Cây Rau Sam Và Cây Ổi Trị Bệnh.

  • Thread starter ngoinhanhotrenthaonguyen
  • Ngày gửi
1. Rau Sam cây rau - vị thuốc

Rau sam là một loại rau mọc hoang, ăn được, không có độc tính, có nhiều chất bổ dưỡng như sinh tố A, B1, B2, C, PP, một số khoáng chất và nhiều acid béo omega-3. Ngoài tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, có thể cải thiện nồng độ cholesterol cao trong máu, rau sam còn là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong việc điều trị các chứng viêm nhiễm đường ruột và đường sinh dục tiết niệu.
Rau sam và tác dụng dược lý
Rau sam còn có tên là Mã xỉ hiện vì có lá giống hình răng ngựa. Tên khoa học là Portulaca Oleracea L. thuộc họ Rau Sam Portulacea. Rau sam là một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành mẩm, nhẵn, màu đỏ nhạt, mọc bò lan trên mặt đất. Lá hình bầu dục, phần đáy lá hơi nhọn, không cuống, phiến lá dày, mặt láng. Hoa màu vàng. Hạt màu đen. Ở nước ta rau sam thường chỉ mọc hoang. Hiếm khi thấy được gieo trồng hoặc bày bán làm thức ăn. Tuy nhiên nhiều gia đình ở nông thôn vẫn dùng rau sam để luộc hoặc nấu canh ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô làm thuốc thường được thu hái từ nguồn hoang dã vào mùa hè và mùa thu. Rau tươi có thể tìm thấy quanh năm ở những nơi ẩm mát.
Thành phần Rau sam bao gồm nhiều hoạt chất sinh học như chất đạm, chất béo, carbonhydrate, một số khoáng chất và sinh tố. Theo Viện Vệ sinh Hà Nội (1972), rau sam thu hái tại Việt Nam có 1,4% protid, 3% glucid, 1,3% tro, 85mg% canxi, 5,6mg% phosphor, 1,5mg% sắt, 26mg% vitamin C, 0,32mg% carotene, 0,03%mg vitamin B1, 0,11mg% vitamin B2, 0,07%mg vitamin PP. Những nghiên cứu ở Đài Loan và Úc còn cho thấy trong rau sam có nhiều potasium nitrate và calcium oxalate.
Tác dụng dược lý Từ lâu y học dân gian nước ta thường dùng rau sam làm thuốc sát trùng trong những chứng lở loét ngoài da, làm tiêu nhọt độc và làm lợi tiểu trong chứng tiểu buốt, tiểu rát. Nhân dân Trung Quốc và Ấn Độ dùng rau sam để trị bệnh ho, lao phổi, giải độc rắn hoặc côn trùng cắn. Người Ấn Độ còn dùng rau sam làm thuốc co mạch. Dân Haiti và Thổ Nhĩ Kỳ dùng rau sam để làm thuốc an thần, chữa bệnh mất ngủ. Nhiều vùng ở Trung Quốc, Brazil, Cộng hòa Dominique dùng rau sam để lọc máu, tiêu viêm, giảm đau. Nghiên cứu khoa học cho thấy rau sam có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi trùng lỵ và thương hàn. Dịch chiết rau sam bằng cồn etylic có hiệu quả rõ rệt đối với trực khuẩn E. Coli, kiết lỵ và thương hàn. Những nhà khoa học Mỹ và Úc còn cho biết trong rau sam có nhiều acid béo Omega-3 có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể. Theo Đông y rau sam có vị chua tính lạnh, không có độc tính, vào ba kinh Tâm, Can và Đại trường, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm, nhuận trường lợi tiểu, thường được dùng trong các chứng viêm nhiễm, lở ngứa, kiết lỵ. Theo kinh nghiệm riêng của tác giả, rau sam là một nguồn kháng sinh tự nhiên rất quý trong các chứng viêm nhiễm đường ruột và đường sinh dục, tiết niệu. Có một số trường hợp viêm cầu thận, viêm bàng quang hoặc viêm đường niệu đạo dây dưa nhiều ngày do vi trùng đã lờn thuốc kháng sinh Tây y, nhưng lại đáp ứng rất tốt với rau sam. Với liều khoảng 600g rau tươi một ngày, sắc cô lại cho bệnh nhân uống mỗi 2 hoặc 3 giờ thường không quá một ngày các chứng buốt, rát, đau quặn sẽ biến mất.
Những bài thuốc có rau sam
Chữa viêm cầu thận, viêm bàng quang, niệu đạo Rau sam tươi 600g, gừng sống 7 đến 9 lát. Nấu sôi khoảng 400ml nước. Khi nước sôi lần lượt cho cả rau và gừng sống vào. Đảo qua lại vài lần. Chỉ sau khoảng 7-10 phút là có thể chắt nước ra uống được. Thời gian nấu nhanh có thể bảo đảm được tối đa hoạt chất và chất bổ dưỡng. Khi uống cho thêm vào một chút muối. Chia ra uống làm nhiều lần trong ngày. Mỗi lần cách nhau khoảng 2 hoặc 3 giờ. Có thể ăn cả xác. Gừng sống có tác dụng hạn chế bớt tính hàn của rau sam, không làm trệ tỳ lại có thể tăng cường chức năng khí hóa ở thận và bàng quang.
Chữa xơ vữa động mạch, làm hạ độ cholesterol trong máu Rau sam tươi 100g, gừng sống 3 lát. Luộc hoặc nấu canh ăn hàng ngày. Ăn cả nước lẫn xác. Có thể thêm vào gia vị tùy thích. Thỉnh thoảng ăn mỗi đợt từ 5 đến 7 ngày.
Chữa khí hư, bạch đới ở phụ nữ Rau sam tươi 100g. Giã nát vắt lấy nước, hòa với 2 lòng trắng trứng gà, khuấy đều, hấp chín. Chia ra ăn làm 2 lần trong ngày. Ăn từ 3 đến 5 ngày.
Chữa kiết lỵ cấp tính Rau sam tươi 100g. Giã nát vắt lấy nước, đun nóng, cho thêm một chút mật ong hoặc đường đen vào để uống.
Chữa sán xơ mít Rau sam tươi 100g. Giã nước lọc lấy nước, cho thêm một chút muối và một muỗng giấm, uống vào lúc sáng sớm khi bụng đói.
Chữa bệnh giun kim Rau sam tươi 80g. Giã nát lọc lấy nước, thêm một chút muối. Uống từ 3 đến 5 ngày.
Chữa mụn nhọt sang độc Rau sam tươi một nắm. Giã nát đắp lên mụn nhọt băng lại.
Lưu ý: Rau sam hoạt huyết và tính hàn nên không sử dụng cho người có thai. Với những bệnh nhân có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu lỏng, khi sử dụng rau sam cần được phối hợp tốt với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ. Ngoài ra do hàm lượng nitrate và oxalate có trong rau sam nên cần thận trọng khi dùng với người có tiền sử về sạn thận.
Theo SK&ĐS

2. Những bài thuốc quý từ “Cây ổi sau nhà”

Lương y VÕ HÀ
Chống mất nước, giữ ấm người và bảo vệ khí hoá của Tỳ Vị là những yêu cầu cơ bản của việc chữa tiêu chảy cấp. Nước sắc búp ổi và uống nước cháo gạo lức rang có thể đáp ứng tốt quá trình nầy.
Ổi là một loại cây ăn quả quen thuộc. Hình ảnh “Cây ổi sau nhà” đã trở thành một biểu tượng đặc trưng cho miền quê Việt Nam. Cây ổi không chỉ che mát, tạo thêm nét đa dạng cho vườn cây ăn quả của gia đình mà còn là một nguồn dược liệu phong phú cho nhiều trường hợp cấp cứu khác nhau.
Mô tả.

Cây ổi còn được gọi là phan thạch lựu, tên khoa học Psidium guyjava L., thuộc họ Sim Myrtaceae. Ổi là mộ loại cây nhỡ, cao từ 3 đến 6 mét. Cành nhỏ có cạnh vuông. Lá mọc đối, hình bầu dục, có cuống ngắn, phiến lá có lông mịn ở mặt dưới. Hoa có màu trắng, mọc ra từ kẻ lá. Quả mọng, có phần vỏ quả dày ở phần ngoài. Ổi có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, lan sang châu Á, châu Phi. Hiện nay, ở nước ta có nhiều loại ổi. Ổi mọc hoang ở khắp nơi từ vùng đồng bằng đến đồi núi. Ổi cũng thường được trồng để ăn quả.
Dược tính.

Nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng của ổi cho biết quả ổi có hàm lượng các sinh tố A, C, acid béo omega 3, omega 6 và nhiều chất xơ. Ổi là một trong những loại rau quả có tỷ lệ sinh tố C rất cao, mỗi 100g có thể có đến 486mg Sinh tố C. Sinh tố C tập trung cao nhất ở phần vỏ ngoài, càng gần lớp vỏ ngoài, lượng sinh tố càng cao. Do đó, khi ăn ổi, nên rửa sạch và ăn cả vỏ. Quả ổi là một nguồn thực phẩm ít calori nhưng giàu chất dinh dưỡng và có nhiều chất chống oxy hoá thuộc 2 nhóm carotenoids và polyphenols. Theo những nghiên cứu khoa học về những chất chống oxy hoá, vị chua và chát trong nhiều loại rau quả, bao gồm lá ổi, quả ổi là do độ đậm đặc của những loại tanin có tính chống oxy hoá gây ra. Tương tự như quy luật màu càng sậm như vàng, tía, đỏ càng có nhiều chất chống oxy hoá, vị càng chát, càng đắng, càng chua độ tập trung của những chất nầy cũng càng nhiều. Ngoài sinh tố A, C, quả ổi còn có quercetin, một chất có tính chống oxy hoá cực mạnh có tác dụng kháng viêm, chống dị ứng trong nhiều chứng viêm nhiễm mãn tính như suyển, dị ứng, tim mạch, thấp khớp, lỡ loét, ung thư.
Một tính chất quan trọng của ổi thường được sử dụng làm thuốc là tác dụng thu liễm, se da, co mạch, làm giảm sự xuất tiết và giảm sự kích thích ở màng ruột. Tác dụng nầy được dùng rộng rải trong nhiều chứng tiêu chảy, thổ tả hoặc kiết lỵ. Trong nhiều trường hợp rối loạn thuộc loại này, điều cơ bản là chống mất nước, giữ ấm người, bảo vệ khí hóa của Tỳ Vị. Búp ổi, lá ổi là một vị thuốc đáp ứng rất tốt cho yêu cầu se da, giảm xuất tiết và cả giảm kích thích để làm dịu các triệu chứng cấp. Uống thêm nước cháo gạo lức rang có thêm vài lát gừng nướng và một chút muối vừa bảo đảm yêu cầu bổ sung nước, vừa giữ ấm trung tiêu và kích thích tiêu hoá là những biện pháp đơn giản, ở trong tầm tay, nhưng có thể giải quyết được hầu hết các trường hợp.
Kinh nghiệm dân gian nhiều nơi đã dùng lá ổi giã nát hoặc nước sắc lá ổi để làm thuốc sát trùng, chống nấm, chữa các trường hợp lở loét lâu lành, làm giảm sốt, chữa đau răng, chữa ho, viêm họng. Nghiên cứu của Trần thanh Lương và các cộng sự cho biết tác dụng chống nhiễm khuẩn và nhiễm nấm là do 2 hoạt chất Beta-caryophyllene và Alpha-caryophyllene. Ở Ấn Độ, người ta còn dùng nước sắc lá ổi để chữa viêm thận, động kinh. Có thể thấy hiệu quả chữa bệnh ở đây là do tác dụng tổng hợp của 3 yếu tố (1) thu liễm (2) sát trùng (3) kháng viêm.
Theo y học cổ truyền, quả ổi có tính mát, vị ngọt, chua, hơi chát, không độc, có tác dụng sáp trường, chỉ tả, thường dùng để sát trùng, rửa vết thương, trị tiêu chảy.
Sau đây là một số cách sử dụng ổi phổ biến.

Chữa vết thương do chấn thương hoặc trùng, thú cắn.
Búp ổi non nhai nát, đấp vào vết thương.
Chữa vết loét lâu lành ở chân, tay.
Búp ổi, lá ổi non khoảng 100g, sắc đặc, ngâm tay hoặc chân bị loét vào nước sắc lúc thuốc còn ấm. Mỗi ngày ngâm khoảng 2 hoặc 3 lần.
Chữa đau răng hoặc vết lở ở miệng.
Có thể dùng một trong 3 cách
- Nhai hoặc giã nát búp ổi non xát nhẹ vào nướu hoặc vào chỗ lở.
- Thêm một chút nước ấm và một tí muối vào khoảng 7 búp ổi non. Giã nát. Dùng một que tăm có bông gòn ở đầu thấm vào nước thuốc đã giã ra để lăn hoặc chà nhẹ vào nướu hoặc chổ lở.
- Lá ổi non khoảng 100g, sắc đặc. Dùng nước sắc để súc miệng và ngậm vài phút trước khi nhả ra.
Chữa ho, sốt, viêm họng.
Lá ổi non 20g đến 40g phơi khô, sắc uống.
Chữa tiêu chảy cấp.
Búp ổi 20g, Vỏ măng cụt 20g, Gừng nướng 10g, Gạo rang 20g Sắc uống.
Bách chiến tán chống dịch tiêu chảy cấp.
Bách chiến tán là phương thuốc của Lương Y Lê Minh Xuân để chữa những trường hợp tiêu chảy hoặc thổ tả do Tỳ Vị hư yếu gặp phải phong độc hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn.
Búp ổi 200g, Vỏ cây sung 500g, Vỏ quít 20g, Gừng già 100g, Hạt cau già 10g, Nhục đậu khấu 150g. Các vị thuốc xắt nhỏ, phơi khô, tán bột, phân vào những gói nhỏ, mỗi gói 6g. Người lớn dùng mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một gói.
Chữa tiểu đường loại 2.
Phần vỏ của quả ổi có nhiều chất xơ, sinh tố C và những chất chống oxy hoá có tác dụng kháng viêm và ổn định đường huyết rất tốt cho các bệnh nhân bệnh tiểu đường loại 2. Không ăn phần ruột có nhiều hạt và chỉ số đường cao. Liều dùng trung bình 150g mỗi ngày. Người già có thể xắt nhỏ, xay và ép lấy nước uống. Tuy nhiên, nước ép sẽ mất bớt đi sinh tố và chất xơ.
Chữa băng huyết.
Quả ổi sao khô, đốt tồn tính, tán bột. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần khoảng 8g.
Lưu ý. Không dùng ổi cho những người đang bị táo bón. Ruột ổi có thể làm nhuận trường nhưng chất chát trong lá ổi và vỏ ổi có thể gây táo bón.
 


Last edited by a moderator:


Back
Top