Tuyến Trùng, Tên Sát Thủ Giấu Mặt!

  • Thread starter dotruongson32
  • Ngày gửi
Chào bà con, chào các bạn!

Sở dĩ tôi gọi tuyến trùng (TT) là tên sát thủ giấu mặt vì chúng có kích thước hiển vi nên mắt thường chúng ta không nhìn thấy được, chỉ có loại TT nội ký sinh (Meloydogyne sp) làm cho rễ bị bị u bứu thì ta mới biết có tuyến trùng thôi . Thường khi cây bị vàng lá bất thường chúng ta hay nghĩ là do nấm Phytopthora sp. Fusarium sp. Pythium sp…… Nhưng một trong những nguyên nhân sâu xa là do TT tấn công rễ, làm rễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho các loại nấm trên tân công hại rễ tiêu.
Song song với việc thoát nước chống úng, duy trì PH (5,5 – 6,5), bón nhiều phân chuồng hoai mục, bổ sung trichoderma thường xuyên. Thì việc phòng trừ TT là rất quan trọng và cần thiết.
VÀI HIỂU BIẾT VỀ TUYẾN TRÙNG:
Tuyến trùng là giống giun tròn, có khoảng hơn ngàn loài, chúng gây hại cho nhiều loại cây trồng như: Cà chua, dưa chuột, ớt, bầu, bí, chuối, dứa, cam, chanh, nho, dừa, sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, các loại cây cảnh, các loại cây dược liệu….. Theo những tài liệu nghiên cứu mà tôi đã đọc thì ở Việt Nam mình có khoảng 29 loại tuyến trùng có mặt trong vườn tiêu, trong đó giống Meloydogyne. sp, nội ký sinh là chủ yếu . Ngoài ra còn có: Pratylenchus sp, nội ngoại ký sinh. Tylenchus sp, ngoại ký sinh. Gây hại chính cho cây Hồ Tiêu.

Meloydogyne. Spp (Nội ký sinh cố định)
Giới: Animalia. Ngành: Nematoda. Lớp:Secernentea. Bộ: Tylenchida. Họ: Heteroderidae.
Giống: Meloidogyne.
Vòng đời của TT được chia làm 5 giai đoạn . Trứng TT tuổi 1, tuổi 2, tuổi 3, tuổi 4 và TT trưởng thành. Tùy vào cây ký chủ và nhiệt độ mà vòng đời của TT kéo dài từ 40-60 ngày. Hoạt động chủ yếu ở độ sâu từ 5-30 cm.
Con cái đẻ hàng loạt trứng trong túi gelatin do chúng tự tiết ra trong trong quá trình sinh sản, để bảo vệ trứng khỏi yếu tố bất lợi bên ngoài, túi trúng nằm ngoài nốt sần, đôi khi nằm trong nốt sần (bứu rễ),(túi trứng tồn tại 1 năm nếu gặp điều kiện thuận lợi), bên trong chứa từ 1 đến 2 ngàn trúng, khi tiếp xúc với axit yếu của rễ tiêu chúng nở ra 200-600 TT tuổi 1 và chui ra thành TT tuổi 2, từ tuổi 2 chúng bắt đầu hình thành kim chích và xâm nhập vào nốt sần hay rễ mới. Khi dinh dưỡng chúng tiết ra men tiêu hóa làm cho quá trình sinh lý, sinh hóa của mô rễ thay đổi, hình thành tế bào khổng lồ, vùng dinh dưỡng của TT gồm 5-6 tế bào khổng lồ. Từ tuổi 2 đến tuổi 3 cũng là giai đoạn biến đổi quan trọng phân giới tính của TT, con cái phát triển chiều ngang và thành hình như quả lê hay giọt nước, con đực phát triển chiều dài sau đó đi ra ngoài chứ không nằm trong mô rễ .
PH đất không ảnh hưởng nhiều đến TT. Độ ẩm thích hợp là 60% cao hơn hay thấp hơn đều ảnh hưởng lớn đến TT. Vì thế vào mùa khô hay những tháng mưa dầm, mật độ TT giảm rõ rệt. Nhiệt độ có ảnh lớn đến TT, 60oC trong 30p, 50oC trong 1h TT sẽ chết, với nhiệt độ 30-40oC kéo dài TT sẽ chết. TT lây lan theo các đường sau: Nguồn giống nhiễm bệnh, do người và nông cụ sản xuất, nguồn nước mưa chảy tràn…
Trên đây là đôi nét khái quát về loại TT phổ biến nhất gây hại cho hồ tiêu .Vì dung lượng bài viết có hạn, nên tôi chỉ khái quát sơ qua, nhưng nhìn chung những loại TT còn lại cũng không khác biệt nhiều. Nếu bạn nào có nhu cầu tìm hiểu chuyên sâu xin vào tai lieu.com để tham khảo thêm.

ẢNH HƯỞNG CỦA TUYẾN TRÙNG ĐẾN HỒ TIÊU.
TT xâm nhập vào rễ được chia ra làm 3 giai đoạn:
1) khi TT xâm nhập vào rễ và nốt sần, rễ tiêu vẫn còn màu sáng , chức năng của rễ chưa bị ảnh hưởng nhiều.
2) rễ chuyển sang màu nâu chức năng dinh dưỡng và vận chuyển nước bị ảnh hưởng.
3) rễ chuyển màu đen, chức năng của rễ bị phá hủy hoàn toàn. Từ giai đoạn 2 do rễ bị tổn thương tạo cơ hội cho các loại nấm Phytopthora sp. Fusarium sp. Pythium sp……, gây bệnh trên cây Tiêu. TT xâm nhập không chỉ ở những cây bị vàng, mà ngay cả những cây nhìn xanh tốt, nhưng đang trong giai đoạn đầu, chức năng của rễ chưa bị ảnh hưởng nhiều. Còn những cây bị vàng lá, rụng lá từ gốc lên là do bệnh phát triển ở giai đoạn cuối.
PHÒNGTRỪ TUYẾN TRÙNG.
1) Canh tác:
-Trước khi trồng mới , bà con nên tiến hành cày sâu xới kỹ phơi đất, nếu không cày được thì nên đào hố to, đào sớm, lợi dụng nhiệt độ và tia tử ngoại của mặt trời tiêu diệt TT đang tồn tại trong đất. Với vườn tiêu tái canh, bà con cần cày xới như trên và trồng các loại cây ngắn ngày trong 2-3 năm.
-Đào mương thoát nước, đào mương ngăn nước không để tiêu bị ngập úng, không để nước chảy tràn từ vườn này qua vườn kia, bụi này qua bụi khác.
-Với tiêu lươn ươm trong bầu đất, không được lấy đất ở những chỗ có cây trồng bị bệnh.
-Khi phải dùng nông cụ lao động như cuốc, xạc, cào…, thì chúng ta nên làm những cây xanh tốt trước, và những cây bệnh làm sau, để tránh TT lây lan theo dụng cụ nông nghiệp.
- không trồng trong vườn tiêu những loại cây như: Hành, tỏi, bầu, bí…
2) Biện pháp phòng trừ:
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, việc sản xuất các mặt hàng nông sản theo hướng sinh học, không chứa dư lượng thuốc trừ sâu theo tiêu chuẩn ViêtGAP, GlobalGAP. Với trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ vi sinh vật hứu ích đặc biệt bảo vệ loài giun đất là người bạn thân thiết của nhà nông, thì việc dùng những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường là hết sức cần thiết. Nói thế không có nghĩa là tẩy chay hóa học, nhưng bà con chỉ dùng khi thật sự cần thiết, dùng đúng dùng đủ.
-Chitosan, là hoạt chất được chiết xuất từ vỏ tôm cua, không độc với người và môi trường. Ngoài tác dụng diệt TT, Chitosan còn cung cấp cho cây một số dưỡng chất, giúp cây có tính đề kháng cao.
A) Các loại cây có tính kháng TT:
-Hạt cây củ đậu, rễ cây ruốc cá, hạt và lá cây sầu đâu rừng, cây bông cúc vạn thọ, hạt cây thầu dầu…. , có tác dụng gây ngộ độc diệt và xua đuổi TT. Hiện nay anh Cảnh ở Gia Lai đang nghiên cứu và thử nghiệm dùng chế phẩm từ tỏi để diệt TT, nếu thành công thì đây sẽ là giải pháp hữu ích cho chúng ta.
-Cây Neem: Hầu hết các sản phẩm từ cây neem đều có khả năng diệt TT, trong đó bánh dầu neem vừa diệt TT, kiến, mối trong đất, mà còn là nguồn phân hữu cơ rất tốt có chứa :N 5,5-7%, P 0,7-1,2%, K 1,2-1,5% …
Vi sinh vật, nấm đối kháng:
Tuyến trùng ký sinh thực vật cũng bị tấn công bằng nhiều thiên địch tồn tại trong đất như virus, vi khuẩn, nấm, ve bét, côn trùng và tuyến trùng ăn thịt.
- Psedomonas có khả năng đối kháng với một số loài TT ký sinh.
- Trichoderma harzianum (T-12), trichoderma koningii (T-8). Có tác dụng làm giảm sự sinh sản trứng của TT. Trichoderma.spp nói chung có tác dụng phòng trừ TT như tiết kháng sinh, cạnh tranh dinh dưỡng, chỗ ở …., hạn chế được TT. Vì thế cần bón nhiều phân chuồng hoai mục, bổ sung Trichoderma hay Psedomonas thường xuyên. Sẽ giảm được khoảng 30% TT.
- NEMA Săn Tuyến Trùng : Là sản phẩm được phối hợp 5 chủng vi nấm. Các chủng vi nấm trong sản phẩm NEMA hoạt động bằng cách, mọc các sợi tơ nấm dài và sâu xuống đất, đồng thời hình thành những vòng tròn bẫy và tại các vòng tròn có chất bắt dính. Và cứ thế nó hình thành 1 mạng lưới giống như mạng nhện dầy đặc trong đất. Khi TT xuất hiện và bò ngang qua theo hình zích zắc ( bò như rắn) và khi nó bị vướng phải 1 trong những vòng tròn bẫy thì TT không thoát ra được, làm nó bị chết trong trạng thái chết đói và đồng thời dinh dưỡng trong tuyến trùng cũng là thứ dinh dưỡng mà nấm săn mồi cần thiết và vì thế tuyến trùng sẽ bị hút hết dinh dưỡng khi nó bắt đầu suy yếu và nấm NEMA có cơ hội phát triển mạnh hơn. Tác dụng chính của 5 chủng trong sản phẩm NEMA là chuyên săn mồi, mỗi chủng được huấn luyện và thích nghi ở 1 điều kiện khác nhau. Nên ở bất kỳ thời tiết nào vẫn đảm bảo NEMA hoạt động tốt. NEMA Săn bắt TT không gây hại bộ rễ, nó sẽ bảo vệ được sự phát triển tự nhiên của bộ rễ và làm cho rễ phát triển dài hơn, sâu hơn. Độ PH phù hợp ở từ 4-7 là được, nếu quá cao hay quá thấp, nấm sẽ phát triển không được tốt, có khả năng bị ức chế cho đến khi PH thích hợp mới phát triển ở lại.
Các phương pháp phòng trừ TT tôi vừa nêu trên, và ngay cả các loại thuốc hóa học cực độc được xử dụng, thì việc diệt TT tại vườn tiêu cũng không thể triệt để được. Nên bà con cần phải biết chấp nhận sống chung với TT, và khống chế chống bùng phát. Vì thế việc phòng trừ TT là việc nên làm định kỳ, thường xuyên, không được lơ là.
Trên đây là chút hiểu biết của tôi về tuyến trùng. Đây là đề tài rất mênh mông mà hiểu biết của tôi thì nhỏ bé. Vì thế tôi luôn mở lòng đón nhận và trân trọng những góp ý bổ sung chân thành từ phía cộng đồng. Rất mong bà con cùng chung tay vì một ngành Hồ Tiêu Việt Nam bền vững…
----------------------------------------------------------
Đỗ Trường Sơn - 0905603559
 


Hn vào đây, được đọc lần nữa bài viết của chú. Thật sự bài viết rất thiết thực. Chúc chú sức khoẻ. Gắn bó với nàng tiêu, với bà con.
 


Back
Top