Triển vọng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Cây trồng được ứng dụng biến đổi gen (BĐG) sẽ cho năng suất cao hơn hẳn bình thường, đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng của toàn cầu. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Triển vọng cây trồng BĐG tại Việt Nam” do Viện Chính sách và chiến lược NN-PTNT tổ chức hôm qua (20/7), tại Hà Nội.


“Cây trồng BĐG đã xuất hiện trên thế giới trong suốt 15 năm qua và ngày càng được trồng rộng rãi, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho nông dân. Kỹ thuật trồng cây BĐG đã có những đóng góp tích cực nhất định giải quyết một số vấn đề toàn cầu như: an ninh lương thực, giảm đói nghèo, giảm tác động của biến đổi khí hậu”, phát biểu tại hội thảo, TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết.


Theo ông Graham Brookes, nhà kinh tế học người Anh, tác giả của cuốn sách “Cây trồng BĐG: tác động kinh tế và môi trường toàn cầu 1996-2008” xuất bản năm 2010, thì việc ứng dụng BĐG vào cây trồng như: ngô, lúa, đậu, khoai tây… ở Việt Nam sẽ giúp cho sản lượng nông sản tăng gấp đôi thậm chí là gấp 3 lần so với dùng phương pháp trồng truyền thống. Mặt tích cực của việc BĐG này còn góp phần giảm sức lao động cho nông dân, thời gian thu hoạch nhanh, chất lượng đảm bảo, giá thành sản phẩm tốt, tạo điều kiện nâng cao đời sống người nông dân. 


“Điều quan trọng hơn cả là nó đem lại lợi ích xã hội rõ ràng bởi vì chúng ta không thể xây dựng hòa bình trong khi cái bụng đói… Mặt khác nhờ công nghệ BĐG được áp dụng cho cây trồng mà môi trường sống của chúng ta được bảo vệ, vì giống cây trồng áp dụng phương pháp này không sử dụng nhiều nước trong khi nguồn nước của chúng ta đang cạn kiệt”, ông Graham Brookes phân tích.


Kết quả nghiên cứu của ông Brookes cho thấy, 15 năm qua các cây trồng BĐG ngày càng được trồng rộng rãi, góp phần tích cực giải quyết một số vấn đề toàn cầu. Hiện nay, đã có hơn 29 quốc gia trên thế giới trồng cây BĐG với 14 triệu nông hộ và 130 triệu ha đất. Riêng năm 2008, thu nhập tăng thêm từ việc cho phép sản xuất 4 loại cây trồng BĐG (ngô, đậu tương, bông và Canola) là 9,37 tỷ USD.


Tổng thu nhập tăng thêm cho người sản xuất từ việc thương mại hóa các cây trồng BĐG trên toàn cầu trong 15 năm qua là 64,7 tỷ USD. Nếu không áp dụng các cây trồng công nghệ sinh học (4 loại cây trồng kể trên) thì để đạt được sản lượng nông sản như năm 2009 thế giới sẽ phải sử dụng thêm khoảng 12.4 triệu ha đất canh tác.







Nhờ sử dụng các cây trồng BĐG, thế giới đã cắt giảm khoảng 0,39 triệu tấn thuốc trừ sâu và giảm khoảng 17,1% các chất độc hại ra môi trường liên quan đến sử dụng thuốc BVTV. Chỉ tính riêng năm 2009, cây trồng sử dụng công nghệ sinh học cũng giúp thế giới cắt giảm phát thải khí nhà kính tương đương 17,7 triệu tấn CO2, tương đương giảm lưu hành 7,8 triệu xe hơi chạy trên đường mỗi ngày.






Đồng quan điểm trên, TS Leonardo Gonzales, nhà kinh tế nông nghiệp hàng đầu Philippines, chuyên gia phân tích thương mại hóa cây ngô BĐG trong 9 năm qua cho biết, tại Philippines, ngô BĐG đã được cấp phép sản xuất và sử dụng trong thực phẩm, thức ăn gia súc và chế biến. TS Gonzales cũng chia sẻ các kinh nghiệm của Philippines trong việc thiết lập hệ thống hành lang pháp lý để cấp phép, theo dõi và quản lý các loại cây trồng công nghệ sinh học, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, đa dạng sinh học, bản quyền công nghệ trong sử dụng và thương mại hóa các cây trồng công nghệ sinh học.


Còn ở nước ta, theo TS Lê Huy Hàm, kế hoạch phát triển cây trồng BĐG ở Việt Nam chia làm 3 giai đoạn, cụ thể, 2006-2010: bắt đầu thử nghiệm một số giống trên đồng ruộng; 2010-2015 đưa một số giống cây vào sản xuất; đến 2020 diện tích một số cây trồng BĐG (ngô, bông, đậu tương) đạt từ 30% đến 50%. “Hiện tại, Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai kế hoạch với những cây trồng BĐG như lúa có hàm lượng vitamin A cao; ngô kháng thuốc trừ cỏ, kháng sâu; đậu tương kháng sâu, kháng hạn; xoan tăng chất lượng gỗ; đu đủ kháng vi rus gây bệnh đốm vòng; bông kháng sâu, chịu hạn. Mục tiêu chính trong kế hoạch này chính là đánh giá biểu hiện của gen trong điều kiện ruộng đồng Việt Nam và đánh giá an toàn sinh học với môi trường”, TS Hàm cho hay.


Tại hội thảo, nhiều ý kiến khuyến nghị, để tối đa hóa các lợi ích tiềm năng của các loại cây trồng công nghệ sinh học, cần có một môi trường chính sách khuyến khích phát triển khoa học công nghệ đảm bảo an toàn sinh học. Trong quá trình thương mại hóa, phải liên tục đánh giá lợi ích và rủi ro từ việc sản xuất cây trồng BĐG. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống an toàn sinh học dựa trên kết quả của các mô hình trình diễn và thử nghiệm trên thực tế.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top