Giống lúa lai mới TH5-1 và CT16

  • Thread starter Guest
  • Ngày gửi
Nam Định có 115.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 80.000 ha đất trồng lúa, mỗi năm trồng 2 vụ lúa với tổng diện tích từ 157.000 đến 158.000 ha. Từ năm 1993 đến năm 2005, lúa lai chiếm ưu thế về diện tích, nhiều HTX gieo cấy tới 95% diện tích lúa lai trong vụ xuân và 60-65% diện tích về vụ mùa.


Các huyện phía nam tỉnh như Giao Thuỷ, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu cấy lúa lai từ 75- 80% diện tích vụ xuân và 50-55% diện tích trong vụ mùa. Mấy năm gần đây, Nam Định chủ trương mở rộng diện tích lúa thuần chất lượng cao nên diện tích lúa lai giảm, tuy vậy lúa lai vẫn chiếm chừng 40% tổng diện tích canh tác toàn tỉnh với 2 vụ, và vẫn khẳng định ưu thế của mình so với những giống lúa thường: Năng suất cao và ổn định, trong những điều kiện biến động của thời tiết, cây lúa lai vẫn giữ được năng suất ở mức khá, luôn cao hơn các giống lúa thuần từ 10 đến 25%; Thích ứng rộng trên nhiều chân đất khác nhau (chua, mặn, úng, trũng), đặc biệt là lúa lai chịu rét và chịu ngập úng rất tốt; Thời gian sinh trưởng ngắn, tạo điều kiện cho thâm canh một vụ đông trên chân đất 2 lúa, làm tăng giá trị thu nhập và hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích; Chất lượng gạo thương phẩm khá hơn nhiều so với một số giống lúa thuần khác…


Hiện tại, Nam Định đã xác định được một bộ giống lúa lai chủ lực cho hai vụ xuân và mùa của mình, và vẫn không ngừng khảo nghiệm thêm một số giống lúa lai mới. Nằm trong chương trình ấy, ngày 3/6/2010, Sở NN&PTNT Nam Định đã phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp (thuộc đại học Nông nghiệp Hà Nội) và Công ty TNHH Cường Tân, tổ chức một “hội nghị đầu bờ” tại xã Hải Phong (huyện Hải Hậu) để đánh giá mô hình trình diễn hai giống lúa lai mới là TH5-1 và CT16, được cấy trên diện tích 12 ha, mô hình do Công ty TNHH Cường Tân xây dựng. Có mặt tại hội nghị này, chúng tôi được GS - TS Nguyễn Thị Trâm (Viện Sinh học Nông nghiệp) của nhóm tác giả hai giống lúa trên, cho biết:


- TH5-1 là giống lúa lai hai dòng đầu tiên ở Việt Nam được lai tạo giữa dòng mẹ bất dục đực gen nhân mẫn cảm quang chu kỳ ngắn PSS và dòng bố nhập nội R9311 (R1). Giống lúa này đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống cho sản xuất thử năm 2007, quy trình sản xuất hạt lai F1 tổ hợp lai TH5-1 đã được thiết lập trong vụ xuân và vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc, trong đó có Nam Định. Hiện nay, giống này đã và đang được mở rộng sản xuất. Sau vụ này, chúng tôi sẽ làm các thủ tục để xin được công nhận TH5-1 là giống lúa mới một cách chính thức. Còn CT16 là giống lúa lai 3 dòng đầu tiên của trường Đại học Nông nghiệp HN, nó cũng đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống cho sản xuất thử theo quyết định 556 ngày 28/12/2009, vụ này là vụ sản xuất thử đầu tiên.


Theo đánh giá của nhiều đại biểu tại hội nghị đầu bờ nói trên, thì TH5-1 có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất đạt từ 70-80 tạ/ha ở vụ xuân và 65-70 tạ/ha vụ mùa, chống chọi khá với các bệnh đạo ôn, bạc lá, chống rầy,chống đổ, chịu rét tốt, có khả năng thích ứng khá rộng. Gạo TH5-1 thon dài, tỷ lệ gạo xát 71,7% (cho mỗi đơn vị trọng lượng thóc), tỷ lệ gạo nguyên 83,2%, cơm trắng, ngon. Giống TH5-1 có thể sản xuất hạt lai F1 trong vụ xuân ở các tỉnh phía Bắc. Còn CT16 cũng có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao trong vụ xuân, ít nhiễm sâu bệnh, chất lượng gạo khá…


Bao Nong Nghiep Viet Nam
 
Last edited:
Back
Top