Có 20 ha đất bãi bồi sông hồng muốn canh tác!!!!

  • Thread starter duyhieu
  • Ngày gửi
Hiện tại em đang có quyền sử dụng 20ha đất nông nghiệp ở bãi bồi sông hồng thuộc huyện Mê Linh . Em thấy mô hình trồng rau muống đầu tư ít mà khá hiệu quả , ít sâu bệnh . Em đang lăn tăn là trồng nhiều như thế thì có tiêu thụ nổi không , và tiêu thụ ở đâu ? Mong các anh chị có kinh nghiệm tư vấn giúp em với , nếu hợp tác đầu tư và bao tiêu cho em thì càng tốt ạ .
 


Rau muống tiêu thụ ở các thành thị, bao nhiêu cũng hết,
có điều là giá sụt xuống khi có nhiều hàng cùng vào chợ.
Đã trồng, đến lúc hái thì phải hái, và đã hái thì phải
bán hết trong vòng 4 giờ. Sau 4 giờ, thì rau không còn
tươi nữa, bán với giá rau ế. Nếu bạn độc chiếm thị trường,
vì nguồn rau giồi giào, thì nhiều người trồng rau muống
sẽ phải trồng rau khác.
*
Trồng rau Muống đòi hỏi nhiều nhân công, phân bón, và
nước tưới. Rau Muống chỉ trồng đến mùa Thu thì năng suất
giảm đi rõ rệt khi gió mùa Đông Bắc tràn về, và chất lượng
rau cũng kém. Sau mấy đợt gió mùa Đông Bắc, thì tất cả rau
Muống sẽ lụi, không bán được xu nào nữa.
*
Nếu bạn trồng rau Muống, mùa Hè bạn sẽ là Vua Rau Muống
của Hà Nội và các thành thị xung quanh.
*
 
Em cám ơn anh amytran . Cho em hỏi anh mấy câu hỏi nữa nhé
1 : Quy trình trồng rau muống ( phân bón , trừ sâu bệnh .... )
2 : Đầu tư tiền trên 1 sào bắc bộ 360m2 ( tiết kiệm nhất anh nhé )
3 : Đất em có rồi , em muốn canh tác luôn nhưng không biết bắt đầu từ đâu , anh cho em lời khuyên luôn nhé , chiều gọi máy cày vào thi công luôn cũng được.
4 : Trồng xong thì tiêu thụ ở đâu , vì 1h sáng nay e qua chợ đầu mối Long Biên , thấy toàn thương lái nhỏ lẻ thôi , không có ai thu mua theo tấn cả .

Vì anh ở mỹ nên em không mời anh đi nhậu được , mong anh tư vấn giúp em với . Em cám ơn anh ạ .
 
đúng như bạn Hiếu nói nhà mình gần chợ đầu mối rau quả Long Biên mình thấy rau muống ở đây chủ yếu được các thương lái nhỏ mang từ các địa phương như Hà Nội 2, Như Quỳnh, Mê linh, Nhưng mình thấy họ mỗi lần mang cũng chỉ được 1 tạ đổ lại, Theo mình bạn mới đang dự định thì nên cân đối và đa dạng các loại cây trồng theo mùa vụ 20ha cơ mà vừa có nguồn thu 4 mùa vừa giảm thiểu rủi ro. Mặc khác bạn có thể tính đến chuyện lâu dài đó là xây dựng diênh tích trồng rau sạch làm thương hiệu nhưng đó là chuyện của tương lai giờ hãy lấy ngắn nuôi dài đã để có vốn đầu tư cho tương lai. Chúc bạn thành công
 
Kinh nghiệm tôi trồng rau muống thì cổ xưa, lạc hậu rồi
nhưng vẫn kể để bạn tham khảo:
*
Bón lót thật nhiều phân chuồng và phân xanh ngay sau khi
cày. Cần bừa kỹ để trộn phân vào đất. Phân chuồng có thể
chưa cần thật hoai cũng được. Nó có tác dụng xốp đất và
giữ ẩm. Độ đạm của nó không cần, vì mình bón kèm phân hữu
cơ NPK. Nói vậy thì cách trồng này không được sạch lắm,
nhưng cũng đủ sạch cho mình ăn.
*
Mua rau muống ăn làm giống. Loại cuộng càng to càng tốt.
Cuộng nào nhỏ phải bỏ ra, không trồng. Phải trồng ngay
sau khi mua về, càng sớm càng tốt. Tôi trồng rau muống đây:
*
http://youtu.be/nM0AGDIeJEI

http://youtu.be/WnYelXBl0nE
*
Nói chung hàng cách hàng chừng 10 centimet, cây cách cây
chừng 5 centimet. Góc nghiêng chừng 60 độ. Ngọn thò lên
chừng 3-5 centimet. Sau khi bén rễ, ngọn mọc thêm đủ dài
(chừng gần 20 centimet) thì hái bán. khi vùi lấp đất, không
được lèn, mà tưới nước thật nhiều bằng thùng tưới xách tay,
vòi có nhiều lỗ thủng, để đất bột theo nước chui vào lấp
các kẽ hở. Phải chăng màn hay liếp tre che nắng nếu nắng to.
Ban sáng và chiều nhạt nắng phải mở liếp che cho rau mới
trồng được có nắng mới bén được rễ. Ngày nào cũng phải tưới
thật nhiều nước vào ban chiều, để đêm nó hút nước và ra rễ.
Sau 1 tuần, thì tưới nước pha phân đạm để chóng ra rễ và mọc
non để hái bán. Pha thật loãng thì rau không chết, rồi sau
đó chỉ tưới nước lã thôi. Sau khi hái, lúc ấy có thể rắc phân
NPK với tỷ lệ bằng nhau, và chỉ rắc 1 lần, rồi tưới nước lã.
*
Rau này hái đợt 2 đây:
(Tôi sẽ đưa hình lên sau vì bây giờ Photobucket không chạy.)
*
Khi hái, phải hái sát mặt đất. Hái bằng tay. Không được cắt.
Bấm ngay trên đầu mặt. Vì trồng ngọn sâu và nghiêng, nên
các đốt dưới đất mọc mẩm lên, chứ không mọc lêu nghêu trên
các đốt nếu ngắt cao hay cắt bằng dao hay kéo. Cũng vì thế,
hái vài đợt, thì năng suất và chất lượng rau kém (ngọn nhỏ
đi), phải cuốc lên, lấy ngọn tốt mà trồng lại. Từ cuối Xuân
đầu Hè đên giữa Thu thì phải trồng 3 lần hay 4 lần. Mỗi lần
trồng hái vài lần. Mỗi lần trồng, có thể bón lót phân hữu cơ.
Một giờ 1 người hái được 30 mớ rau muống, chừng 3 chục ký.
Nếu cắt thì nhanh hơn, nhưng rau mọc chậm hơn, tình ra năng
suất thấp, lợi không bù hại.
*
Mùa Thu, rau muống bắt đầu trổ bông (hoa) màu trắng toát.
Loại rau thân hơi tím, thì bông cũng hơi tím, nhất là ở
đáy loa kèn. Loại rau muống ao thân tím đỏ, thì bông tím
đỏ thật nhiều, thật đậm. Lúc ấy rau cằn lại, năng suất thấp
vị chát hơn, ăn dai hơn, cứng hơn, và khó bán hơn. Sau đó
bông kết trái. Mỗi trái có 4 hạt. Hạt có cạnh góc vuông ở
nơi giữa trái, giống như bánh dày cắt ra làm tư vậy. Hạt
có màu trắng, bóc ra đã thấy có lá màu xanh bên trong. Hạt
ăn hơi dẻo dai như cao su, mùi ngái, vị chát, không ngon.
Hạt chưa chín khô, thì gió mùa Đông Bắc về, và rau Muống
lụi tàn, mặc dù gốc dưới đất vẫn còn tươi. Từ đó không thu
hoạch được rau Muống nữa. Nên để dành một ruộng không đụng
đến để làm giống. Mùa Xuân sang năm thì từ gốc đó, sẽ nảy
mầm lên rau muống Giống.
*
Nếu có hạt rau muống TQ thì gieo. Chẳng hiểu sao họ lại có
hạt giống mà tôi trồng nhiều năm chưa từng nhìn thấy hạt già?
Gieo hạt trên đất 1 nửa là phân hữu cơ 1 nửa là đất phù sa
nguyên chất màu đỏ tươi nhạt. Giữ nước xâm xấp sau khi nảy
mầm. Gieo thưa và bón phân vô cơ cho mọc thật bụ thân. Nếu
gieo mau, thì thân sẽ gày nhỏ vì thiếu nắng. Thân gày nhỏ mà
làm giống thì mọc yếu, mọc chậm, khó bán, coi như thất bại.
Làm sao khi rau giống mọc lên, khoảng cách phải 5 centimet
trở lên. Do đó, cần phải nhổ tỉa để rau khỏi dày quá.
*
Khi rau giống từ hạt mọc được hơn 1 gang, thì nhổ cả cây cả
rễ lên làm giống. Vì đất có 1 nửa là phân hữu cơ, và tưới
nước hay giữ ruộng nước, nên nhổ được cả rễ không bí sây xát.
Ngắt phần ngọn trồng riêng với nhau, và trồng riêng phần gốc
với nhau. Chỗ ngắt phải ở ngay trên đốt rau, và đốt này ở
phần gốc, phải trồng sâu dưới mặt đất 1 centimet. Sau khi trồng
thì tưới nước thật nhiều, thì đất xẹp xuống, nhưng gốc giống
và ngọn giống trồng thì không xẹp được, mà trái lại, trồi lên
nên đốt này sẽ vừa đúng ở mặt đất. Vì thế, ngọn rau mọc lên từ
gốc sẽ mọc lên từ ngay mặt đất, chứ không cao lêu nghêu, ngất
ngưởng trên không trung. Trong video clip, tôi trồng phần gốc
hơi bị cao, nổi trên mặt đất, không đúng kỹ thuật. Tôi sẽ
chụp ảnh lại luống rau trồng bằng khúc gốc già ngắt ra sau khi
nhặt rau ăn ngọn. Nhớ vắt lá rau mở ra 2 bên chứ không để mặc
chúng đè lên nhau, thì chóng bén rễ và nảy mầm hơn.
*
Việc tiêu thụ, không trong kỹ thuật Nông Nghiệp, mà là mánh lới
buôn bán. Chợ nào cũng có đường dây mối nhợ tiêu thụ của nó.
Bạn phải có hàng, và phải mang hàng đi tận từng cửa hàng bán lẻ
mà bỏ mối. Mỗi người buôn bán lẻ chỉ tiêu thụ chừng 2 chục ký
rau thôi. Họ thích nhận 15-20 ký vào sáng sớm, và 5-10 ký vào
lúc trưa, chứ không thích nhận 1 lúc đâu. Tuỳ theo ngày mà bán
chạy hay ế. Bây giờ có điện thoại, thì tình hình này rất dễ
giải quyết. Ngày xưa tôi dậy sớm tù tờ mờ sáng, chưa nhìn rõ
cuộng rau, cũng đã hái được rồi. Hái được 1 gánh đầy thì mang
rau đi giao. Có thể lấy tiền ngay. Chỉ cho nợ người thật tín
nhiệm thôi, nhưng đến trưa thì cũng lấy tiền về hết. Nếu có hàng
Tấn, thì bạn phải đào tạo người phân phối rau đi về các cửa hàng
lẻ. Chính vì vậy, ngày xưa làm ăn dễ có người tình là người đại
lý bán hàng cho mình. Một chủ vựa rau, có mấy cô người tình ở
Chợ Hôm, Chợ Cửa Nam, Chợ Mơ, Đồng Xuân, Phúc Xá. Có cái tình
vào thì tin nhau hơn, và ăn chia hơn kém nhau cũng xí xoá được,
mặc dù chuyện này không phù hợp đạo đức truyền thống. Nói tóm
lại, mình trồng rau, thì để người buôn bán rau người ta sống.
Không nên uống chén trà thì uống cả cặn. Làm nông thì không
thể buôn, nếu không làm chủ công ty vừa trồng vừa bán.
*
 
Cám ơn chú Anhmytran và anh thuysandopa nhiều lắm . Đọc bài của chú Amytran mà cứ buồn cười , rau muống lại sinh ra cả bồ bịch nữa . Chú Amytran ơi , cho cháu hỏi thêm , diện tích đất của cháu có nhiều có nên trồng thêm ớt chỉ thiên không chú , có nhiều bên bảo bao tiêu nếu cháu trồng , cháu có thể lấy thêm 30 - 50 ha đất nữa , cháu nghĩ trồng ớt cũng được , vì xuất khẩu dễ . Chú cho cháu lời khuyên nhé , cháu cám ơn chú ạ .
 
Đây là rau muống trồng ở Video Clip, sắp hái lần thứ 2.
*
IMG_0630.jpg

*
Đây là rau muống hái lần thứ 2:
*
IMG_0649.jpg

*
Đây là rau muống trồng đợt khác, lấy ngọn hái lần thứ 3.
Nhìn kỹ, thì hàng cách hàng hơn 10 centimet, có đến 15 centimet,
và cây cách cây có đến 7-8 centimet.
*
IMG_0876.jpg

*
Có vài hàng bị bệnh đốm lá, tôi phải vặt bỏ lá đi.
Bệnh đốm lá này có sẵn trong đất nhà tôi.
Khi tôi mua rau về ăn, nhưng chọn ngọn bự làm giống, thì không bị đốm.
Rau bị đốm lá thì không thể bán cho ai được.
*
Đây là hình chụp rau muống trồng bằng đoạn gốc nhặt bỏ từ rau ăn:
*
IMG_0875.jpg

*
Mời bạn nhìn kỹ, nơi ngắt rau ra ở ngay sát dưới mặt đất. Các lá già
không vặt bỏ, mà thò lên khỏi mặt đất, mở ra 2 bên hứng nắng mặt trời.
Tiếc rằng các lá này đều bị nấm đốm lá. Mong rằng chồi mọc lên nhanh
hơn tốc độ nấm mọc trên lá. Như vậy ta có thể ăn mầm nấm mốc mới nhú
trên lá mà chưa thể hiện ra đốm.
*
Về trồng ớt, khi tôi ở Việt Nam, người ta chỉ trồng theo hợp đồng,
chứ không dám tự trồng tự bán. Người Việt Nam nói chung không ăn
nhiều ớt. Ví dụ huyện Chợ Rã (Bắc Kạn hay Cao Bằng) có ớt hoang mọc,
trái chín hàng trăm trái, không ai hái, nhưng huyện Đồng Mỏ (Lạng Sơn)
thì chẳng cây ớt nào có trái cả. Người ta vặt trước khi trái chín.
Ở Hà Nội, có người ăn ớt, có người chỉ gắp một miếng mà giằm vào chén
nước mắm chấm rau muống. Tiệm Phở ở Hưng Yên có ớt thái, ai muốn ăn
bao nhiêu thì ăn. Có khách nơi xa đến hỏi "Ớt ăn thế nào đấy bác chủ
tiệm?" rồi hỏi "Tôi ăn thật nhiều thì sao?" Chủ tiệm nói, "Anh ăn hết
cả đĩa ớt, thì bồi lấy thêm, đổ vào đĩa cho đầy lại, không tính thêm
một xu, vì hàng trăm khách ăn, mới chỉ có anh ăn ớt mà thôi. Mỗi lần
tôi mua ớt mấy hào thì được cả ký, bán phở mấy hôm vẫn không hết, phải
đổ đi, mua ớt khác cho tươi." Lúc ấy bát phở giá 5 hào và 1 đồng, chỉ
có 2-3 miếng thịt thái mỏng tang, nhìn thấy bên kia. Sau năm 1975, giá
bát phở lên tới 5 đồng, gấp 10 lần, vì tiền sụt giá.
*
Nên trồng 2 loại ớt: ớt chỉ thiên và ớt to cỡ ngón tay. Ớt to có giống
cay vừa, và giống rất cay, để tuỳ người thích ăn cay có thể chọn. Tôi
thích giống hơi cay, vì nhà có một cây rất cay, không ai muốn đụng đến.
Chuyện trồng ớt, bạn nên tìm hiều, chứ không dễ bán như rau muống đâu.
*
Làng Láng, Từ Liêm trước kia trồng rau cho Hà Nội. Trồng đủ các loại
rau. Mùa nào thức ấy. Sau đó Hà Nội bành trướng ra, thì nghề "Gánh hàng
Hoa" đi vào huyền thoại. Các huyện như Thanh Trì, Văn Giang cũng trồng
rau cho Hà Nội, nhưng có lẽ bây giờ bạn trồng ở Mê Linh mới đúng hơn.
Không nên trồng 1 thứ rau. Đó là điều tôi muốn nói.
*
 

Chú Anhmytran tốt quá , vì điều kiện cháu học tập ở hà nội , nên có lẽ cháu sẽ cử người dưới đó trông nom và canh tác . Rau muống thì cháu sẽ trồng luôn khoảng vài sào trước , trồng thử nghiệm ớt nữa . Theo chú cháu nên trồng thêm loại rau nào nữa không ???? Cháu cám ơn chú nhiều lắm , trên youtube có video chú chơi với trẻ con , ba ông cháu chơi vui thật đấy .
 
Chợ Hà Nội có rau gì, thì trồng rau ấy.
Mùa nào thức ấy.
Mỗi chợ có đặc điểm riêng của nó.
Đưa rau vào chợ, phải biết đặc điểm riêng của nó.
Cụ thể là loại rau gì, chất lượng ra sao, và bao nhiêu.
Phải tính trước rằng khi ta đưa hàng vào chợ, thì
giá cũ sẽ sụt xuống chút đỉnh nếu hàng của ta tốt
hơn. Nếu hàng của ta kém, sẽ bị ế.
*
Ví dụ chợ Nam Định có nhiều rau Ngổ, chợ Đông Ba
ở Huế có bán trái Sung Vả, chợ Tuy Hoà không có
rau muống cạn, mà chỉ có rau muống đỏ dưới nước
thôi. Bạn mang rau muống trắng đến đây bán thì
chẳng ai mua.
*
Về chất lượng: ví dụ rau muống Hà Nội cuộng to,
lá to, là thói tôi trồng rau muống. Ngược lại,
chợ Hải Phòng và chợ Sài Gòn, thì rau muống cằn
gấy chứ cuộng không bự. Rau Hà Nội đòi hỏi chất
lượng rất cao, đúng như ý thích của tôi. Ví dụ,
dưa chuột Hà Nội phải nhỏ, vừa dai vừa giòn, vừa ngọt.
Trông dưa chuột Trung Quốc rất giòn, nhưng không dai,
và nhạt thếch, không thẻ bán ở Hà Nội được, mặc dù
năng suất gấp nhiều lần. Rau muống Trung Quốc có
lợi là gieo hạt, nhưng nếu gieo thưa để có cuộng to
thì thân rau có gai lởm chởm, không thể bán được.
*
Bạn có nhiều đất, nên lập thương hiệu, thì bán hàng
dễ hơn. Ví dụ: rau Muỗng Duy Hiếu, dưa chuột Duy Hiếu,
khoai tây ruột vàng Duy Hiếu, Ớt sừng bò rất cay Duy
Hiếu, rau cần Duy Hiếu, Cải Bắp Duy Hiếu, Xà lách
Duy Hiếu, vân vân. Ở Mỹ, tên rau được in vào lạt
buộc mớ rau. Lạt làm bằng dây thép nhỏ mềm để dễ
xoắn mà không xở ra. Bên ngoài là giấy dai và dày
rộng bản 5 ly, dán 2 bên thành hình như lạt tre của
ta. Giấy này ôm lấy mớ rau, khó bị dây thép lằn vào
thân hay lá rau, và khi buộc khi tháo lại cũng dễ.
*
Trên YouTube, đó là 3 đứa con của tôi.
Không phải ông cháu đâu. Tôi 53 tuổi mới
cưới vợ. Bây giờ con trai lớn của tôi sắp
lên 10, vào học lớp 5, thì tôi gần 64.
*
Ở Mỹ, tuổi này rất dang dở: chưa được ăn tiền người già
(65 tuổi) nhưng chẳng ai thuê mướn mình. Chỉ có thể dạy
đại học, nhưng bằng cấp của mình thì chưa đủ.
*
 
Tốt quá rồi , cháu sẽ cố gắng thi công sớm rồi có gì cháu post hình lên chú xem cho cháu nhé , cháu cám ơn chú nhiều lắm . nhìn chú còn trẻ trung phong độ lắm :approve:
 
Tốt quá rồi , cháu sẽ cố gắng thi công sớm rồi có gì cháu post hình lên chú xem cho cháu nhé , cháu cám ơn chú nhiều lắm . nhìn chú còn trẻ trung phong độ lắm :approve:
Mình tên văn .SĐT 0987078863 là kỹ sư nông nghiệp, năm nay 27 tuổi, rất muốn hợp tác làm kinh tế trang trại. Mình tìm được chương trình trồng và bao tiêu sản phẩm đầu ra, nếu có thể chúng ta hợp tác được ko?
 
tôi can bạn nên nghĩ lại đã. vì vừa rồi có tình trạng khủng hoảng, rau trồng ra nhiều không bán kịp, giá rất thấp nên nhiều nhà lỗ bỏ cả trồng rau.
bạn làm nhưng không trực tiếp, lại không chọn giải pháp kỹ thuật mới, mà chỉ dùng các kỹ thuật đương thời, e là thiệt hại nặng. với diện tích hàng chục ha, muốn làm tốt thì phải đầu tư rất lớn. những kỹ thuật mới đang có ưu thế về lãi suất như tưới nhỏ giọt, phân cải tạo đất, máy phay đất, máy phun, ... đòi hỏi người chủ rất giỏi kỹ thuật, rèn đội công nhân thành thạo và nghiêm ngặt, lại có nguồn vốn hùng mạnh mới làm nổi. bạn không có những cái đó, mà cứ nhảy vào thì e là mệt đấy. chưa kể làm ra nhiều phải có kỹ thuật thu hái, bảo quản và vận chuyển tốt, nếu không hàng tấn ra đè lên nhau, chở ra hà nội thành rau lợn hết.
nói chung bạn cần hiểu rõ cái khác nhau giữa làm nhỏ và làm lớn đã.
làm nhỏ thì chỉ cần phương tiện thủ công, nhỏ gọn, nhưng làm lớn cần nhiều cái mà người làm nhỏ không hiểu và không bao giờ có. đơn cử làm nhỏ thì tưới bằng tay, nhưng làm lớn cần hệ thống tưới tự động. vậy nên bạn thuê người làm mà không đầu tư và chỉ đạo, họ sẽ làm bằng kỹ thuật thủ công cổ điển, rốt cuộc là bạn sẽ lỗ to. lúc ấy dù có ngàn người tư vấn như trên đây cũng không gỡ được.
bạn cứ làm đi rồi sẽ hiểu điều tôi nói.
 
Hiện tại em đang có quyền sử dụng 20ha đất nông nghiệp ở bãi bồi sông hồng thuộc huyện Mê Linh . Em thấy mô hình trồng rau muống đầu tư ít mà khá hiệu quả , ít sâu bệnh . Em đang lăn tăn là trồng nhiều như thế thì có tiêu thụ nổi không , và tiêu thụ ở đâu ? Mong các anh chị có kinh nghiệm tư vấn giúp em với , nếu hợp tác đầu tư và bao tiêu cho em thì càng tốt ạ .

Tôi muốn cùng hợp tác với bạn. hộp thư của tôi: phamnhuanh@yahoo.com
 
Bạn ở đâu Mê Linh vậy, mình ở Đại Thịnh đang kiếm đất trồng hoa đây.
 
Mình cũng đang muốn tìm đất khoảng 20 ha để triển khai mô hình nông nghiệp bền vững permaculture. Nếu bạn chưa sử dụng khu đất trên và muốn hợp tác thì liên hệ với mình nhé. SĐT của mình: 0981.363.343. Mình tên Dương Tuấn.
 


Back
Top