Xuất khẩu rau quả 2016: Phải vun trồng mới “kết trái”

Năm 2015, xuất khẩu rau quả ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục, được xem là “cứu tinh” cho kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước, dù trước đó không được đặt nhiều kỳ vọng về mức độ tăng trưởng như lúa gạo, cà phê, cao su hay thủy sản.…

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, kim ngạch XK của ngành rau quả đạt 2,2 tỷ USD, tăng tới 47% so với năm 2014. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục của rau quả Việt Nam trong khi các nông sản khác như gạo, cà phê, điều, cao su và thủy sản đều sụt giảm.

Đặc biệt, 2015 cũng là năm đánh dấu sản phẩm trái cây Việt đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản…, góp phần giúp kim ngạch XK rau quả thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh.

Tăng trưởng kỷ lục

Cụ thể, Việt Nam đã bắt đầu XK sang thị trường Mỹ hơn 3 tấn vải, trên 100 tấn nhãn; Nhật Bản hơn 1.200 tấn thanh long, trên 10,6 tấn xoài; Australia hơn 28 tấn vải tươi. New Zealand đã phái chuyên gia sang kiểm tra vùng trồng chôm chôm tại Việt Nam, xây dựng điều kiện và cấp giấy phép nhập khẩu cho mặt hàng này; Hàn Quốc mở rộng vùng trồng xoài XK ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Tính chung đến hết năm 2015, các mặt hàng rau, quả của Việt Nam đã được XK đến trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 10 thị trường chủ lực, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.

Xét tổng thể trong giai đoạn 2011-2015, rau quả là một trong những ngành hàng XK ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp Việt Nam, với mức tăng 26,5%/năm và năm 2015, kim ngạch XK cán đích ở mức hơn hai tỷ USD.

Các chuyên gia đánh giá, dù số lượng XK chưa lớn nhưng đây là động lực để người dân tiếp cận phương pháp sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn, sản phẩm chất lượng, sạch hơn và bền vững hơn.

Vì vậy, nhiều chuyên gia dự báo, ngành rau quả Việt Nam sẽ có cơ hội và tiềm năng để vươn lên XK ấn tượng trong năm 2016. Nhất là khi nhu cầu tiêu thụ của không ít thị trường vốn được coi là khó tính, như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Liên minh châu Âu (EU) không ngừng tăng cao.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cho biết hiện các nước nhập khẩu chỉ còn sử dụng hai hàng rào kỹ thuật là an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Nếu đáp ứng được hai hàng rào này thì Việt Nam có khả năng cạnh tranh để XK đi các nước.

Theo ước tính năm 2016, tổng dung lượng của thị trường rau quả thế giới hàng năm khoảng 240 tỷ USD. Riêng 11 quốc gia thành viên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hàng năm nhập khẩu tới hơn 50 tỷ USD hàng rau, củ quả. Đây là cơ hội cho rau quả XK Việt.

Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm nhiều nước, nhiều thị trường “khó tính” khác tiếp tục mở cửa cho các loại rau quả của Việt Nam. Cụ thể: Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) đã hoàn tất báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) của xoài và vú sữa của Việt Nam gửi Cục Bảo vệ thực vật, để mở cửa cho hai loại trái cây này vào Mỹ trong năm 2016.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang gấp rút đàm phán nhằm mở cửa thị trường cho 6 loại quả tươi chủ lực, gồm: thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, xoài và bưởi sang Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Ác-hen-ti-na…

Trang%203%20-%20Anh%20bai%20chinh-20160127-07010554.jpg

Từ sản phẩm thứ yếu, rau quả đã vươn lên chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản và đang đứng trước thời cơ lớn.

Chờ tin vui 2016

Tuy nhiên, bên cạnh thành tích đạt được, nhiều ý kiến cũng cho rằng XK rau quả vẫn còn nhiều bấp bênh, thành tích đạt được dựa vào cơ may là chính. Vậy nên nếu như năm 2016 không có nhiều cải thiện, XK rau quả lại có nguy cơ rơi vào bài học của lúa gạo, cà phê, cao su… như hiện nay.

Các chuyên gia nhận định rằng khó khăn nhất đối với rau quả tươi là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là làm sao để sản phẩm có chất lượng cao, sản xuất theo quy chuẩn của khu vực và thế giới.

Theo ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), hiện có khoảng 20% nông dân vẫn cố tình xịt thuốc tăng trưởng hoặc thuốc BVTV bị cấm cho trái cây.

Bên cạnh đó, vẫn có nhiều DN cũng vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua tiêu chỉ an toàn và chất lượng của sản phẩm. Điều này tổn hại đến hình ảnh chung của thương hiệu nông sản Việt Nam.

“Hệ quả đã thể hiện trên thực tế, khi mà trước đây, một số nước châu Âu đã cấm nhập khẩu một số rau quả của Việt Nam. Hơn nữa, việc thiếu vùng quy hoạch cây trồng khiến nông sản Việt thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá. Bản đồ vùng trồng rau quả manh mún còn khiến việc áp dụng quy trình sản xuất Glogal Gap gặp trở ngại”, ông Đấu cho biết.

Đồng thời, việc thu hái, sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25-30%.

Đặc biệt, chia sẻ về khó khăn DN đang gặp phải, ông Đấu cho biết kinh doanh trong lĩnh vực chế biến rau quả, có thể nói yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của DN là sự gắn kết với nông dân để sản xuất theo mô hình công nghệ cao.

“Tuy nhiên, hiện nay có nhiều DN đến thu mua ở vùng nguyên liệu do Antesco đầu tư, DN chỉ cần thu mua giá cao hơn công ty chúng tôi 200-500 đồng/kg thì nông dân bán ngay cho DN. Như vậy, Antesco mất cả nguồn nguyên liệu lẫn tiền giống đầu tư ban đầu”, ông Ddaasus nói.

Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải khắc phục cho được khâu yếu và thiếu là nghiên cứu, tiếp cận thị trường. Mặc dù đã tiếp cận được những thị trường khó tính, giá trị xuất khẩu cao, nhưng công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, trong khi vẫn xác định những thị trường XK rau quả chủ lực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Autralia, khu vực EU,… cần nghiên cứu và mở rộng ra các thị trường có tiềm năng như: Ấn Độ, các nước khu vực ASEAN đối với những mặt hàng hoa quả mang tính thời vụ (vải thiều, nhãn…).

Như vậy, có thể thấy từ sản phẩm thứ yếu, rau quả đã vươn lên chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản và đang đứng trước thời cơ lớn. Tuy nhiên, trước thời cơ này, rau quả cần phải nâng chất mới chớp được cơ hội. Nếu không, thành tích sẽ chỉ là nhất thời, là cơ may, đến trong chốc lát.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam lẽ ra còn tăng cao hơn nữa nếu như ngành nông nghiệp không bị lệch trong định hướng phát triển, đó là tập trung quá nhiều vào cây lúa dù giá trị thị trường của mặt hàng này rất thấp, trong khi thị trường rau quả của thế giới lên đến hàng trăm tỷ USD. Nếu có chiến lược đầu tư bài bản nhằm nâng cao công nghệ và chất lượng, ngành rau quả sẽ là một trong những ngành xuất khẩu đem lại nhiều tỷ USD cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực phẩm

Đối với lĩnh vực rau, hoa quả quan trọng nhất là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn hội nhập sâu, rõ ràng chất lượng phải được nâng lên. Muốn chiếm được thị trường trong nước cũng phải nâng cao chất lượng. Cho nên, nhiệm vụ hàng đầu đối với ngành rau quả đó là chất lượng, trong đó là chất lượng an toàn thực phẩm để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng của chất lượng an toàn thực phẩm.

Gs. Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT, Autralia

Tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến. Thực trạng trên dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ruồi đục quả, dư lượng thuốc sâu, hàm lượng kim loại nặng, chất lượng bao bì…) còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam (chủ yếu là rau quả tươi) trong tiếp cận thị trường.
Lê Thúy
Nguồn: Thời báo kinh doanh
 




Back
Top