Đông Nam bộ: Mía chết khô!

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Khô hạn kéo dài khiến cả ngàn hecta mía của Cty CP Mía đường La Ngà cũng như các hộ dân ở Định Quán (Đồng Nai) đang chết khô chết héo. Nhiều biện pháp được đưa ra để cứu mía, nhưng mía vẫn cứ chết. Còn biện pháp cần kíp nhất lúc này là tưới nước cho cây mía lúc này thì còn đang…nằm trên giấy.


 Chúng tôi về xã Gia Canh, huyện Định Quán vào một buổi trưa nắng gắt. Những cánh đồng mía trải dài đang khô héo đến nhức mắt. Nếu gặp một tàn lửa nhỏ, chắc chắn ruộng mía sẽ bùng cháy dữ dội. Đây là những cánh đồng mía của người dân và nông trường 1, có diện tích gần 700ha thuộc Cty CP Mía đường La Ngà.


mia.jpg



“Sáu tháng nay không có giọt mưa nào mà trời cứ nắng như rang, đào xuống đất mấy mét mới thấy đất ẩm, như vậy làm sao cây mía sống nổi” – nông dân Nguyễn Văn Tùng cho biết. Nhà anh Tùng có 2ha mía nhưng không thu hoạch được gì vì thân quá khô, ép không ra nước. Năm nay nông trường 1 có gần 300ha mía trồng mới (mía tơ), 400ha mía gốc thì khoảng 1/3 diện tích mía tơ đã chết, còn mía gốc tỷ lệ tái sinh chỉ khoảng 70%. Anh Lương Văn Nam, PGĐ Nông trường 1 rầu rĩ nhìn cánh đồng mía loang lổ đất trắng vì mía chết khô, những cây còn sống thì èo uột, lá rũ xuống. Được biết, Cty La Ngà có 3 nông trường mía với 2.800ha thì nông trường 1 (nằm trên phần đất xã Gia Canh, huyện Định Quán) có nhiều mía bị chết nhất.


Chúng tôi đi trên đồng mía giữa cái nắng hầm hập. Cúi xuống bốc một nắm đất trên ruộng mía, nắm chặt rồi thả lỏng bàn tay, nắm đất tan ra như cát. Anh Linh, cán bộ kỹ thuật của nông trường 1 cho biết, thông thường một vụ mía chỉ cần tưới một lần, những năm mưa lai rai không cần tưới. Riêng năm nay nông trường đã tưới 2- 3 lần, nhiều lô phải tưới đến lần thứ 4. Bình quân một lần tưới tốn từ 3- 3,5 triệu đồng/ha. Như vậy chỉ riêng việc tưới thôi đã tốn tiền tỷ rồi. “Tôi trồng mía 21 năm nay rồi nhưng chưa thấy năm nào hạn hán khốc liệt như năm nay. Tôi đã tưới 3 lần, có lô tưới đến lần thứ 4 nhưng hơn 2 mẫu mía vẫn chết phân nửa”- chị Hoa (ấp 5, xã Gia Canh) cho biết.


Ông Trần Văn Ngà - TGĐ Cty CP Mía đường La Ngà cho biết Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc và Trảng Bom là những huyện của Đồng Nai đang bị hạn hán nghiêm trọng. Định Quán, nơi có gần 2.800ha mía của Cty La Ngà hạn nặng nhất. “Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ người trồng mía. Vốn đầu tư ban đầu 17 triệu/ha trồng mới Cty bỏ ra, người trồng mía sẽ hoàn trả 70% vốn vào vụ thu hoạch đầu tiên, 30% còn lại sẽ trả vào vụ kế tiếp. Ngoài ra Cty còn hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu đồng/ha, ghi nợ 4 triệu đồng/ha chi phí tưới mía tơ. Mía gốc (mía đã cho thu hoạch, chờ tái sinh), Cty cũng hỗ trợ 500 ngàn đồng/ha. Giờ đây có lẽ phải hỗ trợ bà con cả công tưới”- ông Ngà cho biết.







Do ảnh hưởng El Nino, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong hơn 100 năm qua. Con người thiếu nước sinh hoạt, hàng trăm ngàn hécta cây trồng thiếu nước tưới. Khô hạn kéo dài khiến cho ngay cả sông Hồng, dòng sông lớn nhất miền Bắc Việt Nam cũng đang ở mức nước thấp nhất trong vòng 108 năm qua.






Hiện nông trường 1 đang phải thuê máy móc về để vét sâu thêm những chiếc ao cạn nước đã có sẵn từ trước và cho đào mới hàng chục ao mới khắp nơi. Nhưng đây chỉ là giải pháp “chữa cháy”, với chi phí không hề nhỏ. “Chúng tôi phải thuê đào những chiếc giếng này với giá 470 ngàn đồng mỗi giờ. Phải thuê từ 40 tiếng chở lên họ mới chịu làm. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu không có những giếng này thì nơi đây thành sa mạc hết rồi. Mỗi giếng như vậy tưới được vài giờ là hết nước, phải đợi mấy tiếng sau mới có nước tiếp”- anh Linh cho biết.


Được biết, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt dự án thủy lợi cung cấp nước cho vùng mía và các loại cây nông nghiệp khác ở Định Quán. Dự án này lấy nước từ sông La Ngà đưa lên hồ chứa trên đỉnh đồi. Nước sẽ đi theo đường ống ngầm qua gần 3 cây số đường rừng. Trong khu vực trồng mía cứ mỗi 30- 35ha có một bể chứa nước trung gian. Từ đây mía sẽ được tưới ngầm bằng công nghệ hiện đại của Ixrael. Dự án đã được đề xuất từ 4 năm trước với vốn đầu tư hơn 160 tỷ. Đến nay, mặc dù dự án đã được duyệt (Sở NN- PTNT làm chủ) nhưng còn nằm trên giấy. Khi thực hiện, chắc chắn vốn đầu tư dự kiến sẽ không dừng lại ở con số này. “Nhanh thì chắc cũng phải hết năm nay mới triển khai. Như vậy ít nhất phải 5 năm nữa chúng tôi mới có thể hưởng lợi”- ông Ngà dự đoán.











Bao Nong Nghiep Viet Nam
 


Last edited:


Back
Top