Yên Châu ghép cải tạo vườn xoài

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Nhờ điều kiện khí hậu thiên nhiên ưu đãi, từ lâu vùng lòng chảo huyện Yên Châu (Sơn La) đã hình thành một vùng xoài đặc sản bản địa với 2 giống chủ yếu là xoài tròn (muồng kéo) và xoài hôi (muồng khăm), trong đó giống xoài tròn được trồng nhiều nhất, tuy quả nhỏ, hạt to, nhiều xơ nhưng ăn ngọt đậm, thịt mềm và thơm lâu nên rất được ưa chuộng.


Ngoài 2 giống muồng kéo và muồng khăm, ở đây còn có một số giống xoài ít phổ biến như: muồng muồng mút, muồng ngu, mác trai, muồng sáy… mỗi giống đều có một hương vị khác nhau và thường mọc tự nhiên thành rừng, có cây to lâu năm tới gần 100 tuổi. Số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Yên Châu, đến cuối năm 2009 toàn huyện có trên 500ha cây xoài với 95% số hộ dân trồng xoài, hàng năm cho thu hoạch vài ngàn tấn quả, tùy vào thời điểm đầu mùa, giữa hoặc cuối vụ mà có giá bán từ vài ngàn cho tới trên dưới 10 ngàn đồng/kg, ước tính mỗi vụ cũng cho thu một vài tỷ đồng. Theo đánh giá của UBND huyện Yên Châu, xoài là cây trồng bản địa, có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng ở vườn đồi đem lại nguồn thu đáng kể cho kinh tế địa phương và góp phần xóa đói, giảm nghèo thiết thực cho nhiều hộ gia đình ở khu vực lòng chảo của huyện.


Tuy nhiên, một trong những khó khăn của việc duy trì và mở rộng diện tích xoài để biến loại cây trồng đặc sản bản địa này của Yên Châu thành một vùng sản xuất hàng hóa tập trung có sản lượng lớn, đưa lại hiệu quả kinh tế cao là chất lượng quả của các giống xoài địa phương không cao (xơ nhiều, hạt to), mẫu mã không đẹp, chín tập trung nên rất khó tiêu thụ. Nhận thấy những nhược điểm này, trong nhiều năm qua huyện Yên Châu đã phối hợp với các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Rau quả và Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tiến hành nghiên cứu, triển khai xây dựng nhiều mô hình nhằm chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong thâm canh, trồng mới, phòng trừ sâu bệnh, ghép cải tạo vườn tạp bằng các giống xoài mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.


Một trong các giống xoài mới được đưa vào ghép cải tạo trên các giống xoài địa phương ở các xã Chiềng Pằn, Chiềng Khoi, Sập Vạt, Tú Nang và Chiềng Hặc là giống xoài ăn xanh VRQ-XX1. Đây là giống xoài ăn xanh có nguồn gốc từ Thái Lan được Viện Nghiên cứu Rau quả nhập nội, trồng thử nghiệm và chọn tạo thành công năm 2001, năm 2006 được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận là giống tạm thời và cho phép khu vực hóa. Từ năm 2007 đến nay giống xoài xanh VRQ-XX1 được trồng thử nhiệm ở nhiều vùng sinh thái khác nhau như Gia Lâm (Hà Nội), Vũ Thư (Thái Bình), Phủ Quì (Nghệ An), Yên Châu (Sơn La)… đều cho kết quả rất tốt: cây ra quả sau 3 năm trồng hoặc 2 năm sau ghép cải tạo, tỷ lệ đậu quả cao, năng suất trung bình cây 3-4 tuổi đạt 12-15kg/cây, khối lượng quả bình quân 250-300g/quả, chất lượng tốt: nếu thu xanh thì ăn giòn và ngọt, để chín sẽ cho chất lượng tuyệt hảo, ăn ngọt đậm và thơm, vỏ cứng, chịu vận chuyển, bán được giá cao từ 12.000-15.000 đồng/kg tại Yên Châu, thị trường Hà Nội đang bán với giá từ 20.000-25.000 đồng/kg nên đây là giống xoài mới có khả năng rải vụ thu hoạch, cho hiệu quả kinh tế cao.


Dẫn chúng tôi lên thăm vườn xoài ghép cải tạo bằng các giống GL2, GL6 và XVRQ-XX1 rộng gần 1ha nằm trên quả đồi dốc tới trên 30 độ sai lúc lỉu quả chuẩn bị cho thu hoạch, anh Đào Văn Hách ở bản Trường Thi, xã Chiềng Pằn khoe: “Các giống xoài mới của Viện Rau quả tốt lắm, bán được giá, cho thu nhập cao hơn xoài Yên Châu nhiều. Nghe theo các nhà khoa học tôi trồng mới và ghép cải tạo được gần 300 cây, trong đó chủ yếu là giống xoài ăn xanh. Năm ngoái có 70 cây cho thu bói, chỉ để ăn thử và biếu bạn bè, bà con. Năm nay mỗi cây cho khoảng 15kg, với giá bán tại chỗ khoảng 12.000 đồng/kg, dự kiến thu khoảng 10 triệu đồng, cao gấp nhiều lần cấy lúa, trồng ngô và trồng giống xoài cũ. Năm tới tôi sẽ tiếp tục nhân giống, phổ biến cho bà con trong bản, trong xã cùng mở rộng diện tích bằng giống xoài mới này cho cuộc sống bớt khổ theo chủ trương chuyển đổi giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung của xã, của huyện”.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top