Tôi chọn ngựa lớn, chứ không biết chọn ngựa
con. Thế nhưng chịu khó suy luận và so sánh
thì cũng sẽ biết chọn.
Chọn ngựa thì theo tầm vóc, hình dáng, tuổi,
và tính nết, thần kinh.
Tầm vóc, thì càng to càng tốt. Cụ thể phải
1 mét 20, tức là 12 nắm tay theo cách nói
nhà nghề (Cao bằng, Sài Gòn, và Mỹ đều tính
bằng nắm tay, nhưng tôi tính tròn là 10 cm
chứ nắm tay người Mỹ có thể hơn 10cm). Ngực
phải đút vừa bàn tay giữa 2 chân trước, tức
là rộng ngực hơn 10cm. Ngựa cao 1,20 mét thì
móng chân phải 11-12cm thì ngựa mới to. Nếu
móng nhỏ thì ngựa cũng gầy hom hem, chỉ nhìn
ngang có thể to, nhưng nhìn thằng trước mặt
thì mỏng như lá lúa.
Hình dáng, thì con ngựa phải vuông, tức là
ngực đến mông bằng chiều cao lưng. Cũng có
nghĩa là ngực, bụng, mông phải căng tròn chứ
không hình trái xoan. Ngựa Mỹ có con quá
tròn, là hình trái xoan nằm, tức là chiều rộng
còn lớn hơn chiều cao. Đặc biệt sống lưng phải
thẳng. Con nào gù lưng là vứt.
Ngựa nhanh thì cổ phải mỏng, bờm mỏng. Con nào
cồ dày, bờm dày thì chậm lắm, lù đù bực mình.
Mặt ngựa phải mỏng, mà gân guốc. Con nào đầu to,
hàm to, mặt thịt béo thì chậm. Mắt thì phải một
mí mới nhanh. Có nghĩa là bình thường, mi mắt
trên che chớm một chút lên mắt, thì mỏng, chỉ
có một ngấn mờ thôi. Nếu ngấn này mà sâu, mi mắt
cộm lên, tạo nên 2 mí thì ngựa chậm. Mí càng cộm
cao thì càng chậm.
Tuổi, thì khó biết chính xác, nhưng thường chủ
bán ngựa nói cho mình. Họ không nói dối. Chẳng
biết vì sao. Họ cho cái đó không quan trọng.
Dù sao, nếu ngựa quá già, thì cổ lộ hầu. Ngựa
non thì cổ phẳng lỳ. Ngựa tôi mua đều hơi lộ
hầu, chắc chắn không trẻ họ mới bán. Họ nói đã
hơn 10 tuổi rồi.
Tính nết thì có con hung dữ, có con hiền. Đương
nhiên mình thích con hiền. Tuy thế, có con chỉ
hung dữ với người lạ và người yếu bóng vía thôi.
Như con ngựa của Lã Bố, sau này Quan Công cưỡi
hay con ngựa của Hạng Võ cũng thế, thì lại là
ngựa hay. Mấy con ngựa tôi mua đều hiền, làm tôi
rất buồn, vì mình thả ra dễ bị người ta bắt. Nếu
ngựa dữ, không phải tay nài ngựa nhà nghề, thì
không dám đến gần nó.
Ngựa con mà tốt, thì bao giờ cũng lẩn sau mẹ,
không cho người chạm vào nó. Nếu dễ sờ vào nó,
thì là ngựa hiền. Khi mua ngựa, cứ thử sờ nó
xem có dễ không. Sau đó hỏi xem thằng con trai
chủ nhà có sờ được vào nó không, thì biết tính
tình con ngựa là sắc sảo, nhanh nhẹn. Ngựa sắc
sảo thì huấn luyện rất nhanh biết việc. Thường
ngựa mẹ nhanh và dữ thì ngựa con cũng thế. Có
thể hỏi dân làng, thì họ biết tính từng con
ngựa trong bản, con nào hơn con nào, khác nhau
ra sao. Nghe rồi, thì dễ chọn hơn. Đó cũng là
điều hay mà mình mua lại của người buôn thì
không thể có được.
Cũng có thể thử ngựa nhanh bằng 2 cách. Một cách
là mình đứng ngang với 2 chân trước của nó, rồi
đi chân không dẫm một nhát lên một móng. Nó tức
khắc nhấc chân đó lên, thì mình dẫm lên móng kia
một nhát. Nó tức khắc nhấc chân bị dẫm lên. Cứ
thay đổi dẫm chân lên móng, mỗi móng 2 lần, tổng
cộng 4 lần, thì biết nó có nhanh không. Thông
thường thì tốc độ nhấc chân của ngựa chậm hơn tốc
độ mình dẵm. Con nào nhanh lắm thì mới nhanh bằng
mình. Con nào chậm, thì sau khi bị dẵm 1-2 giây
mới nhấc chân lên.
Một cách thử nữa là buộc dây vào cổ nó mà dắt đi.
Đừng buộc cương hay hàm thiếc, mà chỉ buộc cổ bình
thường thôi. Khi dắt đi, mình đi rảo bước, tốc độ
6 km một giờ. Con nào nhanh, thì dây luôn luôn
chùng. Con nào chậm, thì không được 6km một giờ.
Đó là lý do ngày xưa tướng cưỡi ngựa, còn lính thì
đi bộ, nhưng đều nhanh như nhau. Điều này thực hiện
được, vì tôi và người miền núi đều đi nhanh, nhưng
thanh niên Hà Nội thì đi chậm như rùa bò.