Triết lý cây cảnh! Vị nhân sinh!

  • Thread starter Tuan15
  • Ngày gửi
TRIẾT LÝ CÂY CẢNH

Hồi đó thỉnh thoảng đi mua mai, tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều gốc mai to, 50-70 năm tuổi, bị các nghệ nhân chặt trụi lủi hết cành, chỉ còn trơ vơ mỗi cái cốt. Trong số cây mai tôi mua, có một cây chừng 80 tuổi, vốn là của cố soạn giả cải lương Trần Hữu Trang. Cây mai này được mua từ nhà của Nghệ sỹ ở Chợ Gạo, Tiền Giang. Nó cũng bị chung số phận: bị chặt trụi lủi hết cành và cho mọc lại từ đầu. Nhìn tiếc đứt ruột.
Tôi thắc mắc và hỏi vị nghệ nhân tại sao lại làm như vậy. Ông bảo rằng, những cây mai này nhìn cành lá xum xuê, hùng vĩ, chứ thật ra nó chỉ là một cái bụi rậm vô giá trị. Người sành điệu chẳng ai chơi những cây mai như thế và chỗ của chúng là ở những khu vườn rẻ tiền chứ không thể ngự vào những cuộc thi hay những nơi đẹp đẽ.
"Nhất rễ, nhì thân, tam chi, tứ diệp". Bộ rễ thì rất khó điều chỉnh, thân thì to rồi nên tạm ổn. Riêng chi cành mọc tự nhiên hoang dã, không được uốn nắn từ bé nên thường rất xấu và hình thù quái dị. Chi cành to rồi, cứng rồi nên không thể uốn nắn được nữa. Cách duy nhất để sửa chữa là nghệ nhân phải lạnh lùng ra tay chặt trụi hết những cành hoang dã, xấu xí này và để cho cây mọc cành lại từ đầu. Khi cành non mọc ra, người ta sẽ uốn nắn, tỉa tót và sau khoảng 10 năm thì sẽ có một cây mai mới hoàn toàn và thường tuyệt đẹp. Bạn sẽ thấy đa số cây mai đẹp có gốc, thân rất to nhưng cành hơi nhỏ, không cân đối lắm. Lý do là cành nguyên thủy đã bị chặt đi rồi, cái ta nhìn thấy là cành non mới mọc lại sau này mà thôi, nhưng nó rất đẹp, càng ngày càng đẹp.
Cây mai hoang dã xấu xí phải chấp nhận đau đớn để đoạn tuyệt với sự tự do vô tổ chức của mình trong quá khứ và làm lại từ đầu bằng những chồi non nhỏ bé. Khó khăn lắm, công phu lắm, tốn thời gian và tâm huyết lắm. Không phải ai cũng làm nổi. Trong quá trình đó, nghệ nhân còn phải cấy ghép thêm những cành của giống khác tốt đẹp hơn để cải tạo cây cũ. Và cũng trong quá trình đó, nhiều cây bị suy tàn, chết đi. Những cây còn sống thì sẽ thay da đổi thịt, thay dáng đổi thế, giá trị có thể tăng vài chục lần, thậm chí hàng trăm lần. Chúng được đứng kiêu hãnh ở những nơi sang trọng, đẹp đẽ ở những cuộc thi, trong sự thán phục của người đời. Nhưng ít ai biết rằng, để có được sự vẻ vang hôm nay thì cây mai đã chịu đựng cái giá đắt và đau đớn như thế nào.

Ẩn sau cái nghệ thuật cây cảnh là một triết lý sâu sắc về con người. Cây cũng như người vậy. Sự hoang dã vô tổ chức không thể điều chỉnh bằng cách uốn nắn nhẹ nhàng được. Nó cần một hành động lạnh lùng và quyết liệt: xóa bỏ và làm lại từ đầu. Ai tiếc những cành to mà không dám chặt bỏ để làm lại từ đầu thì chỉ có một cái bụi rậm vô giá trị mà thôi. Đừng mong uốn một cành cây đã cứng, chỉ có thể chặt đi, làm lại ván mới thì mới có hy vọng có một kết quả tốt. Luôn luôn là như vậy!
ST: Trần Công Thành.
 




Back
Top