Tôm chết vì thảo dược. Thực hư thế nào?

  • Thread starter hathu-yeunongnghiep
  • Ngày gửi
HaThu đọc được 1 bài viết nói về việc bà con ở Trà Vinh đang đến vụ nuôi tôm sú nhưng tôm chết hàng loạt vì sử dụng 1 loại "thảo dược diệt giáp xác" (“Thảo dược diệt giáp xác và cá tạp” có tên Eviro của Công ty TNHH VIBO, Quận 2, TP HCM sản xuất). Không biết thực hư thế nào, nhưng như vậy thì nguy hiểm quá. Mong Bà con anh em có ai biết rõ vụ việc hay có biện pháp khắc phục, hoặc cảnh tỉnh thì cùng thảo luận, nói rõ để hạn chế phần nào thiệt hại trong tương lai.

Hoang mang thảo dược diệt giáp xác
Cập nhật lúc: 11:18 AM, 11/05/2012
(Thủy sản Việt Nam) - Nông dân nuôi tôm các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đang bước vào chính vụ thả nuôi tôm sú năm 2012. Tuy nhiên, suốt hơn tháng qua, nhiều hộ đang phải đối phó tình trạng tôm giống thả vào những ao vừa xử lý nước đều bị chết hàng loạt.

Kỳ lạ tôm chết vì… thảo dược
Ông Dương Tấn Đởm, Quyền trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cầu Ngang, cho biết: Qua thống kê bước đầu, có khoảng 130 hộ bị thiệt hại với diện tích trên 100 ha do sử dụng thuốc “Thảo dược diệt giáp xác và cá tạp” có tên Eviro của Công ty TNHH VIBO, Quận 2, TP HCM sản xuất. Số hộ có tôm nuôi bị thiệt hại tập trung nhiều ở xã Hiệp Mỹ Đông và Mỹ Long Nam. Về phía ngành đang chỉ đạo cho Ban Nông nghiệp các xã khẩn trương điều tra nắm diện tích đã sử dụng thảo dược Eviro và liên hệ với Công ty TNHH VIBO xuống gặp các hộ nuôi để lấy ý kiến và bàn biện pháp khắc phục.
z300-con%20tom-28.jpg


Nhiều người nuôi tôm tại ĐBSCL đang điêu đứng vì thuốc diệt giáp xác bằng thảo dược!
Chúng tôi về vùng nuôi tôm của xã Mỹ Long Nam, địa phương có trên 45 hộ có tôm nuôi bị thiệt hại do nghi sử dụng thuốc Eviro “Thảo dược diệt giáp xác và cá tạp”. Tại khu vực ao nuôi của ông Phạm Văn Don (ấp 3) với diện tích 8.000m2 mặt nước nuôi tôm sú đã phải chịu cảnh trễ vụ tôm, do sau khi xử lý thuốc để diệt giáp xác và cá tạp (20 ngày), ông tiến hành thả thử tôm giống vào nước thì toàn bộ số tôm giống trên bị chết (chỉ sau khoảng 15 phút). Được biết, đây là vụ nuôi đầu tiên ông sử dụng loại thuốc “Thảo dược diệt giáp xác và cá tạp” Eviro. Ông Don cho biết: Số lượng thuốc được sử dụng là 13 chai Eviro (1 lít/chai xử lý cho khoảng 1.000m3 nước), giá 470.000 đồng/chai. Ngoài thiệt hại tiền thuốc, còn công xử lý nguồn nước trong thời gian 20 ngày, tốn 1.580.000 đồng (chi phí bón vôi, canxi… để diệt khuẩn, hạ phèn, nhiên liệu chạy quạt và bơm nước vào ao). “Nếu như tôi không cẩn thận, gia đình mua tôm giống về thả xuống ao thì thiệt hại còn tăng cao hơn nhiều”, ông Don nói.

Hàng trăm hộ điêu đứng
Hộ ông Hồ Thành Tâm (ấp 3, Mỹ Long Nam, Cầu Ngang) cũng mua 26 chai thảo dược Eviro về xử lý 1,6 ha mặt nước. Khi phát hiện tôm giống thả thử vào nguồn nước trong ao bị chết, nhưng do ao nuôi nằm sâu phía trong đồng, không hệ thống cấp nước để cấp vào thay được nên buộc phải giữ nguyên hiện trạng và mua vôi về tiếp tục xử lý. Ông Tâm cho biết: Cứ 1.000m2 mặt nước rải 160 kg vôi, với diện tích 1,6 ha mặt nước phải xử lý trên 2 tấn vôi. Tuy nhiên sau khi xử lý như vậy không biết độc tố trong nguồn nước có còn ảnh hưởng đến con tôm nữa hay không. Hàng trăm nông dân điêu đứng do phải vừa mất tiền mà còn trễ mùa vụ thả nuôi khoảng 1 tháng.
Trước những thông tin bức xúc về thiệt hại tôm nuôi của bà con nông dân, chúng tôi tiếp tục ghé về khu vực ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang), nơi có hàng chục hộ nuôi tôm lo lắng khi sử dụng loại thảo dược Eviro để xử lý ao tôm. “Sau khi xử lý nước đợt II, độc tố gây hại cho con tôm sú có còn tồn dư trong đất không?”, nhiều hộ nuôi tôm đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Đấu (ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông), bức xúc: Nghe nói thảo dược thay thế dây thuốc cá và diệt được cả giáp xác, vì nó không có nguồn gốc thuốc trừ sâu. Theo khuyến cáo trên bao bì là tạt thảo dược này từ 15 - 20 ngày là thả giống; vậy mà, sau khi cải tạo và lấy nước vào ao, tôi tạt thuốc này vào ngày 7/2/2012 đến ngày 3/3/2012, rồi thả 80.000 con giống vào ao. Sau 2 ngày, số tôm giống trong ao chết 100% không kịp trở tay.
Theo ông Trần Văn Ngọc - Chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Đông: toàn xã có 51 hộ nuôi tôm, trên diện tích khoảng 38,3 ha sử dụng thảo dược Eviro để diệt giáp xác và cá tạp bị thiệt hại. Trước những thiệt hại của nông dân, lãnh đạo địa phương cũng rất lo ngại. Địa phương đã yêu cầu phía Công ty cung ứng khẩn trương thống kê số hộ, diện tích nuôi tôm sử dụng thảo dược Eviro và thương lượng với từng hộ nuôi để bồi thường thiệt hại cho người nuôi.
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT Trà Vinh, cho biết: Ngành đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, nhất là chỉ đạo Thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp các địa phương tiến hành thu mẫu để đưa đi phân tích tìm ra nguyên nhân cụ thể. Còn sai phạm thuộc đơn vị nào, công ty nào, mức độ ra sao, phải thỏa thuận để bồi thường cho người nuôi tôm, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định.
>> Tại Bạc Liêu, hàng chục hộ nuôi tôm tại 2 huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu sử dụng thảo dược Eviro của Công ty TNHH VIBO để diệt giáp xác trong ao nuôi tôm thì tôm chết hàng loạt.
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì 1 lít hóa chất này dùng cho 1.000m³ nước. Sau 15 - 20 ngày, người sử dụng được phép thả nuôi con giống. Dù đã thực hiện đúng theo khuyến cáo ghi trên bao bì, xử lý trên 25 ngày mới thả giống nhưng khi thả con giống vào ao, tôm nuôi vẫn chết.

Quốc Dũng
Nguồn: http://thuysan*********com.vn/index.php/news/details/index/2227.let
 


Lâu lắm em không vào được, dạo này công tác liên miên. Hôm nay quan tâm tới thủy sản tý. Thuốc của công ty này đã bị gỡ trên web rồi:(
 
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì 1 lít hóa chất này dùng cho 1.000m³ nước. Sau 15 - 20 ngày, người sử dụng được phép thả nuôi con giống.

Tại khu vực ao nuôi của ông Phạm Văn Don (ấp 3) với diện tích 8.000m2 mặt nước nuôi tôm sú đã phải chịu cảnh trễ vụ tôm, do sau khi xử lý thuốc để diệt giáp xác và cá tạp (20 ngày), ông tiến hành thả thử tôm giống vào nước thì toàn bộ số tôm giống trên bị chết (chỉ sau khoảng 15 phút). Được biết, đây là vụ nuôi đầu tiên ông sử dụng loại thuốc “Thảo dược diệt giáp xác và cá tạp” Eviro. Ông Don cho biết: Số lượng thuốc được sử dụng là 13 chai Eviro (1 lít/chai xử lý cho khoảng 1.000m3 nước), giá 470.000 đồng/chai.


Hộ ông Hồ Thành Tâm (ấp 3, Mỹ Long Nam, Cầu Ngang) cũng mua 26 chai thảo dược Eviro về xử lý 1,6 ha mặt nước.


không sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất liệu có phải là nguyên nhân.....??
 


Back
Top