Xin chào mọi người. Tôi xin được dông dài một chút. Tôi là dân gốc nông dân, đang sống và làm việc (không liên quan đến nghề nông) ở Sài Sòn. Nay tôi có ý định “giải nghệ” để trở về lại với cái nghề có dính dáng đến gốc gác của mình.
Vừa rồi (5/10/2013) tôi và một số người bạn có đến trang trại Sơn Ca của anh Sơn ở Hóc Môn để tham quan và tìm hiểu nghề nuôi lươn với hy vọng sẽ phát triển kinh tế với mô hình này.
Khi đến, tôi thấy có khá đông người tham quan. Qua cách ăn mặc, tôi đoán phần lớn những người tham quan là nông dân, trong đó có một số ở Quảng Nam và Thanh Hóa vào. Chúng tôi được phát mỗi người một tờ giấy photocopy khổ A4 một mặt, chữ viết tay. Nội dung là bài toán kinh tế về nuôi lươn và một vài điểm về kỹ thuật nuôi lươn. Xin up hình lên để mọi người tham khảo. Chữ khá mờ nên tôi phải dùng Photoshop để chỉnh lại cho nét hơn nhưng cũng không khá hơn bao nhiêu.
Chúng tôi được anh Sơn trao đổi khoảng 10 phút về bài toán kinh tế nuôi lươn và kỹ thuật nuôi lươn. Thực ra chủ yếu là anh Sơn diễn giải lại nội dung trên tờ A4 kia để mọi người rõ. Sau đó chúng tôi được một anh nhân viên dẫn đi tham quan các hồ nuôi lươn ngay cạnh đó. Chúng tôi chỉ được dẫn đi xem các hồ ở bên ngoài. Khi tôi có ý định đi vào trong để xem thì anh nhân viên kia không cho. Quan sát tại các hồ mà tôi được xem, tôi thấy lươn có kích cỡ to bằng ngón tay út đến ngon chân cái (đường kính). Tôi không/chưa thấy được nơi lươn con (nhỏ) ở và nơi lươn đẻ trứng.
Sau đây là những suy nghĩ, nhận xét và quyết định của tôi sau chuyến tham quan này. Xin nói rõ: đây là lần đầu tiên tôi gặp anh Sơn; giữa tôi và anh Sơn chưa có bất cứ mối quan hệ làm ăn nào cho đến thời điểm này.
- Tờ giấy photocopy chữ rất mờ, chứng tỏ nó có thể đã được sao lại rất nhiều lần. Như vậy nội dung đó có thể đã được truyền tải đến rất nhiều người. Thêm vào đó, với khoảng 40 người tham quan tại thời điểm chúng tôi đến, có thể đoán được có rất nhiều người đến để tham quan trang trại của anh Sơn.
- Qua cuộc trao đổi khoảng 10 phút giữa anh Sơn với chúng tôi, tôi thấy việc “chuyển giao” quy trình nuôi lươn rất sơ sài. Nó tạo cho tôi cảm giác rằng chỉ cần xây hồ, cho nước vào vệ sinh, sau đó thả lươn vào, cho ăn và thay nước mỗi là có thể chờ đến ngày thu hoạch. Tôi đã tham gia một số khóa học, tập huấn về nuôi trồng các cây và con vật khác nên tôi thấy đây là quy trình đơn giản (hay sơ sài?) nhất mà tôi được nghe. Và đây là suy nghĩ của tôi: nếu quả thật nó (quy trình nuôi lươn) đơn giản và hiệu quả như thể thì sớm hay muộn, lươn sẽ tràn ngập thị trường và giá sẽ rớt thê thảm.
- Bây giờ xét đến nội dung khác trong tờ giấy A4. Theo quy trình, với mật độ nuôi 400 con/m2 thì trong một diện tích hồ 20m2 (xem phần đánh dấu màu vàng ở hình ảnh) có thể nuôi 8,000 con lươn, trung bình 1 con = 300 gram, sau 6 tháng có thể cho ra 2,4 – 2,8 tấn lươn thịt (xem phần đánh dấu màu đỏ). Thú thật tôi không thể hình dung được làm sao hơn 2,4 tấn lươn (năng suất thấp nhất) có thể sống được trong diện tich 20m2 với nước hồ cao 3 tấc (30cm). Nếu ai đã từng nuôi lươn đạt năng suất như vậy, xin vui lòng cho tôi biết.
- Và điều quan trọng nhất: hiệu quả kinh tế được đề cập trong tờ A4 này. Theo anh Sơn, với diện tích một hồ 20m2 thì sau 6 tháng có thể thu lại lợi nhuận thấp nhất là 105,2 triệu đồng (xem phần đánh dấu màu xanh ở hình ảnh) sau khi đã trừ chi phí con giống, xây hồ, nhân công, điện nước và thức ăn. Để dễ hình dung hơn, lấy ví dụ nếu ta có 100 hồ (tương đương diện tích đất là 2000m2), sau 6 tháng lợi nhuận sẽ là 10 tỉ! Cứ cho là có hao hụt lương thịt trong quá trình nuôi (cùng với việc nói quá lên một chút của người bán giống) tôi cắt đi 50% lợi nhuận thì vẫn còn lời 5 tỉ trên diện tích đất 2000m2! Tôi chưa thấy tỉ suất lợi nhuận tính trên diện tích đất nào lại cao như thế trong nông nghiệp. Với tỉ suất lợi nhuận đó, chỉ có đất thương mại trên các trục đường chính ở Q.1 TP.HCM như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ may ra mới sánh kịp về khả năng sinh lợi! Và với tỉ suất lợi nhuận đó, sao các đại gia chăn nuôi heo và tôm không nhảy vào làm để hàng năm khỏi phải chịu cảnh dịch heo tai xanh, tôm đầu bạc?
Và với những câu hỏi chưa có lời đáp ở trên, tôi quyết định cần phải tìm hiểu kỹ hơn mới quyết định có nuôi lươn hay không.
Xin nhắc lại giữa tôi và anh Sơn chưa từng có bất cứ mỗi quan hệ kinh tế hay xã hội nào nên hoàn toàn không có mâu thuẫn gì giữa tôi và anh. Trên đây chỉ là những suy nghĩ đơn thuần dưới góc độ kinh tế, của một người chưa từng nuôi lươn.