Bảo tồn nguồn gen cây trồng xứ Đoài

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Ngày 27/1 vừa qua tại UBND huyện Hoài Đức đã diễn ra Hội nghị triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen bưởi chín sớm vùng lũ sông Đáy, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội”. Dự án do Hội Nông dân huyện Hoài Đức làm chủ dự án và kinh phí do Chương trình Hỗ trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF- GSP) tài trợ. Thời gian thực hiện là 2 năm, từ 2010 – 2011 với kinh phí 887,2 triệu đồng. Địa điểm triển khai dự án tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức.


buoi.jpg



Mục tiêu của dự án là góp phần bảo vệ và cải thiện đa dạng sinh học nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Hồng thông qua xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển một số dòng bưởi chín sớm, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt tại vùng sông Đáy, huyện Hoài Đức.


Nói đến xứ Đoài người ta nghĩ ngay tới một vùng của di tích và danh thắng của Thủ đô, tuy vậy ít người biết đến nơi đây, còn chứa đựng nguồn gen cây trồng quý giá đang rất cần được bảo tồn và khai thác sử dụng. Vùng sông Đáy, đặc biệt vùng thượng nguồn được coi là nơi có sự đa dạng cao về nguồn gen cây ăn quả. Chỉ tính từ vùng đầu nguồn thuộc huyện Đan Phượng đến hết địa phận huyện Hoài Đức và dọc theo hai bên triền sông Đáy khoảng 15 km người ta đã xác định 6 nguồn gen cây ăn quả quý hiếm của quốc gia cần được bảo tồn. Các nguồn gen đó có thể kể đến như: Quýt Tích Giang, bưởi Diễn, cam Canh, hồng Thạch Thất, nhãn muộn Đại Thành và đầu bên kia là bưởi đỏ Mê Linh. Có thể nói, không có nơi nào trên đất nước ta có mật độ cao nguồn gen quý được phát hiện trong một không gian hạn hẹp như vậy.


Theo số liệu của Sở NN-PTNT Hà Nội, diện tích bưởi hiện nay trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 2.500 ha, trong đó diện tích bưởi Diễn vào khoảng 800 ha, tập trung ở các huyện Từ Liêm, Hoài đức, Đan Phượng, Phúc Thọ. Bưởi Diễn tuy có ưu điểm là chất lượng tốt nhưng chống chịu sâu bệnh kém, thời gian chín muộn và năng suất không ổn định. Qua điều tra khảo sát gần đây, Trung tâm tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện ra trên 10 nguồn gen bưởi địa phương dọc theo vùng sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức.


Chỉ tính riêng ở xã Cát Quế nhóm chuyên gia đã phát hiện ra 3 dòng bưởi chín sớm chất lượng tốt, đặc biệt có dòng bưởi Quế Dương đang được người dân sản xuất quy mô thương mại gần 10 ha. Theo ý kiến của các chuyên gia, một số nguồn gen quý này có chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt và đặc biệt chín sớm có thể bổ sung vào cơ cấu giống bưởi trong huyện Hoài Đức và Hà Nội nói chung. Hoài Đức hiện là huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, trong khi cây trồng nông nghiệp được thâm canh cao, dẫn đến một số nguồn gen cây trồng quý trong vùng có nguy cơ bị biến mất. Thực tế giống hồng Thìa quý hiếm ở xã Kim Chung đã bị xóa sổ trước khi chúng ta có kế hoạch bảo tồn.


Việc bảo tồn, khai thác hiệu quả đa dạng nguồn gen giống cây trồng nói riêng và nguồn tài nguyên di truyền thực vật nói chung là tiền đề cho phát triển bền vững và đó là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu mà Quỹ Môi trường toàn cầu luôn hướng tới.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top