Ở các vùng núi địa hình hiểm trở, độ dốc lớn nên việc canh tác rất khó khăn, chi phí lớn, giá thành cao nên bỏ hoang hóa nhiều. Một số địa phương cũng xây dựng các dự án trồng rừng (chủ yếu là keo và bạch đàn) nhưng kết quả đạt được không như mong đợi do cây phát triển còi cọc, chết yểu, cỏ dại xâm lấn…
Nguyên nhân do cây trồng ở các vùng địa hình này ngoài yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt, sự chăm sóc của con người chưa đầy đủ còn do cây bị thiếu nước nghiêm trọng hạn chế sự sinh trưởng.
Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp cơ bản là giữ nước. Thực tiễn cho thấy các khu ruộng bậc thang ở Sa Pa cũng như các vùng núi cao khác, đồng bào dân tộc đã có truyền thống canh tác lúa nước, hoa màu trên các ruộng bậc thang rất hiệu quả. Đối với cây trồng lấy gỗ, thậm chí cả cây ăn quả nếu vận dụng giải pháp xây dựng ruộng bậc thang thì vấn đề giữ nước cho cây trồng không còn là chuyện khó. Song ở địa hình nào cũng xây dựng ruộng bậc thang thì gặp phải trở ngại lớn là vốn đầu tư, khả năng vận hành của máy móc trên địa hình hiểm trở. Một giải pháp sau đây có thể vận dụng dễ dàng, giá thành thấp cho mọi địa hình của vùng đồi, núi.
1. Khâu thiết kế :
- Tùy theo đặc điểm sinh lý của cây mà lựa chọn mật độ trồng cây cho phù hợp. Ở giai đoạn đầu mới trồng ngoài cây trồng chủ lực : lấy gỗ, cây ăn quả nên xen thêm các loại cây bóng mát tăng độ che phủ để giữ nước hoặc loại cây tăng độ đạm cho đất như họ muồng, đậu đỗ, thầu dầu, muồng hoa vàng…
- Khi đào hố chú ý bạt thấp đất phía trên cao, đổ dồn đất phía trũng tạo thành vòng cung be bờ giữ nước để khi mưa có thể giữ được nước tại chỗ thẩm thấu vào hố, gốc cây tránh việc rửa trôi.
2. Khâu trồng, chăm sóc :
- Lựa chọn thời vụ phù hợp (trước mùa mưa) để ngay từ khi trồng tận dụng được nước cấp cho cây, hoặc lựa chọn thời tiết phù hợp để có cơ hội cây trồng xong là có nước ngay.
- Nên chọn cây có bầu hoặc đôn đảo trước khi trồng đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất.
- Sử dụng cọc chống, dây buộc đề phòng dông tố làm đổ cây.
- Bón phân chuồng đã ủ hoặc tận dụng mùn rác, cỏ cây khô che phủ quanh gốc cây để giữ ẩm.
- Định kỳ kiểm tra phòng trừ sâu bệnh, tỉa cành, đặc biệt là cỏ dại xâm lấn. Chú ý hạn chế sự phát triển tới quá mức của các loại cây trồng xen che phủ. Nếu các loại cây này phát triển tốt thì định kỳ phát, tỉa thưa sử dụng làm nguồn phân bón tại chỗ cho cây trồng.