Ngoài bắc, người ta không gọi là môn, mà gọi là Khoai Sọ, Khoai Môn, Khoai Ngứa,
Khoai Nước, Dọc Mùng, và Ráy.
*
Tôi không trồng Khoai Sọ và Khoai Môn, nên không biết chúng ra sao, chỉ biết củ
Khoai Sọ thì tròn, còn các củ con mọc ra bên cạnh thì cũng tròn, bằng cỡ ngón
chân cái, giá đắt nhất, vì luộc nấu lên thì nó dẻo, ăn ngon lắm . Củ Khoai Môn
trông khá giống Khoai Sọ, có điều to hơn nhiều, các củ con mọc bên cạnh củ cái,
thì cũng to hơn, nhưng ăn hơi bở hơn chứ không dẻo như Khoai Sọ . Hai cây này
trồng ruộng cạn mặc dù cần tưới rất nhiều.
*
Khoai Ngứa và Khoai Nước thì trồng ngập củ dưới nước, thường cắt dọc nuôi lợn,
có cây có chấm đỏ ở lá như hình chụp trên, có cây thì không có chấm đỏ. Người
ta nói cắt nhiều dọc thì ngứa nhiều . Tôi đã ăn nhiều lần, cả dọc, cả củ, cả
mầm mọc ngoi dài đến 1 hay 2 gang tay . Phải nấu sôi thật lâu, nhưng ăn thì
vẫn ngứa, mà ngứa chịu được, chứ không phải ngứa móc họng như Ráy đâu. Có loại
cuống màu nâu tím nhạt, có loại cuống màu tím thẫm gần như đen, và có loại cuống
màu xanh như màu lá. Hình như loại cuống tím thì có chấm đỏ ở giữa lá thì phải.
*
Riêng Dọc Mùng thì màu xanh trắng, chứ không xanh sẫm như các loại Khoai kia,
và không bao giờ ăn củ cả. Ráy và Dọc Mùng là 2 cây lá to nhất trong các loại
cây này, và chúng giống nhau ở chỗ gân lá rất to. Các loại Khoai ăn củ và ăn
dọc kể trên, thì gân lá rất nhỏ, không nổi gồ lên, và không nhìn thấy rõ như
Dọc Mùng và Ráy. Dọc Mùng cũng có thể hơi ngứa, nhưng hầu như không ngứa.
*
Mọi năm tôi đều trồng Dọc Mùng, nhưng từ năm ngoái trở đi thì không trồng nữa .
Lý do, từ đầu tháng Sáu mới trồng, phải tưới thật nhiều nước, thì đến tháng
Chín, gốc cuộng mới to ít nhất cổ tay, và đến tháng Mười Một thì phải cắt hết
mà đưa vào nhà giữ cho đến năm sau . Cây nào để ở ngoài thì chết vì băng tuyết.
Lúc nó to, cuộng bằng cổ tay cổ chân, lá cao ngang ngực, thì lâu lâu đi rảo cả
luống (2 chục gốc) mỗi cây cắt một cuống già nhất, không thể ăn hết, phải mang
ra nhà thờ chia cho bà con. Có năm tôi tưới ít, cho đến tận tháng Mười Một,
lạnh đến, thì cuộng to nhất mới bằng cổ tay. Cỡ đó thì nấu chua đầu cá ăn mới
tạm ngon . Nhỏ hơn thì ăn chẳng ra sao. Chẳng bù ngày xưa tôi trồng một cây ở
ViệtNam xanh tốt quanh năm, trồng ngay cuối cống nước, cuộng to bằng bắp chân,
cao ngập đầu người, chỉ một cuộng cũng đủ nấu một nồi canh thật to cho chục người
ăn.
*