trong vòng 10 năm qua (2000-2009), tỉnh Sóc Trăng đã có đàn heo giống chiếm trên 50% tổng đàn heo giống gốc ở ĐBSCL. Đặc biệt, Sóc Trăng còn là tỉnh duy nhất trong vùng hình thành Hội chăn nuôi heo với 150 trang trại chăn nuôi công nghiệp phát triển theo định hướng của Bộ NN-PTNT.


heo.jpg



Nhớ lại trước đây, Sóc Trăng từng có giống heo Ba Xuyên (lợn đen đốm trắng, bụng xệ, ục ịch) nổi tiếng. Thế nhưng mãi tới những năm cuối thế kỷ XX chăn nuôi heo ở Sóc Trăng vẫn loay xoay chủ yếu là giống heo địa phương hoặc heo ngoại lai. Heo ngoại thuần chiếm tỉ lệ thấp. Hơn nữa, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chăn nuôi theo kiểu bỏ ống, tận dụng cơm thừa canh cặn nên năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm chăn nuôi cao. Trong những năm này tỉ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp của tỉnh chiếm chưa tới 10%. Thế nhưng từ năm 2000-2008 khởi đầu chương trình thực hiện dự án cải tiến chất lượng đàn heo giống của tỉnh triển khai thông qua Trung tâm giống vật nuôi (TTGVN) Sóc Trăng và đặc biệt từ năm 2006-2009 cùng với Dự án Nâng cao chất lượng Cây trồng Vật nuôi do CIDA (Canada) tài trợ, cả hai dự án song hành, hỗ trợ tạo cho hoạt động chăn nuôi heo Sóc Trăng đạt bước tiến nhanh vượt bậc.


Đúc kết 10 năm phát triển chăn nuôi heo, KS Trương Văn Đúng, Phó Giám đốc TTGVN Sóc Trăng cho biết, đúng như quy luật khi hòa nhập với thế giới, chăn nuôi heo phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận nuôi heo giảm khiến cho chăn nuôi nhỏ lẻ dạng gia đình cũng giảm sút theo. Tuy nhiên, xu hướng phát triển trang trại chăn nuôi heo công nghiệp trong tỉnh lại tăng lên. Nhờ kỹ thuật chọn giống và các công thức lai thương phẩm trên nền heo ngoại được sử dụng phổ biến, đàn giống cải thiện, kỹ thuật chuồng trại heo được nuôi lồng, sử dụng thức ăn công nghiệp, kỹ thuật kiểm soát dịch bệnh, sử dụng hầm ủ biogas…


Kết quả các chỉ số kỹ thuật đạt được cao hơn nhiều so hồi trước năm 2000, tỉ lệ nạc trước đây chiếm 43% thì nay tăng lên 57%; độ dày mỡ lưng từ 42mm nay giảm còn 27,8mm; thời gian nuôi heo thịt đạt 100kg từ 230 ngày với hệ số chuyển hóa thức ăn từ 3,8kg thức ăn/kg tăng trọng thì hiện nay thời gian nuôi giảm còn 172 ngày (rút ngắn 58 ngày) và hệ số chuyển hóa thức ăn giảm xuống còn 2,8kg thức ăn/kg tăng trọng. Hiệu quả kinh tế ghi nhận từ nhiều chủ trang trại trong tỉnh cho biết mỗi đầu heo nuôi thương phẩm đạt lợi nhuận bình quân 200-300 ngàn đồng.


Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top