Trồng rừng kinh tế - một hướng đi có hiệu quả của huyện Kim Bôi

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Huyện Kim Bôi (Hoà Bình) có trên 19.000 ha rừng, trong đó, rừng trồng chiếm tới hơn 6.000 ha. Nhiều hộ gia đình, địa bàn từ chỗ nghèo đói nhận đất trồng rừng, cuộc sống đã đổi thay. Không chỉ mang lại lợi ích từ kinh tế, mô hình trồng rừng kinh tế ở Kim Bôi còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Hiện nay, phong trào trồng rừng ở Kim Bôi vẫn đang tiếp tục được nhân dân tích cực hưởng ứng và nhân rộng. Năm qua, huyện đã trồng mới 3.000 ha, trong đó cây lấy gỗ 2.115,6 ha; Luồng, Bương, Tre 365,5 ha; cây ăn quả 120,6 ha. Để có được kết quả đáng khích lệ như vậy, huyện đã tạo ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân và các đơn vị, xã trồng rừng phát triển kinh tế. Hợp Kim là một xã vùng 2 có diện tích tự nhiên 775 ha, trong đó, diện tích đất rừng 420 ha. Xã có 580 hộ với 2.580 nhân khẩu sinh sống ở 3 xóm, đời sống của người dân 2 xóm Trò, Mến, Bôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trồng rừng, còn xóm Gò Chè tập trung làm thương mại, dịch vụ. Thu nhập từ rừng đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của người dân nơi đây, từ chỗ khó khăn đến thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để khuyến khích và giúp đỡ nhân dân trồng rừng, xã đã tích cực khai thác các nguồn vốn của các chương trình, dự án. Bên cạnh đó, xã phối hợp với trạm KN-KL, Lâm trường Kim Bôi tập huấn trồng rừng cho nhân dân. Xã cũng đứng ra liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để làm dịch vụ cung cấp cây giống và tiêu thụ sản phẩm từ rừng cho nhân dân. Toàn xã đã trồng mới hơn 125 ha rừng.Từ năm 1990 trở về trước, do cuộc sống khó khăn, diện tích canh tác ít, ý thức quản lý, bảo vệ rừng chưa cao, không một ngọn núi nào không in dấu chân người dân Hợp Kim khai thác cây rừng bán đổi lấy gạo ăn. Nhiều cụ già trong xã thường bảo con cháu: Nếu cứ chặt hết cây rừng thì chẳng mấy mà Hợp Kim không còn chỗ cho chim hót. Từ năm 1990, thực hiện chủ chương giao đất - giao rừng của Nhà nước, đất rừng được giao đến tận hộ. Cùng với đó là chương trình cây lâm nghiệp (PAM) đã khuyến khích người dân trồng và giũ rừng, coi rừng là tài sản của gia đình mình phải bảo vệ, giữ gìn. Đến năm 1996, tỷ lệ hộ đói, nghèo trong xã là 23%, Sau 10 năm, thu nhập từ trồng rừng đã giảm 13% hộ đói, nghèo, còn 10% năm 2006.
Trại rừng của gia đình ông Bùi Thế Nụi ở xóm Mến Bôi. Chỉ tay lên quả đồi rộng 16,9 ha, ông Nụi cho biết: Trước kia, đây là đồi trọc toàn cỏ tranh, lau lách, đất xấu, toàn là đá tổ ong nên không ai dám nhận. Khi con trai ông là Bùi Thế Hợp đứng ra nhận giao đất thời gian 50 năm, ai cũng cho là liều lĩnh. Đến nay, rừng của ông đã được 3 chu kỳ và đang phát huy hiệu quả. Toàn bộ trang trại rừng của ông đều do 2 người cháu trực tiếp trồng, chăm sóc và trông coi rừng. Chu kỳ 1 (từ năm 1990-1999), gia đình trồng theo dự án PAM chủ yếu là cây Bạch đàn, do không có ý thức chăm sóc nên tỷ lệ cây sống ít. Hết chu kỳ 1 chỉ thu được 30 triệu đồng. Sang chu kỳ thứ 2, gia đình đầu tư hết 90 triệu đồng chủ yếu trồng Keo lai. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, gia đình tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật hàng cách hàng 2m; cây cách cây 1,5m, 1 ha trồng khoảng 2.000 đến 2.500 cây. Cây Keo lại có ưu điểm chóng lớn nhưng nhược điểm không chống được gió nên gia đình đã trồng xen keo lai với Keo tai tượng. Đầu năm 2006, hết chu kỳ 2, gia đình bán được 180 triệu đồng đầu tư tiếp cho chu kỳ 3. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng đã trồng xong, cây cao khoảng 40 cm.
Với sản lượng như hiện nay, đối với Keo lai đạt từ 80 đến 100 m<sup>3</sup>/ha và giá thành từ 350.000 đến 400.000 đồng/ste (tương đương 1,4m<sup>3</sup>) thì 1 ha rừng trồng của huyện Kim Bôi đạt tới 35 đến 40 triệu đồng. Năm 2006, từ khai thác gỗ rừng trồng, nông dân Kim Bôi đã thu về hơn 40 tỷ đồng. Điều quan trọng hơn là góp phần bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định. Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tích cực tìm đối tác ở các tỉnh khác như Hải Phòng, Hà Nội để tạo đầu ra vững chắc cho người dân.
 
Last edited:
Back
Top