Trồng dây thuốc cá lợi nhuận cao

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Tại ĐBSCL, dây thuốc cá được trồng phổ biến ở khắp nơi, nhiều nhất là các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành (Trà Vinh), Vĩnh Châu, Cù Lao Dung (Sóc Trăng).


Thuốc cá là một loài dây leo và bò lan trên mặt đất. Vỏ, thân và cành có màu hơi đen, lá to, phát triển rất nhanh. Người ta trồng dây thuốc cá nhằm để khai thác rễ. Rễ giã nát sẽ cho ra một chất nước màu trắng đục (còn gọi là mủ), mùi nồng cay, chứa nhiều hoạt chất Rotenol, có tác dụng độc hại đối với các loài cá, ếch, lươn và các loại côn trùng có hại cho mùa màng nhưng lại có lợi đối với loài giáp xác như tôm sú.


Chính nhờ vậy mà nhiều người đã sử dụng thuốc cá để phun lên rau màu thay cho các loại thuốc bảo vệ thực vật công nghiệp. Vào thập niên 70-80 của thế kỷ trước, đa số nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đều dùng mủ của rễ thuốc cá pha nước để phun lên các loại rau màu như dưa leo, dưa hấu, bầu, mướp rất có hiệu quả. Đặc biệt đối với người nuôi tôm sú, ngoài việc sử dụng các loại thuốc công nghiệp, nhiều người còn dùng rễ thuốc cá để xử lý ao mương, làm sạch môi trường đồng thời tiêu diệt các loài cá tạp và côn trùng có hại. Ngoài ra, chất Rotenol trong thuốc cá còn có khả năng kích thích giúp cho tôm tăng trưởng nhanh và mau lột vỏ.


Tại các xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng là nơi có diện tích trồng dây thuốc cá lên đến 148 ha. Anh Lý Minh Nấu, một nông dân ở ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh 3 có 6 công đất trồng dây thuốc cá xen với bắp năm nào cũng đạt năng suất cao. Anh cho biết dây thuốc cá thích đất giồng và trồng bằng hom, mỗi hom dài 25-30 cm. Hằng năm bà con thường đặt hom từ tháng 7 - 10 âm lịch, sau một năm bắt đầu thu hoạch. Trồng dây thuốc cá không đòi hỏi phải bón phân nhưng muốn cho cây phát triển nhanh, rễ nhiều cũng cần bón thêm NPK 1 – 2 lần/vụ.


Theo kinh nghiệm của nhiều người, dây thuốc cá không nên trồng dầy, bình quân mỗi công đặt 5.000 hom. Năm nay, anh Nấu trồng 6 công, bán ra 15.000đ/kg. Sau khi trừ hết các chi phí còn lời được 30 triệu đồng. Nếu tính luôn tiền bán bắp trồng xen canh trên rẫy, mỗi năm thu trên 60 triệu đồng, chưa kể tiền bán hom dây thuốc cá, mỗi thiên được 150.000 đồng. Bình quân mỗi công dây thuốc cá chọn ra được 5 – 8 thiên hom.


Nhiều nông dân khẳng định vài năm trước đây, nhu cầu sử dụng rễ thuốc cá rất cao nên lợi nhuận khá hấp dẫn so với các loại hoa màu khác. Nhất là những lúc nghịch mùa, khan hiếm, giá có lúc tăng lên 30.000đ/kg, tiền lời sẽ gấp đôi. Nhưng, kể từ khi phong trào nuôi tôm sú giảm xuống và các loại thuốc công nghiệp dùng cho nuôi tôm xuất hiện ngày càng nhiều đã làm cho thuốc cá bị giảm giá. Tuy vậy, bà con vẫn tiếp tục trồng vì dây thuốc cá dễ chăm sóc, không bị sâu bệnh, vốn đầu tư ít nên người trồng rất an tâm.











Theo Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top