Thu nhập trên chục triệu đồng nhờ nghề chiếu cói truyền thống

Sau nhiều thế hệ gắn bó với công việc trồng cói, dệt chiếu, hàng trăm hộ nông dân ở xã Hoài Châu Bắc(huyện Hoài Nhơn, Bình Định) hiện vẫn gắn bó với nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

24-4-Anh-1-Ron-rang-mua-thu-ho-3582-2564-1398417598.jpg

Xã Hoài Châu Bắc nổi tiếng với nhiều làng nghề dệt chiếu cói lâu đời hơn 200 năm trước, hiện có khoảng 800 hộ dân gắn bó với ngành nghề truyền thống này. Toàn xã hiện trồng khoảng 160 ha cói trên đồng, mỗi năm cho sản lượng khoảng 1.000 tấn nguyên liệu.

24-4-Anh-2-Ron-rang-mua-thu-ho-2218-6656-1398417598.jpg

Người dân địa phương này trồng mỗi năm 3 mùa cói, trong đó tháng 4 dương lịch là vào chính vụ thu hoạch. Tùy theo diện tích gieo trồng, chủ ruộng thuê từ 10 đến 20 lao động tham gia thu hoạch cói với mức chi trả 120.000 đồng đến 150.000 đồng mỗi ngày công.

24-4-Anh-3-Ron-rang-mua-thu-ho-6979-2496-1398417598.jpg

Vào mùa cói, người dân được thuê chặt cói, giũ cho sạch cỏ rác, cột thành từng bó dựng đứng giữa đồng chờ đưa lên ven quốc lộ 1A chở về nhà. Trung bình mỗi sào cói, chủ ruộng nếu bán nguyên liệu tươi thu khoảng 4 triệu đồng, còn nếu phân loại, chẻ cói phơi khô bán cho các cơ sở sản xuất có thể thu hơn 10 triệu đồng. Ông Nguyễn Hà ở xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn cho hay, nhà nào có ruộng trồng cói và vài máy dệt chiếu ở gia đình thì xem như có cuộc sống khá giả từ nghề này.

24-4-Anh-4-Ron-rang-mua-thu-ho-3879-7035-1398417598.jpg

" Dệt bằng máy thì mỗi lao động có thể dệt đến 10 chiếc chiếu mỗi ngày , trừ chi phí mua nguyên liệu, hao mòn máy móc, mỗi tháng thu nhập ít nhất 10 triệu đồng. Cơ sở nào mua được nhiều nguyên liệu cói dự trữ, trang bị nhiều máy dệt thì lợi nhuận từ nghề dệt chiếu tăng lên gấp nhiều lần", ông Hà nói.

24-4-Anh-6-Ron-rang-mua-thu-ho-6578-3112-1398417598.jpg

Bà Trần Thị Hà ở xã Hoài Châu Bắc thổ lộ, làm nghề dệt chiếu cói cơ cực nhất là mùa thu hoạch phải thức khuya, dậy sớm ra đồng chặt cói vận chuyển về nhà, nhưng bù lại có việc làm, thu nhập ổn định hơn nhiều so với trồng lúa ở địa phương.

24-4-Anh-7-Ron-rang-mua-thu-ho-4602-6891-1398417598.jpg

Thức dậy từ 3h sáng, sau nhiều giờ thu hoạch cói trên đồng, hai vợ chồng bà Lan đưa cói lên xe vui vẻ chuyển về nhà trong ngày mới.

24-4-Anh-9-Ron-rang-mua-thu-ho-7597-8848-1398417599.jpg

Sau khi mang nguyên liệu cói về nhà, người dân dùng máy chẻ nhỏ rồi phơi khoảng 4 ngày. Sau đó họ dùng phẩm nhiều màu sắc nhuộm nguyên liệu, lại mang ra phơi thêm hai ngày mới đưa vào dệt chiếu.

24-4-Anh-10-Ron-rang-mua-thu-h-8822-5978-1398417599.jpg

Cơ sở dệt chiếu Tư Hà ở xã Hoài Châu Bắc lúc nào cũng tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với khoản chi trả ngày công theo sản phẩm dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng mỗi ngày. Trừ chi phí, mỗi tháng chủ cơ sở này có thu nhập khoảng hơn 20 triệu đồng từ nghề dệt chiếu cói (thương lái đến mua sản phẩm tận nơi).

24-4-Anh-11-Ron-rang-mua-thu-h-1177-7064-1398417599.jpg

Từ lâu, chiếu cói được tỉnh Bình Định chọn là sản phẩm thủ công truyền thống đặc trưng của địa phương. Nơi đây nổi tiếng với sản phẩm chiếu hoa ở giữa có chữ thọ, song hỷ hoặc chữ trăm năm hạnh phúc, bốn góc chiếu được in biểu tượng tứ linh hoặc bốn hoa văn lớn, nẹp ngoài hai đường kẻ đỏ hoặc xanh, trông rất trang nhã hài hòa. Tùy theo kích cỡ mà mỗi chiếc chiếu hoa thành phẩm có giá từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng. Sản phẩm chiếu cói nơi đây từng được xuất sang thị trường các nước Đông Âu, Campuchia, hiện nay chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Trí Tín
Nguồn: VNN
 




Back
Top